Hải quan Việt Nam - Chặng đường 70 năm xây dựng và phát triển
Ngày 10/9/1945, chỉ 8 ngày sau khi đất nước giành được độc lập, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp thay mặt Chủ tịch Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ cộng hoà ký Sắc lệnh số 27/SL thành lập Sở Thuế quan và Thuế gián thu thuộc Bộ Tài chính - tiền thân của Hải quan Việt Nam ngày nay. Sự kiện này có ý nghĩa lịch sử quan trọng không chỉ đánh dấu sự ra đời của Hải quan Việt Nam, mà còn khẳng định “chủ quyền thuế quan” là một bộ phận quan trọng cấu thành chủ quyền của một quốc gia độc lập.
Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, mặc dù là một lực lượng non trẻ, tổ chức bộ máy chưa được kiện toàn, điều kiện và phương thức hoạt động còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, song lực lượng Thuế quan đã thực sự là công cụ đắc lực thực hiện chủ trương của Chính phủ về đấu tranh với thực dân Pháp để bảo vệ chủ quyền ngoại thương và thuế quan, góp phần xây dựng nền kinh tế kháng chiến.
Trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất đất nước (1954-1975), lực lượng Thuế xuất nhập khẩu được điều động và tập trung tham gia công tác tiếp quản các vùng mới giải phóng, đặc biệt là các khu vực nằm trong vùng tập kết 300 ngày để vừa làm nhiệm vụ kiểm soát, thu thuế hàng hóa, vừa tuyên truyền phổ biến chính sách với nhân dân vùng mới giải phóng. Chính phủ chủ trương vừa khôi phục và phát triển kinh tế sau khi miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, vừa mở rộng buôn bán với các nước nên cần có một lực lượng chức năng có khả năng hoàn thành nhiệm vụ đảm bảo chính sách độc quyền ngoại thương, ngoại hối, thi hành chính sách thuế quan.
Tháng 10/1954, Hội đồng Chính phủ quyết định chuyển ngành Thuế xuất nhập khẩu sang Bộ Công thương. Sở Hải quan thuộc Bộ Công thương được thành lập. Lực lượng Hải quan tích cực tham gia khôi phục kinh tế, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất đất nước. Năm 1955, thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, Bộ Công thương được chia tách thành Bộ Công nghiệp và Bộ thương nghiệp, sau đó Bộ Thương nghiệp được tách thành Bộ Nội thương và Bộ Ngoại thương. Ngành Hải quan được giao trực thuộc Bộ Thương nghiệp, rồi tiếp đó là Bộ Ngoại thương. Ngày 27/02/1960, Điều lệ Hải quan được ban hành tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động hải quan.
Trong thời gian đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại miền Bắc, lực lượng Hải quan nhanh chóng chuyển sang chế độ làm việc thời chiến với phương châm thực hiện “bám cửa khẩu, bám hàng”. Tại nhiều nơi, cán bộ, nhân viên hải quan còn trực tiếp cùng các lực lượng vũ trang và dân quân du kích chiến đấu. Nhiều cán bộ đã tình nguyện vào chiến trường để trực tiếp chiến đấu và chuẩn bị cơ sở cho việc triển khai lực lượng hải quan trên cả nước khi có thời cơ.
Trong thời kỳ đầu thống nhất đất nước và trước đổi mới (1975-1986), nhờ có sự chuẩn bị sẵn sàng để đón thời cơ mới của cách mạng nên khi miền Nam vừa được hoàn toàn giải phóng, ngành Hải quan đã có cán bộ để nhanh chóng tiếp quản bộ máy thuế quan của chính quyền Sài Gòn, đồng thời tổ chức triển khai hoạt động hải quan đảm bảo sự thống nhất trên cả nước. Năm 1984, sự kiện thành lập Tổng cục Hải quan trực thuộc Hội đồng Bộ trưởng đánh dấu bước phát triển mới của Hải quan Việt Nam trên con đường phát triển.
Ông Jiro Aichi, Thứ trưởng thường trực Bộ Tài chính Nhật Bản bàn giao tượng trưng Hệ thống VNACCS/ VCIS cho Thứ trưởng Bộ Tài chính Việt Nam Đỗ Hoàng Anh Tuấn (ngày 25/4/2014)
Lãnh đạo UBND TP Hồ Chí Minh và Tổng cục Hải quan, Cục Hải quan Thành phố bấm nút vận hành Hệ thống thông quan điện tử tự động tại các đơn vị hải quan cửa khẩu trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh (ngày 9/6/2014)
Bước vào thời kỳ đất nước đổi mới và bước đầu hội nhập (1987-2005), Tổng cục Hải quan đặt ra nhiệm vụ phải tự đổi mới cả về đội ngũ cán bộ, xây dựng thể chế, phương thức quản lý, cơ sở vật chất kỹ thuật cho hoạt động nghiệp vụ và phong cách làm việc đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới. Trong thời kỳ này, các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh hoạt động hải quan từng bước được hoàn thiện. Pháp lệnh Hải quan được ban hành và có hiệu lực từ 01/5/1990 đánh dấu một giai đoạn phát triển về chất của Ngành. Luật Hải quan năm 2001 được ban hành là văn bản có giá trị pháp lý cao nhất điều chỉnh hoạt động hải quan, sau đó là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hải quan năm 2005 cho phù hợp với thực tiễn và yêu cầu hội nhập quốc tế.
