Hải quan Hà Nội: Tăng cường các giải pháp đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại

PV

Thời gian qua, trên địa bàn Hà Nội đã diễn ra nhiều sự kiện chính trị quan trọng như Đại lễ 1000 năm Thăng Long Hà Nội, Đại Hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XV... Việc thiết lập ổn định tình hình trật tự an ninh chính trị và kinh tế không để hàng lậu, hàng cấm, hàng giả thâm nhập thị trường cũng như các hành vi vi phạm luật Hải quan gia tăng và khó kiểm soát là yêu cầu rất quan trọng.

Vì vậy, Hải quan Hà Nội đã tập trung thực hiện công văn số 5261/TCHQ-HTQT ngày 10/09/2010 của Tổng cục Hải quan về đảm bảo an ninh diễn đàn nhân dân ASEAN; Tập trung triển khai công văn số 29/BCQ-QLTT ngày 02/08/2010 về việc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tăng cường kiểm tra chống buôn lậu hàng giả và gian lận thương mại; Thực hiện công văn số 905/TT-BCĐ 127 ngày 30/06/2010 của Ban chỉ đạo 127 Thành phố Hà Nội về tăng cường kiểm tra, kiểm soát chống buôn lậu đối với mặt hàng điện lạnh và thiết bị điện.

Các Chi cục Hải quan, đặc biệt là Chi cục Hải quan cửa khẩu Sân bay quốc tế Nội Bài, chi cục Hải quan Gia Lâm, Chi cục Hải quan Bưu điện, Chi cục Hải quan Ga đường sắt quốc tế Yên Viên, chi cục Hải quan Bắc Hà Nội, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các chuyến bay trọng điểm, đối tượng hành khách trọng điểm, các bưu phẩm, bưu kiện chuyển phát nhanh, kiểm soát chặt chẽ các cửa hàng miễn thuế, tăng cường kiểm tra, kiểm soát, phát hiện ngăn chặn xử lý kịp thời các đối tượng vi phạm pháp luật về hải quan trong phạm vi địa bàn hoạt động hải quan nhằm ngăn chặn hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới. Cụ thể: Tăng cường kiểm tra, kiểm soát trọng điểm đối với mặt hàng cấm: Ma túy, vũ khí, chất nổ, tiền giả, văn hóa phẩm đồi trụy; hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ; các mặt hàng có thuế suất cao; Tăng cường thu thập thông tin nghiệp vụ đối với đối tượng là tổ lái máy bay, nhân viên làm việc trên chuyến bay, đại diện các hãng hàng không của Việt Nam tại các nước và các hướng dẫn viên du lịch trên các tuyến bay đến các nước và khu vực như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Quảng Châu, Hồng Kông, Singapore và Thái Lan; Du khách nước ngoài, đặc biệt là khách du lịch đi theo đoàn người Châu Á như: Hàn Quốc, Đài Loan…

Bên cạnh đó, tạo điều kiện cho hoạt động xuất nhập cảnh và xuất khẩu hàng hóa, đảm bảo thủ tục hải quan nhanh chóng, chính xác và thuận tiện. Trong thời gian diễn ra diễn đàn Nhân dân ASEAN lần thứ 6 ( APF 6), công tác trên cảng phải triển khai thực hiện hiệu quả, đảm bảo an ninh, an toàn và nhanh chóng cho các đoàn đại biểu tham dự APF 6; Thực hiện tốt công tác thu thập, xử lý thông tin nghiệp vụ hải quan và quản lý rủi ro, trong đó chú trọng công tác cập nhật thông tin đầu vào của cơ sở dữ liệu, triển khai có hiệu quả Quyết định số 48/2008/QĐ-BTC; Quyết định số 35/2009/QĐ-TCHQ và áp dụng rủi ro trong mở rộng thủ tục hải quan điện tử theo kế hoạch của Cục đã đề ra; Rà soát và cập nhật thông tin về các đối tượng trọng điểm, mặt hàng trọng điểm, phân tích, đánh giá để xác định biện pháp đấu tranh thích hợp, hiệu quả...

Đội kiểm soát Hải quan, Đội kiểm soát phòng chống ma túy tăng cường trinh sát nắm tình hình địa bàn, triển khai các biện pháp nghiệp vụ kiểm soát hải quan, điều tra, bắt giữ các vụ buôn lậu, gian lận thương mại có tính chất nghiêm trọng, có đường dây, có tổ chức. Phối hợp với các Chi cục Hải quan kiểm tra, xác minh, điều tra các đối tượng trọng điểm, các căn cứ nghi vấn, các vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa cấm qua biên giới, vũ khí và các mặt hàng cấm ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, vi phạm sở hữu trí tuệ. Đồng thời, xác định các địa bàn, mặt hàng trọng điểm thường xảy ra buôn lậu, gian lận thượng mại để chủ động phối hợp và thông báo cho các chi cục Hải quan và phối hợp với lực lượng công an, quản lý thị trường xây dựng kế hoạch bắt giữ, xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

Đặc biệt, nhằm tăng cường các biện pháp đấu tranh phòng chống gian lận thương mại. Cục đã xây dựng Quy chế quản lý, sử dụng nguồn thu từ xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Kết quả, Hải quan Hà Nội đã phối hợp với Công an và Viện Kiểm sát ND TP. Hà Nội giải quyết 02 vụ nhập khẩu trái phép sừng tê giác. Ngoài ra, ra quyết định xử phạt đối với 3 vụ vi phạm nhập khẩu súng hơi và phụ tùng không có giấy phép với tổng số tiền thu nộp ngân sách 31 triệu đồng và buộc tái xuất hàng hóa vi phạm. Thụ lý 5 vụ vi phạm nhập khẩu không khai và có giấy phép nhập khẩu súng hơi.

Với công tác bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, Hải quan Hà Nội đã xây dựng kế hoạch tổ chức Hội nghị chuyên đề về kỹ năng lập biên bản vi phạm hành chính và xử lý vi phạm hành chính, thực thi bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Tiếp tục triển khai và phối hợp trong công tác đấu tranh chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.