Hải quan Việt Nam góp phần đảm bảo an ninh chuỗi cung ứng toàn cầu

TS. Mai Thị Vân Anh - Cục Hải quan tỉnh Nghệ An

Các giao dịch thương mại bất hợp pháp đang gia tăng trên phạm vi toàn cầu do sự bùng nổ công nghệ thông tin cũng như làn sóng tự do hóa thương mại và đầu tư, là mối đe dọa đối với an ninh chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu. Với vai trò “người gác cửa nền kinh tế”, lực lượng hải quan thế giới cũng như Việt Nam đã, đang nỗ lực đảm bảo an ninh chuỗi cung ứng, đồng thời tăng cường tạo thuận lợi thương mại.

Ngành Hải quan sẽ hoàn thành mô hình Hải quan thông minh.
Ngành Hải quan sẽ hoàn thành mô hình Hải quan thông minh.

Khái quát về chuỗi cung ứng toàn cầu và vai trò của cơ quan hải quan

Theo Tổ chức Hải quan Thế giới (World Customs Organization –WCO), Chuỗi cung ứng (Supply Chain) là một hệ thống tổ chức, hoạt động, thông tin, con người và các nguồn lực có liên quan trực tiếp/gián tiếp đến vận chuyển hàng hóa/dịch vụ từ nhà sản xuất, nhà cung cấp đến tay người tiêu dùng. Chuỗi cung ứng quốc tế bao gồm tất cả các khâu sau khi ghi nhận yêu cầu của 1 khách hàng về một sản phẩm hoặc dịch vụ tới khi 1 nhà cung cấp hoàn tất 1 đơn hàng và kết quả thanh toán tài chính. Nó bao gồm bất kỳ hoạt động cần thiết nào được tiến hành bởi các bên trung gian và cơ quan chức năng.

Còn theo kênh HRchanel.com, có nhiều định nghĩa khác nhau về chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, có thể hiểu đơn giản: “Chuỗi cung ứng là một hệ thống các hoạt động cung cấp, sản xuất và phân phối 1 sản phẩm hoặc dịch vụ từ nhà cung cấp đầu tiên đến người tiêu dùng cuối cùng”.

Trong chuỗi cung ứng toàn cầu, cơ quan Hải quan là chủ thể quan trọng với vai trò đảm bảo sự tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp. Các loại hàng hóa, phương tiện vận tải xuất khẩu, nhập khẩu đều phải chịu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan Hải quan. Đây là công việc không thể thiếu trong chuỗi cung ứng toàn cầu với việc di chuyển hàng hóa qua biên giới quốc gia.

Hoạt động xuất nhập khẩu đặt trong bối cảnh sử dụng chung tài nguyên vận tải, bảo hiểm, bảo lãnh ngân hàng, dịch vụ hải quan, chế biến gia công… trong chuỗi cung ứng logistic toàn cầu. Thách thức lớn nhất đối với cơ quan Hải quan là vừa phải tạo thuận lợi thương mại cho dòng chảy hàng hóa toàn cầu, giao thương quốc tế trong khi vẫn phải nhận diện và xử lý các rủi ro để đảm bảo an toàn và an ninh cho chuỗi cung ứng toàn cầu.

Các giao dịch thương mại bất hợp pháp đang gia tăng trên phạm vi toàn cầu do sự bùng nổ công nghệ thông tin cũng như làn sóng tự do hóa thương mại và đầu tư. Hiện nay, hàng loạt các phương pháp quản lý hải quan hiện đại nhằm đảm bảo an ninh chuỗi cung ứng đã được Hải quan các nước trên thế giới áp dụng như quản lý rủi ro, hợp tác và chia sẻ thông tin hải quan; ứng dụng công nghệ Blockchain.

WCO là một tổ chức quốc tế nhằm kết nối hải quan các nước trên thế giới. WCO đã tích cực hợp tác với nhiều tổ chức quốc tế như: Ủy ban Chống tội phạm của Liên hiệp quốc - UNODC; Chương trình Môi trường của Liên hiệp quốc - UNEP; Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới - WIPO; Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế - OECD); INTERPOL… để đảm bảo an ninh chuỗi cung ứng và ngăn chặn giao dịch thương mại bất hợp pháp.

