Hải quan Quảng Ninh: Triển khai đợt cao điểm phổ biến, giáo dục pháp luật về biển, đảo.

Xuân Hương - Cục Hải quan Quảng Ninh

(Tài chính) Đợt cao điểm phổ biến, giáo dục pháp luật về biển, đảo được Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh phát động trong toàn đơn vị từ nay tới hết tháng 9/2014.

Hải quan Quảng Ninh đẩy mạnh tuyên truyền về biển, đảo góp phần nâng cao lòng tự hào dân tộc trong cán bộ công chức - người lao động.
Hải quan Quảng Ninh đẩy mạnh tuyên truyền về biển, đảo góp phần nâng cao lòng tự hào dân tộc trong cán bộ công chức - người lao động.

Theo Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh, mục đích của việc phát động đợt cao điểm là nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về biển, đảo để cán bộ công chức, người lao động nắm vững chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước về biển, đảo. Đồng thời, nhận thức rõ vị trí, vai trò, tiềm năng của biển, đảo Việt Nam với xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; hiểu rõ cơ sở pháp lý, những tài liệu chứng cứ lịch sử khẳng định chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

Qua đó, nêu cao tinh thần yêu nước, tạo sự thống nhất nhận thức, tin tưởng và đồng thuận bảo vệ, giữ gìn chủ quyền biển, đảo; đấu tranh, lên án các hành vi vi phạm pháp luật, phản bác luận điểm sai trái của các thế lực thù địch liên quan đến chủ quyền biển, đảo của Tổ Quốc.

Theo kế hoạch, hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật về biển đảo sẽ được Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh thực hiện với nhiều hình thức phong phú, đa dạng như: Qua các Hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật (dự kiến, Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh sẽ tổ chức 2 Hội nghị tại Thành phố Hạ Long và Thành phố Móng Cái); Kết hợp tuyên truyền, phổ biến qua các cuộc họp đơn vị, các cuộc họp của đoàn thể Công đoàn, Đoàn thanh niên; In sao tài liệu tuyên truyền về biển, đảo phân phát cho cán bộ công chức- người lao động; Tổ chức cho cán bộ công chức- người lao động tham dự các cuộc toạn đàm tuyên truyền về biển, đảo và tham gia các hoạt động tuyên truyền khác do cơ quan Nhà nước, đoàn thể địa phương tổ chức…

Nội dung tuyên truyền tập trung vào các nội dung cơ bản của các văn bản pháp lý: Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển năm 1982; Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông; Luật Biển Việt Nam; Luật Biên giới quốc gia; Luật An ninh quốc gia; Bộ luật hàng hải Việt Nam; Luật Dầu khí; Tuyên bố ngày 12/5/1977 về hàng hải, vùng tiếp giáp vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Ngoài ra, công tác tuyên truyền cũng sẽ tập trung vào các nội dung khái quát về biển Đông như: Vị trí và tầm quan trọng của biển Đông đối với các nước trong và ngoài khu vực; Vị trí và tầm quan trọng của biển Đông đối với Việt Nam; Vị trí địa lý của hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; Việt Nam là nước đầu tiên xác lập chủ quyền và là Quốc gia duy nhất quản lý liên tục, hòa bình, phù hợp với các quy định của pháp luật quốc tế đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; Yêu sách “Đường lưỡi bò” phi lý của Trung Quốc.

Thông qua việc hiểu, nắm bắt sâu sắc các nội dung trên, sẽ nâng cao lòng tự hào dân tộc trong cán bộ công chức- người lao động, phấn đấu thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ công tác, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.