Hải quan Việt Nam chủ động triển khai Chiến dịch Con rồng Mê Kông giai đoạn VI
Nhằm thể hiện vai trò chủ động của nước đồng sáng kiến, đồng điều phối và thành viên triển khai, Tổng cục Hải quan yêu cầu các đơn vị tập trung thực hiện nhiều nội dung quan trọng nhằm triển khai thành công Chiến dịch Con rồng Mê Kông VI.
Xử lý 4.535 vụ ma túy và động thực vật hoang dã
Chiến dịch Con rồng Mê Kông do Hải quan Việt Nam, Hải quan Trung Quốc đồng sáng kiến cùng sự điều phối của Văn phòng liên lạc tình báo khu vực châu Á - Thái Bình Dương (RILO A/P-WCO) và Cơ quan phòng chống ma túy của Liên hợp quốc (UNODC).
Chiến dịch được vận hành theo cơ chế chia sẻ thông tin nghiệp vụ kiểm soát hải quan (thông tin nóng và thông tin bắt giữ) qua việc sử dụng công cụ bảo mật thông tin của Tổ chức Hải quan Thế giới (CENComm) và hệ thống đầu mối liên lạc được chỉ định. Chiến dịch Con rồng Mê Kông chính thức triển khai từ năm 2018 và đã thực hiện qua 5 giai đoạn với những thành công đáng kể.
Với sự vào cuộc tích cực của các nước thành viên, tổng số vụ bắt giữ của Chiến dịch được các thành viên báo cáo qua 05 giai đoạn là 4.535 vụ ma túy và động thực vật hoang dã CITES, tang vật thu giữ gồm: 55.200 kg, 108.000 kg tiền chất, 157.000 kg gỗ và 4.479 sản phẩm từ động, thực vật hoang dã.
Với vai trò nước đồng sáng kiến, Hải quan Việt Nam đã tích cực tham gia nhóm điều phối Chiến dịch Con rồng Mê Kông cùng Hải quan Trung Quốc, Văn phòng RILO A/P-WCO và UNODC. Qua 05 giai đoạn, Hải quan Việt Nam đã tham gia xây dựng và phổ biến 115 cảnh báo và 05 báo cáo tổng kết đánh giá hoạt động triển khai các giai đoạn của chiến dịch cho toàn bộ các thành viên. Riêng trong Chiến dịch giai đoạn V, Hải quan Việt Nam và các đơn vị phối hợp đã cập nhật tổng số 123 vụ việc bắt giữ ma túy và động, thực vật hoang dã.
Tiếp tục triển khai thành công giai đoạn VI
Tại Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc tháng 12/2023, hai bên đã thống nhất các nội dung về thương mại, trong đó có nội dung "... tiếp tục làm sâu sắc hợp tác về thực thi pháp luật chống buôn lậu, thúc đẩy hành động phối hợp thực thi pháp luật quốc tế “Con rồng Mê Kông” đạt được nhiều thành quả hơn nữa”.
Trên cơ sở kết quả thành công của Chiến dịch Con rồng Mê Kông các giai đoạn trước và tuyên bố chung trên, nhóm điều phối Chiến dịch Con rồng Mê Kông thống nhất tiếp tục triển khai Chiến dịch Con rồng Mê Kông VI về hợp tác hải quan trong đấu tranh phòng chống ma túy; vận chuyển động, thực vật hoang dã và các sản phẩm từ động, thực vật hoang dã thuộc Danh mục CITES khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Thời gian diễn ra Chiến dịch Con rồng Mê Kông VI từ 15/4/2024 đến 16/9/2024.
Nhằm thể hiện vai trò chủ động của nước đồng sáng kiến, đồng điều phối và thành viên triển khai Chiến dịch Con rồng Mê Kông VI, Tổng cục Hải quan yêu cầu các đơn vị tập trung triển khai nhiều nội dung quan trọng.
Theo đó, tổ chức quán triệt, nâng cao nhận thức, phân công nhiệm vụ cho các đơn vị thuộc và trực thuộc để triển khai có hiệu quả Chiến dịch. Đồng thời, tăng cường thu thập thông tin về tình hình, phương thức, thủ đoạn buôn lậu, vận chuyển trái phép ma túy và các loài động thực vật hoang dã để phân tích rủi ro, xác định trọng điểm, cảnh báo rủi ro phục vụ hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan; tăng cường kiểm soát, kiểm tra chặt chẽ về hàng hóa, hồ sơ, chứng từ đối với các lô hàng có nghi vấn. Nếu phát hiện có dấu hiệu vi phạm, áp dụng các biện pháp cần thiết để phát hiện, bắt giữ, xử lý theo quy định.
Tổng cục Hải quan chỉ đạo các đơn vị chủ động, phối hợp với các lực lượng chức năng, đặc biệt là lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng... để tổ chức, đấu tranh hiệu quả đối với các vụ việc mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy và các loài động thực vật hoang dã. Đồng thời, tham gia các chương trình xây dựng tăng cường năng lực, phối hợp, trao đổi thông tin.
Tổng cục Hải quan phân công Cục Điều tra chống buôn lậu chủ trì tham mưu, điều phối về mặt nghiệp vụ trong quá trình triển khai Chiến dịch, thực hiện các nhiệm vụ, như: chủ trì phối hợp với các cơ quan điều phối có liên quan triển khai Chiến dịch Con rồng Mê Kông VI theo kế hoạch hành động; hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị liên quan tham gia Chiến dịch; tiếp nhận, chuyển tiếp thông tin cảnh báo (thông tin nóng); cập nhật các vụ bắt giữ ma túy, động, thực vật hoang dã; theo dõi, đôn đốc việc cập nhật các vụ bắt giữ của các đầu mối quốc gia trên hệ thống.
Cục Điều tra chống buôn lậu tổng hợp thông tin, trao đổi liên lạc, phối hợp xây dựng các bản tin, cảnh báo về tình hình, xu hướng, phương thức, thủ đoạn cất giấu, vận chuyển ma túy, động, thực vật hoang dã; phối hợp xây dựng các báo cáo Chiến dịch. Đồng thời, chủ trì, phối hợp với các đơn vị trong và ngoài Ngành tiến hành điều tra, xác minh, bắt giữ các vụ buôn bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy, động, thực vật hoang dã; cử 1 Trưởng phòng tham gia Nhóm Điều phối Chiến dịch, 3 cán bộ đầu mối quốc gia…
Tổng cục yêu cầu Cục Hải quan các tỉnh, thành phố cử 1 đầu mối có khả năng ngoại ngữ tiếng Anh, có kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực kiểm soát hải quan tham gia trực tiếp triển khai Chiến dịch.