Bên cạnh đó, WCO đã có hàng loạt các công ước, sáng kiến, chuẩn mực và khuyến nghị thực hành nhằm đảm bảo an ninh chuỗi cung ứng trên phạm vi toàn cầu. Có thể kể đến: Công ước Kyoto về đơn giản hóa và hài hóa thủ tục hải quan, Khung Tiêu chuẩn An ninh và Tạo thuận lợi thương mại (SAFE), Sáng kiến về thông tin liên hoàn trong chuỗi cung ứng quốc tế (ISCM); các phương pháp quản lý hải quan hiện đại nhằm đảm bảo an ninh chuỗi cung ứng đã được hải quan các nước trên thế giới áp dụng như quản lý rủi ro, hợp tác và chia sẻ thông tin hải quan; chương trình Kiểm soát container toàn cầu (CCP); ứng dụng công nghệ Blokchain; Cơ chế thực thi của doanh nghiệp ưu tiên; Đối tác Hải quan thương mại chống khủng bố (C-TPAT); Chương trình kiểm tra hàng hóa được chứng nhận (CCSP); Sáng kiến an ninh container (CSI)…

WCO cũng đã thông qua Khung tiêu chuẩn SAFE (SAFE FoS) về An ninh và Tạo thuận lợi thương mại toàn cầu được cập nhật thường xuyên. Công cụ quốc tế độc đáo này mở ra các tiêu chuẩn an ninh chuỗi cung ứng hiện đại và báo hiệu sự khởi đầu của một cách tiếp cận mới để quản lý hàng hóa di chuyển xuyên biên giới từ đầu đến cuối, đồng thời, ghi nhận tầm quan trọng của sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa Hải quan và doanh nghiệp.

Hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam

Năm 2022, chuỗi cung ứng toàn cầu đối mặt với rất nhiều khó khăn khi đại dịch COVID-19 đã dần rút lui nhưng lạm phát lại tăng cao nhất trong nhiều năm qua; khủng hoảng năng lượng toàn cầu khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra; các nước thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ và hàng loạt các đồng tiền mất giá khi đồng USD tăng giá đỉnh điểm; cùng với đó là chính sách Zero COVID của Trung Quốc và sự chậm lại của thương mại toàn cầu.

Tuy nhiên, tính chung cả năm 2022, tổng trị giá xuất nhập khẩu (XNK) của Việt Nam đạt 730,21 tỷ USD, tăng 9,1%, tương ứng tăng 61,2 tỷ USD so với năm 2021. Trong đó, xuất khẩu đạt 371,30 tỷ USD, tăng 10,5% (tương ứng tăng 35,14 tỷ USD) và nhập khẩu đạt 358,9 tỷ USD, tăng 7,8% (tương ứng tăng 26,06 tỷ USD).

Như vậy, so với năm 2000, tổng trị giá XNK tăng hơn 24 lần. Nếu so với 20 năm trước đó là năm 2003 thì XNK tăng 16 lần với quy mô giai đoạn 5 năm như sau: Giai đoạn 2001-2005 quy mô XNK là 240,9 tỷ USD; giai đoạn 2006-2010 là 623,5 tỷ USD; giai đoạn 2011-2015 là 1321,7 tỷ USD; giai đoạn 2016-2020 là 2322,3 tỷ USD và chỉ trong 2 năm gần đây quy mô XNK đã là 1399,2 tỷ USD.

Cơ cấu mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam dịch chuyển theo hướng tăng tỷ trọng các mặt hàng công nghiệp chế biến, giảm dần tỷ trọng xuất khẩu hàng khoáng sản và nhiên liệu. Các doanh nghiệp đã chủ động đa dạng hóa các phương thức vận tải nhập khẩu (đường biển và đường hàng không) thay thế một phần cho nhập khẩu nguyên phụ liệu bằng đường bộ để thích ứng tốt hơn với tình hình dịch bệnh COVID-19.

Cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam chuyển sang trạng thái thặng dư từ năm 2012 và gần như liên tục giữ trạng thái này (trừ năm 2015 thâm hụt). Thị trường xuất khẩu, nhập khẩu được mở rộng, không chỉ tăng cường ở các thị trường truyền thống mà còn khai thác được các thị trường mới, tiềm năng và tận dụng hiệu quả các Hiệp định Thương mại tự do (FTA).

Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã vươn tới hầu hết các thị trường trên thế giới, nhiều sản phẩm đã dần có chỗ đứng vững chắc và nâng cao được khả năng cạnh tranh trên nhiều thị trường có yêu cầu cao về chất lượng như Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Mỹ, Australia... Trong giai đoạn 2018-2022, thặng dư thương mại của Việt Nam cao nhất là năm 2021 với 123,7 tỷ USD và năm thấp nhất là 2020 với 27,7 tỷ USD. Tính chung giai đoạn này, Việt Nam thặng dư 302,1 tỷ USD.

Tổng trị giá XNK chịu thuế của cả nước năm 2022 đạt 152,4 tỷ USD, tăng 10,47% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu chịu thuế đạt 143,3 tỷ USD, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước và kim ngạch xuất khẩu chịu thuế đạt 9,13 tỷ USD, tăng 30,4% so với cùng kỳ năm trước.

Tựu chung, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, ngoại thương Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy CNH, HĐH đất nước. Kim ngạch XNK không ngừng tăng trưởng qua các năm, các mặt hàng XNK ngày càng đa dạng và phong phú. Việt Nam có nhiều cơ hội thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động ngoại thương trong những năm vừa qua. Bên cạnh những thuận lợi, ngoại thương Việt Nam cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức lớn nảy sinh từ sự bất ổn của nền kinh tế thế giới.

Bên cạnh đó, do sự bùng nổ công nghệ thông tin cũng như làn sóng tự do hóa thương mại và đầu tư, tại các nước cũng như tại Việt Nam, có khá nhiều các vụ việc bị phát hiện, xử lý cũng như gây hậu quả kinh tế xã hội nghiêm trọng liên quan đến giao dịch chất gây nghiện, ma tuý và thuốc phiện; động vật hoang dã; hàng giả và hàng nhái; gỗ nguyên liệu; rác thải và gian lận thuế gián thu từ hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa…

Vai trò của cơ quan Hải quan Việt Nam trong đảm bảo an ninh chuỗi cung ứng

Với vai trò “người gác cửa nền kinh tế”, lực lượng hải quan thế giới cũng như Việt Nam đã, đang nỗ lực đảm bảo an ninh chuỗi cung ứng, đồng thời tăng cường tạo thuận lợi thương mại. Theo quy định của các quốc gia trên thế giới, tất cả hàng hóa, phương tiện vận tải xuất khẩu, nhập khẩu đều phải chịu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan hải quan. Đây là công việc không thể thiếu trong chuỗi cung ứng quốc tế với việc di chuyển hàng hóa qua biên giới quốc gia. Xét về vị trí, chức năng trong chuỗi cung ứng quốc tế, cơ quan hải quan quốc gia là chủ thể quan trọng với vai trò đảm bảo sự tuân thủ pháp luật.

Theo Tổ chức hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), thương mại bất hợp pháp trong chuỗi cung ứng quốc tế được hiểu là hành vi mua bán và vận chuyển trái pháp luật của các chủ thể trong chuỗi nhằm thu khoản lợi, đe dọa nghiêm trọng đến an ninh kinh tế, năng lực thực thi pháp luật cũng như gây hậu quả kinh tế xã hội. Giao dịch thương mại bất hợp pháp trong chuỗi cung ứng quốc tế phổ biến và điển hình là mua bán và vận chuyển chất gây nghiện và thuốc phiện; hàng giả, hàng nhái; chất gây hại đến môi trường và suy giảm tầng ô zôn; khảo cổ; vũ khí; và động thực vật quý hiếm.