Cơ cấu tổ chức của ngành Hải quan được củng cố và kiện toàn. Hoạt động hải quan có nhiều đổi mới như cải cách quy trình thủ tục hải quan, cải tiến quy trình thu thuế, nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu và vận chuyển hàng cấm, đổi mới công tác tổ chức, quản lý và đào tạo cán bộ. Công tác kiểm tra sau thông quan được áp dụng thí điểm và đến năm 2003 đã đã triển khai chính thức hoạt động...
Thực hiện chủ trương cải cách hành chính và giảm bớt đầu mối các cơ quan thuộc Chính phủ, ngày 04/9/2002, Thủ tướng ký Quyết định số 113/2002/QĐ-TTg chuyển Tổng cục Hải quan vào Bộ Tài chính; Ban hành Nghị định số 96/2002/ NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Hải quan. Trong thời kỳ đất nước tiếp tục đẩy mạnh cải cách, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế (2005-2015), tiếp tục các nội dung cải cách, đổi mới, bước đầu hiện đại hóa ở giai đoạn trước, Tổng cục Hải quan đã xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2020, đồng thời tích cực triển khai hoàn thiện hệ thống pháp luật Hải quan, trong đó có xây dựng trình các cấp có thẩm quyền ban hành Luật Hải quan số 54/2014/QH13 ngày 23/6/2014 và các văn bản hướng dẫn thực hiện, tham gia xây dựng Luật Thuế Xuất nhập khẩu, Luật Quản lý thuế với nhiều nội dung đổi mới, cải cách tiến bộ nhằm tạo cơ sở pháp lý quản lý hải quan hiện đại và hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng.
Cục Hải quan Bình Dương khánh thành địa điểm kiểm tra hàng hóa tập trung bằng máy soi container
Phân loại, phân tích mẫu hàng hóa tại phòng thí nghiệm của Trung tâm Phân tích, phân loại hàng hóa xuất nhập khẩu (Tổng cục Hải quan)
Phương pháp quản lý nhà nước về hải quan có sự chuyển biến vượt bậc từ quản lý bằng thủ công sang quản lý bằng phương thức điện tử, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động hải quan, từ chỗ áp dụng khai hải quan điện tử tiến đến thực hiện thủ tục hải quan điện tử, thông quan tự động. Tổng cục Hải quan chính thức thực hiện Hệ thống thông quan tự động từ tháng 4/2014, đến nay đã thực hiện tại tất cả các đơn vị trong Ngành. Thực hiện kết nối cổng thông tin một cửa quốc gia với các bộ ngành liên quan, theo kế hoạch cuối 2015 sẽ hoàn thành kết nối với các bộ ngành và tiến tới kết nối một cửa ASEAN. Đẩy mạnh thu thập và phân tích thông tin, ứng dụng quản lý rủi ro trong các hoạt động nghiệp vụ hải quan, chuyển trọng tâm từ quản lý trong thông quan sang quản lý trước và sau thông quan, chuyển từ quản lý theo từng lô hàng sang quản lý theo doanh nghiệp, áp dụng cơ chế doanh nghiệp ưu tiên, phát triển đại lý làm thủ tục hải quan.
Tổng cục Hải quan đã từng bước tự trang bị và tiếp nhận sự hỗ trợ của các nước, đưa vào sử dụng có hiệu quả các máy soi container, hệ thống camera, máy đọc mã vạch, thiết bị công nghệ GPS và RFID trong giám sát hải quan, thiết bị phát hiện chất phóng xạ, phòng chống buôn lậu, phân tích hàng hóa xuất nhập khẩu…; thực hiện có hiệu quả chương trình hợp tác quốc tế về hải quan với vai trò là thành viên Hải quan WCO, APEC, ASEAN, tham gia đàm phán các FTA với các nước. Hệ thống tổ chức bộ máy của ngành Hải quan tiếp tục được hoàn thiện theo Luật Hải quan năm 2014.
Số thu ngân sách nhiều năm đạt và vượt chỉ tiêu được giao, năm sau luôn cao hơn năm trước. Nếu như năm 2004, Tổng cục Hải quan làm thủ tục cho lượng hàng hóa xuất nhập khẩu đạt kim ngạch 58,45 tỷ USD thì đến năm 2014, con số này đã là 298,07 tỷ USD; thu thuế đạt 46.033 tỷ đồng đến năm 2014 đã đạt 228.645 tỷ đồng. Có được kết quả đó, bên cạnh thực hiện tốt công tác quản lý và thu thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, Tổng cục Hải quan thực hiện quyết liệt công tác chống buôn lậu và gian lận thương mại với vai trò là Thường trực Ban 389 của Chính phủ; thực hiện có hiệu quả công tác quản lý rủi ro, kiểm tra sau thông quan, phân tích phân loại hàng hóa xuất nhập khẩu, xây dựng lực lượng hải quan chuyên nghiệp, minh bạch, liêm chính và hiệu quả.
Hoạt động nghiệp vụ tại Chi cục Hải quan Cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài, Cục Hải quan TP. Hà Nội
Cán bộ, công chức Cục Hải quan Hải Phòng kiểm tra hàng hóa bằng máy soi container và phát hiện ngà voi giấu trong thùng sắt (tháng 5/2011)