Hải quan Việt Nam khẳng định vai trò “người gác cửa nền kinh tế”

MP

​Với vai trò là “người gác cửa nền kinh tế”, trải qua 76 năm xây dựng và phát triển (10/9/1945-10/9/2021), gắn liền với lịch sử đấu tranh cách mạng của đất nước, Hải quan Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh và trưởng thành về mọi mặt. Ngày nay, cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, Hải quan Việt Nam đã nỗ lực đang hướng tới phát triển cơ quan Hải quan chính quy, hiện đại, ngang tầm Hải quan các nước phát triển trên thế giới, dẫn đầu trong thực hiện Chính phủ số với mô hình Hải quan thông minh.

Công chức Hải quan thực hiện giám sát qua hệ thống camera tại sân bay Vân Đồn
Công chức Hải quan thực hiện giám sát qua hệ thống camera tại sân bay Vân Đồn

Ngày 10/9/1945, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp thay mặt Chủ tịch Chính phủ lâm thời ký Sắc lệnh số 27/SL thành lập “Sở thuế quan và thuế gián thu” (nay là Tổng cục Hải quan Việt Nam), chỉ 8 ngày sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Điều này khẳng định vai trò quan trọng không thể thiếu của lực lượng Hải quan đối với lịch sử phát triển của đất nước.

Trong bối cảnh chính trị, kinh tế thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, đất nước hội nhập quốc tế sâu rộng, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Tài chính, trong những năm qua, Tổng cục Hải quan đã nỗ lực thực hiện thực hiện quản lý nhà nước về Hải quan, đảm bảo dòng chảy thương mại, đảm bảo thu ngân sách nhà nước, đấu tranh chống buôn lậu, bảo vệ chủ quyền lợi ích quốc gia.

Trong quá trình phát triển, Hải quan Việt Nam đã liên tục, kiên trì thực hiện cải cách, hiện đại hóa, đạt được nhiều thành tựu góp phần phát triển kinh tế xã hội nói chung và công cuộc xây dựng, phát triển Hải quan Việt Nam nói riêng nhằm mục tiêu đơn giản hóa thủ tục hải quan, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện thủ tục xuất nhập khẩu, nâng cao chỉ số giao dịch thương mại qua biên giới và năng lực cạnh tranh quốc gia trong lĩnh vực hải quan. Điển hình là công cuộc thực hiện cải cách, phát triển, hiện đại hóa hải quan theo Chiến lược phát triển ngành Hải quan đến năm 2020.

Hoạt động nghiệp vụ tại Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Cẩm Phả - Cục Hải quan Quảng Ninh
Hoạt động nghiệp vụ tại Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Cẩm Phả - Cục Hải quan Quảng Ninh

Nỗ lực của Tổng cục Hải quan trong công cuộc cải cách, phát triển, hiện đại hóa Hải quan

Ngày 25/3/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 448/QĐ-TTg về phê duyệt Chiến lược phát triển hải quan đến năm 2020. Trong suốt 10 năm thực hiện (từ năm 2011 đến năm 2020), Tổng cục Hải quan đã chủ động, nỗ lực, tập trung nguồn lực, bám sát các yêu cầu, nội dung đã đề ra tại Chiến lược.

Mặc dù, trong quá trình triển khai, ngành Hải quan phải đối diện với không ít thách thức, khó khăn, nhưng đến nay, ngành Hải quan đã thực hiện thành công Chiến lược với những thành tựu to lớn, tạo ra bước phát triển đột phá, giúp Hải quan Việt Nam hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Đảng và Nhà nước giao phó. Hải quan Việt Nam trở thành một trong những cơ quan đi đầu về cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin và đổi mới phương thức quản lý, giảm thời gian và chi phí thực hiện thủ tục hải quan, tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại quốc tế, góp phần quan trọng nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về hải quan. Đồng thời, giúp cho ngành Hải quan theo kịp sự phát triển của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế đất nước.

Cụ thể, ngành Hải quan đã xây dựng hệ thống chính sách pháp luật hải quan đầy đủ, hoàn thiện theo hướng hiện đại, đồng bộ, tuân thủ chủ trương cải cách thủ tục hành chính và các chuẩn mực, cam kết quốc tế.

Luật Hải quan số 54/2014/QH13 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã đặt nền tảng cho việc đổi mới toàn diện hoạt động hải quan, tạo cơ sở pháp lý để thực hiện phương pháp quản lý hải quan hiện đại theo nguyên tắc áp dụng quản lý rủi ro trong toàn bộ hoạt động kiểm tra, giám sát hải quan, hướng tới quản lý doanh nghiệp, phù hợp với yêu cầu mục tiêu chung của cải cách nền hành chính quốc gia; đảm bảo đúng định hướng của Đảng và Nhà nước, tính thống nhất, toàn vẹn trong hệ thống pháp luật Quốc gia.

