Hải quan tiếp tục phát hiện nhiều vụ vi phạm về xuất xứ hàng hóa
Thời gian gần đây, các đơn vị Hải quan tỉnh, thành phố khu vực phía Nam đã phát hiện nhiều vụ vi phạm liên quan đến xuất xứ hàng hóa.
Ngăn chặn kịp thời
Mới đây, kiểm tra qua máy soi container lô hàng nguyên liệu để gia công, sản xuất xuất khẩu của Công ty TNHH Hàng thủ công Xin Dong Ya Việt Nam (địa chỉ tại Lô 61A KCN Long Giang, xã Tân Lập 1, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang), Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 (Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh) phát hiện hình ảnh soi chiếu có nghi vấn hàng thực nhập không đúng so với khai báo hải quan.
Từ trao đổi của Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Mỹ Tho (Cục Hải quan Long An) tiến hành kiểm tra thực tế 100% lô hàng, phát hiện toàn bộ hàng hóa trong container không phải là nguyên liệu mà là thành phẩm 194.700 túi xách các loại, đóng trong các thùng carton ghi “Made in Việt Nam”.
Với hành vi nhập khẩu hàng hóa giả mạo xuất xứ Việt Nam và khai sai so với thực tế đối với hàng hóa nhập khẩu thuộc đối tượng không chịu thuế theo quy định của pháp luật, DN đã bị cơ quan chức năng xử phạt 105 triệu đồng và tịch thu toàn bộ số hàng hóa vi phạm có trị giá trên 642 triệu đồng.
Tại địa bàn Tây Ninh, từ đầu năm đến nay, Chi cục Hải quan cửa khẩu Mộc Bài thuộc Cục Hải quan Tây Ninh đã phát hiện bắt giữ 3 vụ vi phạm liên quan đến khai sai, vận chuyển hàng hóa giả mạo nhãn hiệu. Điển hình như vụ phát hiện, bắt giữ lô hàng giả mạo các nhãn hiệu Gucci, Louis Vuitton của Công ty TNHH SH Logististic (trụ sở tại phường Đông Kinh, Lạng Sơn) quá cảnh qua cửa khẩu Mộc Bài. Với hành vi vận chuyển hàng hóa giả mạo nhãn hiệu và khai sai so với thực tế về số lượng, Công ty TNHH SH Logistics đã bị xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 93 triệu đồng.
Cũng thời gian qua, lực lượng Hải quan đã phát hiện nhiều vi phạm về xuất xứ liên quan các mặt hàng như xe đạp, máy lọc nước, kệ sắt, hạt điều… Đầu tháng 9/2021 vừa qua, qua kiểm tra mặt hàng điều, Cục Kiểm tra sau thông quan, Tổng cục Hải quan đã phát hiện 2 DN có hành vi gian lận về xuất xứ hạt điều thuần túy Việt Nam.
Theo yêu cầu quy tắc xuất xứ thuần túy đối với điều nhân xuất khẩu của Việt Nam (mã HS 08xx), tức là 100% nguồn điều thô nguyên liệu có xuất xứ từ thị trường trong nước. Cơ quan Hải quan sẽ xem xét xử lý 2 công ty về hành vi vi phạm xuất xứ đối với hàng hóa xuất khẩu.
4 doanh nghiệp thuộc loại hình nhập nguyên liệu điều sản xuất xuất khẩu có nghi vấn không sản xuất xuất khẩu mà bán tiêu thụ nội địa. Tuy nhiên, khi cơ quan Hải quan tiến hành kiểm tra, DN không có trụ sở, không còn hoạt động sản xuất tại địa điểm đăng ký kinh doanh, Cục Kiểm tra sau thông quan đã chuyển thông tin 4 DN này đến Công an tỉnh Bình Phước để tiếp tục làm rõ dấu hiệu vi phạm bán tiêu thụ nội địa của DN.
Còn nhiều khó khăn, bất cập
Theo các cơ quan chức năng, việc xử lý vi phạm liên quan đến gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp vẫn gặp nhiều khó khăn, bởi các quy định pháp luật hiện hành chưa rõ ràng, chưa cụ thể thế nào là hàng hóa có xuất xứ Việt Nam.
Điển hình mới đây, Chi cục Hải quan quản lý hàng Đầu tư, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh phát hiện một DN có vốn đầu tư nước ngoài xuất khẩu 150 yard vải dệt thoi. Trên tờ khai hải quan DN này khai báo hàng có xuất xứ Việt Nam. Kết quả kiểm tra thực tế, cơ quan Hải quan phát hiện trên bao bì nhãn mác hàng hóa thể hiện “Made in China to Vietnam”. Tuy nhiên, hành vi khai sai xuất xứ đối với hàng hóa xuất khẩu của DN chưa được quy định tại Nghị định 128/2020/NĐ-CP của Chính phủ, nên cơ quan Hải quan không thể xử phạt được hành vi vi phạm này.
Cuối tháng 9 vừa qua, Cục Hải quan Tây Ninh qua công tác giám sát cũng đã phát hiện một trường hợp DN xuất khẩu mặt hàng kệ sắt đi thị trường Hoa Kỳ có dấu hiệu vi phạm liên quan đến xuất xứ hàng hóa. Hiện, việc xử phạt DN này cũng đang gặp khó khăn vì việc xác minh nguồn gốc hàng hóa thể hiện trên nhãn mác sản phẩm “Made in Việt Nam” của DN này.
Theo cơ quan Hải quan, Chính phủ cần có Nghị định mới sửa đổi, bổ sung các quy định bất cập hiện hành theo hướng quy định rõ ràng, cụ thể thế nào là hàng hóa có xuất xứ Việt Nam, cách thức ghi tem nhãn, thế nào là hàng hóa “giả mạo xuất xứ”; cần đảm bảo có chế tài đủ mạnh để xử lý nghiêm hành vi gian lận xuất xứ và chuyển tải bất hợp pháp hàng hóa.
Để ngăn chặn kịp thời các vụ gian lận về xuất xứ hàng hóa, nhất là thời điểm cuối năm khi lượng hàng hóa XNK đang gia tăng, đặc biệt là phía Nam tập trung DN gia công, sản xuất xuất khẩu lớn tại TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An…, các đơn vị Hải quan địa phương này đã và đang tập trung triển khai áp dụng đồng bộ, chặt chẽ các biện pháp nghiệp vụ từ khâu làm thủ tục hải quan cho đến các biện pháp nghiệp vụ khác, như: quản lý rủi ro, kiểm tra sau thông quan, kiểm soát hải quan đối với các đối tượng trọng điểm và mặt hàng trọng điểm.
Lực lượng Hải quan sẽ tăng cường các giải pháp kiểm tra, giám sát đối với các DN đầu tư dây chuyền sản xuất sơ sài, nhập khẩu đầy đủ linh kiện về và chỉ thực hiện một số công đoạn gia công đơn giản, sau đó lắp ráp thành sản phẩm hoàn chỉnh để lấy xuất xứ Việt Nam. Công tác kiểm tra sau thông quan lưu ý các mặt hàng xuất khẩu nằm trong danh sách đang bị điều tra, áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp của các nước trên thế giới để có biện pháp kiểm tra, phát hiện vi phạm kịp thời...