Hải quan Việt Nam: Điểm sáng về kiểm soát thủ tục hành chính
(Tài chính) Theo đánh giá của Bộ Tài chính, thời gian qua Tổng cục Hải quan là một trong những đơn vị của ngành Tài chính làm tốt công tác kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC) nói riêng và cải cách TTHC nói chung. Trong đó, công tác kiểm soát TTHC là công việc được đánh giá là khó - song Tổng cục Hải quan đã triển khai mạnh mẽ và thu được những kết quả quan trọng về nhiều mặt.
Ngay sau khi Chính phủ ban hàng Nghị định 63/2010/NĐ-CP về kiểm soát TTHC, Tổng cục Hải quan đã tổ chức triển khai toàn diện, đồng bộ công tác này. Một trong các nhiệm vụ trọng tâm của chương trình là cải cách TTHC nhằm cắt giảm và nâng cao chất lượng cải cách TTHC, nhất là những TTHC có liên quan trực tiếp đến người dân và DN.
Đồng thời kiểm soát các TTHC một cách chặt chẽ, công khai, minh bạch bằng nhiều hình thức khác nhau. Công việc được đánh giá là khó, song dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Bộ Tài chính, công tác kiểm soát TTHC trong toàn ngành Hải quan đã đi vào nền nếp, đạt những kết quả đáng ghi nhận.
Theo đó, Tổng cục Hải quan đã ban hành 3 công văn hướng dẫn và chỉ đạo các đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục triển khai thực hiện công tác kiểm soát TTHC, thực hiện ban hành 3 công văn về triển khai kế hoạch hoạt động kiểm soát TTHC trong toàn Ngành. Tổ chức 1 lớp tập huấn chuyên sâu, bồi dưỡng nghiệp vụ về kiểm soát TTHC cho 150 cán bộ công chức (CBCC) cấp Tổng cục, Cục, Chi cục và CBCC trực tiếp làm công tác cải cách TTHC. Tổ chức 1 lớp tập huấn chuyên sâu về nghiệp vụ rà soát TTHC cho 50 CBCC khối cơ quan Tổng cục.
Ngành Hải quan đã ban hành các quyết định công bố TTHC mới ban hành, TTHC được sửa đổi, bổ sung, TTHC bị thay thế, bãi bỏ với tổng số 365 lượt thủ tục. Ngay sau khi có các quyết định công bố TTHC của Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đã tiến hành nhập toàn bộ số TTHC trên vào Cơ sở dữ liệu Quốc gia và đề nghị Cục Kiểm soát TTHC công khai.
Bên cạnh đó, Tổng cục cũng đang nghiên cứu, đề xuất mô hình và phương án tổ chức bộ máy, kiện toàn bộ máy tổ chức hành chính, không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng công tác cán bộ nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công việc.
Theo ông Trần Văn Lộc, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế, Tổng cục Hải quan, ngành Hải quan đã đôn đốc kiểm tra công tác quản lý và thực hiện TTHC tại 10 Chi cục Hải quan thuộc Cục Hải quan Lạng Sơn, Quảng Ninh, Cần Thơ, An Giang. Đây là các đơn vị có các loại hình XNK liên quan đến TTHC tiêu biểu trong lĩnh vực hải quan. Tại đây tất cả các đơn vị đã quán triệt và làm tốt công tác này.
Đồng thời, đã chỉ đạo kiện toàn tổ chức bộ máy cán bộ thực hiện nhiệm vụ kiểm soát TTHC ở các đơn vị. Đến nay, hệ thống cán bộ đầu mối thực hiện công tác kiểm soát TTHC toàn Ngành đã được thiết lập, đi vào hoạt động có hiệu quả. Tuy lực lượng còn mỏng và thực hiện nhiệm vụ ở chế độ kiêm nhiệm, song với trách nhiệm và nỗ lực cao, đội ngũ cán bộ thực hiện hoạt động kiểm soát TTHC trong toàn Ngành không ngừng học hỏi, nâng cao trình độ, bước đầu đã được người dân và các DN đánh giá cao.
Tuy nhiên, theo đại diện Vụ Pháp chế, công tác kiểm soát TTHC vẫn còn gặp một số khó khăn vướng mắc. Trong đó, do đặc thù quản lý, chính sách pháp luật lĩnh vực hải quan luôn thay đổi nên TTHC theo đó cũng được thay đổi theo. Do vậy, việc theo dõi, cập nhật cũng như công khai TTHC có những khó khăn nhất định. Đồng thời, việc tham gia, thực hiện của một số cá nhân, đơn vị còn mang tính chất đối phó, hình thức, chưa thực chất cũng làm cho hiệu quả của việc thống kê, rà soát TTHC ở một số đơn vị chưa cao.
Bên cạnh đó, TTHC về hải quan gồm nhiều loại thủ tục như: kiểm tra, giám sát hải quan, quản lý thuế… các thủ tục này thường có sự gắn kết với nhau trong một số văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, sự phối hợp giữa các đơn vị Vụ, Cục và các đơn vị liên quan còn chưa thực hiện nhịp nhàng, kịp thời nên đã ảnh hưởng đến chất lượng và tiến độ chung.
Trong những tháng cuối năm 2013, ngành Hải quan phấn đấu thực hiện cắt giảm ít nhất 30% các chi phí tuân thủ TTHC. Để đạt được điều này, đại diện Vụ Pháp chế khẳng định, Ngành sẽ thực hiện rà soát 13 TTHC liên quan đến thủ tục gia công, chuyển đổi chủ kho ngoại quan, hàng XNK tại chỗ, hàng chuyển cửa khẩu... nhằm sửa đổi những quy định không còn phù hợp đang gây khó khăn, cản trở cho hoạt động XNK đồng thời tăng cường hiệu quả quản lý Nhà nước, hiệu lực và kỷ cương pháp luật.
Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện đề án Luật Hải quan sửa đổi, triển khai hệ thống VNACCS/VCIS, cơ chế một cửa quốc gia và cơ chế một cửa ASEAN theo kế hoạch đã được phê duyệt.