Chủ thể của giao dịch thương mại bất hợp pháp được chia thành 2 nhóm chính: Nhóm thứ nhất là các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia, thực hiện các giao dịch quy mô lớn trên phạm vi toàn cầu với mạng lưới hoạt động ở khắp các khu vực, quốc gia; Nhóm thứ hai là các doanh nghiệp với vị trí là chủ thể trong chuỗi cung ứng quốc tế thực hiện hành vi gian lận thương mại nhằm lợi dụng cơ chế, chính sách pháp luật của Nhà nước để trục lợi.

Ngày nay các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia thống trị giao dịch thương mại bất hợp pháp do sự phát triển của công nghệ thông tin, mạng xã hội kết nối toàn cầu cũng như khối lượng hàng hóa khổng lồ di chuyển trên thế giới. Theo Tổ chức Y tế thế giới, trên 50% lượng thuốc chữa bệnh và dược phẩm trao đổi toàn cầu là hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, được mua bán thông qua mạng internet và các chủ thể không có trụ sở kinh doanh. Bên cạnh đó, các hành vi gian lận thương mại nhằm trốn toàn bộ hoặc một phần nghĩa vụ thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu vẫn phổ biến tại các quốc gia có hàng rào thuế quan cao cũng như chính sách bảo hộ thị trường trong nước.

Phương thức vận chuyển hàng hóa bất hợp pháp trong chuỗi cung ứng quốc tế rất đa dạng với tần suất lớn là thách thức đối với công tác thực thi pháp luật của cơ quan hải quan cũng như xã hội và cộng đồng. Vận tải đường biển với ưu điểm về khối lượng vận chuyển lớn, cước phí thấp và dễ dàng che dấu, nguỵ trang là sự lựa chọn hàng đầu đối với các giao dịch hàng hóa là động vật quý hiếm, hóa chất độc hại và con người. Đây là phương thức được sử dụng trong giao dịch buôn bán, vận chuyển chất gây nghiện và ma tuý, thuốc phiện với số lượng vụ việc bị phát hiện và bắt giữ trên 50% tổng số vi phạm trên thế giới.

Thương mại bất hợp pháp đe doạ sự an toàn và an ninh toàn bộ chuỗi cung ứng đặc biệt ở 2 đầu là địa điểm sản xuất, cung ứng (điểm đi) và thị trường tiêu thụ (điểm đích), gây nên hậu quả kinh tế xã hội nghiêm trọng như: Tổn thất về nguồn thu ngân sách nhà nước, đặc biệt nguồn thu hải quan đối với hoạt động xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa; Gia tăng chi phí công để thực hiện an sinh xã hội và chăm sóc sức khỏe người dân; Tạo nên sự cạnh tranh không bình đẳng, bóp méo quy luật vận động của thị trường cũng như suy giảm hiệu lực của thể chế pháp luật và hiệu quả thực thi pháp luật; Ô nhiễm môi trường và hủy hoại hệ sinh thái tự nhiên; Đe dọa sức khỏe người dân về tinh thần và thể chất; Thất thoát tài sản quốc gia là tài nguyên quý hiếm và di sản ở dạng vật thể, phi vật thể...

Theo Kế hoạch chuyển đổi số ngành Hải quan đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, ngành Hải quan sẽ hoàn thành mô hình Hải quan thông minh. Cùng với việt thực hiện các công ước, sáng kiến, chuẩn mực và khuyến nghị thực hành nhằm đảm bảo an ninh chuỗi cung ứng trên phạm vi toàn cầu, Mô hình Hải quan thông minh sẽ góp phần đảm bảo chuỗi an ninh cung ứng toàn cầu, nâng cao năng lực và vị thế của Hải quan Việt Nam khi tham gia vào chuỗi cung ứng ngày càng đa dạng và mở rộng này.  

Tài liệu tham khảo:

  1. Tổng cục Thống kê, Báo cáo tình hình kinh tế xã hội năm 2022;
  2. Tổng cục Hải quan, https://www.customs.gov.vn/;

3. Tổ chức Hải quan Thế giới, https://www.wcoomd.org/

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 11/2023