Hải quan kéo giảm chi phí xuất nhập khẩu cho doanh nghiệp

Thanh Sơn

Ngày 6/4, Báo Hải quan đã tổ chức buổi tọa đàm “Tìm giải pháp kéo giảm chi phí xuất nhập khẩu cho doanh nghiệp” nhằm tạo diễn đàn để các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp, hiệp hội trao đổi, hiến kế những giải pháp có thể kéo giảm chi phí cho doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu (XNK). Sự kiện có sự tham dự của lãnh đạo Cục Giám sát quản lý về Hải quan (Tổng cục Hải quan); lãnh đạo Cục Hải quan các tỉnh, thành phố phía Nam, các Hiệp hội doanh nghiệp và khoảng 100 doanh nghiệp XNK.

Diễn giả tham gia tại tọa đàm “Tìm giải pháp kéo giảm chi phí xuất nhập khẩu cho doanh nghiệp”. Ảnh: Thanh Sơn
Diễn giả tham gia tại tọa đàm “Tìm giải pháp kéo giảm chi phí xuất nhập khẩu cho doanh nghiệp”. Ảnh: Thanh Sơn

209 thủ tục hành chính đã được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4

Phát biểu tại buổi tọa đàm ông Đào Duy Tám - Phó cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan) cho biết, bên cạnh việc hoàn thiện hệ thống thể chế, văn bản quy phạm pháp luật, trong thời gian qua, Tổng cục Hải quan đã đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh.

Cùng với đó, ngành Hải quan đã triển khai nhiều giải pháp về ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đã cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 cho 215/237 thủ tục hành chính, chiếm 91% tổng số thủ tục hành chính do cơ quan Hải quan thực hiện, trong đó 209 thủ tục hành chính đã được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 (tỷ lệ 88%)

Nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, Tổng cục Hải quan đã tăng cường thực hiện việc trao đổi, kết nối và chuyển đổi số đối với các dữ liệu, chứng từ thuộc hồ sơ hải quan từ Hệ thống Một cửa quốc gia và hệ thống quản lý chuyên môn đối với hàng hóa xuất nhập khẩu của các bộ, ngành với Hệ thống xử lý dữ liệu của ngành Hải quan.

‘‘Trong giai đoạn tới, Hải quan Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính một cách sâu rộng, toàn diện nhằm giảm thời gian thông quan hàng hóa, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Trong đó, tái thiết kế tổng thể hệ thống công nghệ thông tin ngành Hải quan, hướng tới hải quan số, hải quan thông minh…’’, Phó cục trưởng Đào Duy Tám nhấn mạnh.

Lãnh đạo Cục Giám sát quản lý về hải quan cũng thông tin, từ ngày 29/12/2021, Tổng cục Hải quan đã chính thức cung cấp miễn phí phần mềm khai hải quan cho doanh nghiệp trong lĩnh vực XNK; tham mưu Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 38/QĐ-TTg ngày 12/01/2021 phê duyệt đề án “Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu.

Hiện nay, với khoảng 92.000 doanh nghiệp XNK đang hoạt động, ước tính việc cung cấp phần mềm miễn phí sẽ giúp các doanh nghiệp tiết kiệm được koanr 432 tỷ đồng.

Tạo thuận lợi thương mại, giảm ùn tắc tại cảng Cát Lái

Ông Đặng Thái Thiện - Phó trưởng phòng Giám sát quản lý, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh chia sẻ: Cảng Cát Lái chiếm 50% thị phần cả nước, hơn 80% sản lượng hàng hóa tại Cảng biển TP. Hồ Chí Minh, tốc độ tăng trưởng hàng năm 10%. Nhằm giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, giảm thời gian thông quan với mục tiêu giảm 70% thời gian tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ hải quan; giảm 70% thời gian kiểm tra thực tế hàng hóa. Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh tiến hành 3 giải pháp.

Một là, xây dựng mô hình làm việc tập trung, khép kín, thực hiện thủ tục hải quan 24/7 trên cơ sở thiết lập kênh trao đổi thông tin riêng giữa cơ quan Hải quan - Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn - doanh nghiệp để thực hiện thủ tục hải quan, thủ tục giao nhận hàng hoá cho các doanh nghiệp tham gia đề án.

Hai là, bố trí khu vực xếp hàng hóa riêng, có phương án giao nhận hàng hóa tại cầu cảng và phân luồng di chuyển riêng cho xe chở container của các doanh nghiệp tham gia đề án.

Ba là, là ứng dụng công nghệ thông tin để xây dựng hệ thống giám sát trực tuyến quá trình làm thủ tục hải quan - giao nhận hàng hóa XNK và đánh giá mức độ hài lòng của người đi làm thủ tục hải quan đối vói công chức hải quan và cơ quan hải quan.

Tham gia tọa đàm, ông Jonathan Hạnh Nguyễn - Chủ tịch HĐTV Tập đoàn IPPG chia sẻ về những tác động của việc cước vận tải và giá dầu thế giới liên tục tăng cao trong thời gian qua đối với hoạt động XNK của doanh nghiệp và những giải pháp ứng phó của Tập đoàn IPPG trước cơn bão giá.

Chủ tịch HĐTV Tập đoàn IPPG cũng chia sẻ thêm những thông tin về hãng vận tải hàng không chuyên dụng IPP Air Cargo do IPPG sáng lập và đang được các cơ quan chức năng xem xét trình Chính phủ cấp phép, những kỳ vọng về việc góp phần kéo giảm chi phí XNK cho doanh nghiệp từ việc ra đời của IPP Air Cargo…

Theo ông Trần Việt Huy - Trưởng ban Hải quan và tạo thuận lợi thương mại (Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam), Hải quan là ngành tiên phong đổi mới, áp dụng chuyển đổi số trong quản lý Nhà nước ở mức độ cao. Trong đó phải kể đến những nỗ lực thông qua các đối thoại, đào tạo, tháo gỡ vướng mắc; triển khai phần mềm khai báo Hải quan miễn phí cũng như sự thẳng thắn tham gia cùng USAID trong việc đánh giá mức độ hài lòng của DN đối với cơ quan Hải quan...