Hải quan Thanh Hóa "xiết" thanh khoản hợp đồng gia công

Theo Hải quan Thanh Hóa

(Tài chính) Theo thống kê của Cục Hải quan Thanh Hóa, trên địa bàn đang diễn ra tình trạng tồn đọng số lượng lớn hợp đồng gia công, hợp đồng hàng sản xuất phục vụ xuất khẩu chưa thanh khoản. Trong 6 tháng đầu năm, có 8 doanh nghiệp không thực hiện thanh khoản. Khi quá hạn thanh khoản hợp đồng, cơ quan Hải quan thông báo nhiều lần bằng văn bản đến doanh nghiệp nhưng đại diện doanh nghiệp vẫn không đến làm thủ tục thanh khoản theo đúng quy định.

Hải quan Thanh Hóa "xiết" thanh khoản hợp đồng gia công
Hải quan Thanh Hóa tích cực kiểm tra công tác thanh khoản hợp đồng gia công. Nguồn: internet

“Xù” thanh khoản
Cục Hải quan Thanh Hóa cho biết, do bối cảnh kinh tế khó khăn, hàng loạt các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực hàng gia công, sản xuất xuất khẩu rơi vào tình trạng suy thoái, ngừng hoạt động, phá sản… kéo theo số nợ thuế lên đến hàng tỉ đồng. Điển hình như Công ty TNHH Hùng Đạt (4/15 xóm 2, Mỹ Trọng, Mỹ Xá, Nam Định) chưa thực hiện thanh khoản 1 hợp đồng gia công đối với 17.983 chiếc áo jacket các loại đã quá hạn từ năm 2011.

Đối với hàng sản xuất xuất khẩu có Nhà máy chế biến thực phẩm xuất khẩu Như Thanh, số thuế nợ trên 80 triệu đồng, Công ty may Thanh Hóa với số nợ thuế 117,5 triệu đồng, Công ty Phương Đông trên 4 triệu đồng, Công ty CP thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao trên 663,3 triệu đồng, Công ty thủ công mỹ nghệ Nam Định với số nợ thuế là 333 triệu đồng.

Cơ quan Hải quan đã ra thông báo và đôn đốc nhiều lần đối với doanh nghiệp này nhưng doanh nghiệp không đến cơ quan Hải quan làm việc. Trước tình trạng trên, đơn vị đã cử công chức đến Sở Kế hoạch và Đầu tư Nam Định, Chi cục thuế Nam Định, Công an để xác minh về doanh nghiệp.

Tuy nhiên, doanh nghiệp không còn hoạt động, nhà xưởng máy móc đã bị “bắt nợ”, giám đốc doanh nghiệp bỏ trốn. Trước thực tế này, Cục Hải quan Thanh Hóa đã lập biên bản và đang thực hiện ấn định thuế đối với số nguyên liệu may của những tờ khai nhập khẩu thuộc hợp đồng gia công của doanh nghiệp này.

Hay như trường hợp Công ty LD tập đoàn y dược quốc tế Việt Hoa (thị trấn Hòa Mạc, Duy Tiên, Hà Nam) với số tiền nợ thuế và phạt chậm nộp trên 327 triệu đồng tiền nhập nguyên liệu. Khi quá hạn thanh khoản hợp đồng, Chi cục Hải quan Quản lí các khu công nghiệp Hà Nam thông báo nhiều lần bằng văn bản đến doanh nghiệp nhưng đại diện doanh nghiệp vẫn không đến làm thủ tục thanh khoản theo đúng quy định. Trong quá trình xác minh địa chỉ kinh doanh thì doanh nghiệp đã giải thể, phá sản.

Đối với những doanh nghiệp nhập hàng sản xuất xuất khẩu, Cục Hải quan Thanh Hóa đã nhiều lần gửi công văn yêu cầu doanh nghiệp thực hiện nộp thuế và nộp hồ sơ thanh khoản nhưng đến nay doanh nghiệp vẫn chưa thực hiện. Đặc biệt đối với Công ty CP dệt may Mỹ nghệ xuất khẩu với số nợ thuế 69,5 triệu đồng, đây là số thuế mặt hàng áo len doanh nghiệp đã xuất khẩu sau đó tái nhập nhưng đã quá thời gạn 365 ngày (tái nhập sau hơn 4 năm xuất khẩu), tái nhập về để sửa chữa sau đó tái xuất.

Công ty đã có văn bản gửi Cục Hải quan Thanh Hóa và Chi cục Hải quan Nam Định xin được thanh khoản theo loại hình sản xuất xuất khẩu. Tuy nhiên, theo Điểm 7.1 Mục I, Phần E Thông tư 113/2005/TT-BTC thì doanh nghiệp không thuộc đối tượng được xử lý thuế. Do đó, Chi cục Hải quan Nam Định đã nhiều lần yêu cầu doanh nghiệp nộp thuế vào NSNN nhưng đến nay doanh nghiệp vẫn chưa thực hiện. Trong khi đó, thực tế sau khi tái nhập về doanh nghiệp đã thực hiện việc xuất khẩu.

Cần biện pháp mạnh

Đại diện Phòng Nghiệp vụ (Cục Hải quan Thanh Hóa) cho biết, theo quy định hiện nay thì việc theo dõi, đối chiếu định mức nguyên phụ liệu là một trong những cơ sở để quản lý, hạn chế gian lận. Dựa vào định mức, cơ quan Hải quan mới quản lý được số sản phẩm gia công xuất khẩu có tương đương với số nguyên liệu nhập khẩu được miễn thuế hay không. Khâu thanh khoản cũng sẽ giúp cho cơ quan Hải quan nắm bắt được số nguyên phụ liệu nhập khẩu có được doanh nghiệp sử dụng vào sản xuất hàng gia công để xuất khẩu hay không, nhằm chống lợi dụng trốn thuế nhập khẩu.

Đối với tình trạng tồn đọng hợp đồng gia công, tờ khai nhập sản xuất xuất khẩu quá hạn chưa thanh khoản, Cục Hải quan Thanh Hóa cho rằng, có một số nguyên nhân khách quan như: Chính sách của Nhà nước cho miễn thuế (đối với loại hình gia công) và ân hạn thuế thời gian dài (đối với loại hình sản xuất xuất khẩu) nên việc tồn đọng là không tránh khỏi; do suy giảm kinh tế toàn cầu nên hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, hàng loạt các doanh nghiệp phải ngừng hoạt động.

Trước tình hình trên, Cục Hải quan Thanh Hóa đã triển khai nhiều biện pháp nghiệp vụ như thường xuyên bám sát địa bàn, kiểm tra xác minh thực trạng hoạt động của doanh nghiệp thông qua Sở Kế hoạch và Đầu tư, phối hợp với lực lượng công an trong việc xác minh địa bàn, địa chỉ doanh nghiệp… nhằm thực hiện tốt công tác thu hồi nợ thuế.

Bên cạnh đó, để quản lý chặt đối với những  doanh nghiệp này, Cục Hải quan Thanh Hóa đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường các biện pháp đôn đốc theo hướng: Trực tiếp gặp gỡ làm việc hoặc có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc việc thanh khoản theo quy định.

Đối với những doanh nghiệp trây ỳ, tạm ngừng hoạt động, bỏ trốn không thực hiện thanh khoản, đơn vị sẽ liên hệ với cơ quan chức năng để xác minh tình hình thực tế nhằm có biện pháp xử lý phù hợp, đồng thời tiến hành các biện pháp cưỡng chế hoặc củng cố hồ sơ chuyển cơ quan Công an địa phương xử lý theo quy định.