Thủ tục hải quan được đơn giản hóa, hài hòa hóa, các chế độ quản lý hải quan được chuẩn hóa phù hợp với Công ước Kyoto sửa đổi; hệ thống xác định trước giá trị hải quan, phân loại hàng hóa và xuất xứ hàng hóa đã được xây dựng và phát triển phù hợp với hướng dẫn của Tổ chức Hải quan thế giới; phương thức thực hiện thủ tục hải quan được thay đổi căn bản, chuyển từ phương thức thủ công sang phương thức điện tử, thủ tục hải quan điện tử.

Công tác quản lý rủi ro đã được áp dụng trong các hoạt động nghiệp vụ hải quan. Các biện pháp, kỹ thuật nghiệp vụ quản lý rủi ro ngày càng được chú trọng, từng bước phát triển có chiều sâu, được triển khai đồng bộ, thống nhất, đảm bảo vai trò xử lý phân luồng thông suốt 24/7, đáp ứng yêu cầu cho việc tự động hóa, điện tử hóa thủ tục hải quan.

Công tác kiểm tra sau thông quan đã được triển khai mạnh mẽ, từng bước đáp ứng yêu cầu chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm theo hướng chuẩn mực. Công tác quản lý thuế đã đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, khuyến khích phát triển sản xuất kinh doanh, xuất khẩu, cải thiện môi trường kinh doanh, tăng năng lực cạnh tranh quốc gia, thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế về cắt giảm thuế quan, sử dụng hàng rào kỹ thuật, áp dụng đầy đủ Hiệp định trị giá GATT 1994, Công ước HS cũng như khuyến nghị của Công ước Kyoto sửa đổi về áp dụng phán quyết trước trong hoạt động hải quan.

Công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại được triển khai mạnh mẽ, đã tổ chức lực lượng quản lý chặt chẽ các địa bàn trọng điểm, triển khai hiệu quả công tác đấu tranh, ngăn chặn buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, góp phần bảo đảm an ninh, an toàn hàng hóa ra vào biên giới, tạo điều kiện cạnh tranh bình đẳng cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Đặc biệt, việc ứng dụng công nghệ thông tin đã có bước tiến nhảy vọt. Ngành Hải quan đã xây dựng hệ thống công nghệ thông tin hiện đại, cốt lõi là hệ thống thông quan điện tử tự động VNACCS/VCIS và áp dụng vận hành thành công các hệ thống e-Manifest (trao đổi thông tin trước khi hàng đến), e-Payments (thanh toán thuế điện tử, e-C/O, e-Permits (thực hiện qua Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN), VASSCM (giám sát tự động).

Hệ thống công nghệ thông tin được xây dựng tích hợp đáp ứng các yêu cầu nghiệp vụ, thực hiện theo hướng xử lý dữ liệu điện tử tập trung trên mô hình kiến trúc theo hướng dịch vụ, kết nối được các đơn vị trong ngành hải quan và với các cơ quan có liên quan, đảm bảo đáp ứng yêu cầu về băng thông và khả năng dự phòng.

Bên cạnh đó, việc triển khai Hệ thống quản lý giám sát hải quan tự động (VASSCM) thông qua việc kết nối, trao đổi thông tin với doanh nghiệp kinh doanh cảng, sân bay, kho bãi, địa điểm chịu sự giám sát hải quan đã đánh dấu bước triển khai mạnh mẽ công tác giám sát theo quy định của Luật Hải quan; làm thay đổi căn bản phương thức giám sát thủ công sang điện tử, nhằm tăng cường vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp kinh doanh cảng, sân bay, kho bãi, địa điểm chịu sự giám sát hải quan.

Đồng thời, đẩy mạnh và tăng cường mối quan hệ đối tác Hải quan – Doanh nghiệp ngày càng đi vào thực chất, góp phần giám sát thực thi pháp luật và hợp tác nâng cao hiệu quả quản lý hải quan.

Những kết quả đạt được đã tác động và có sức lan tỏa lớn trong xã hội, góp phần quan trọng vào việc tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại quốc tế của Việt Nam; nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; thúc đẩy tiến trình hội nhập kinh tế của đất nước, thu hút đầu tư nước ngoài; đảm bảo nguồn thu cho ngân sách nhà nước, vừa đảm bảo an ninh, an toàn hàng hóa ra vào Việt Nam, góp phần bảo vệ sức sản xuất trong nước, bảo vệ sức khỏe cộng đồng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về hải quan.

Hoạt động soi chiếu container tại Hải quan Hải Phòng
Hoạt động soi chiếu container tại Hải quan Hải Phòng

Xây dựng Hải quan Việt Nam chính quy, hiện đại...

Trước bối cảnh tình hình thế giới phức tạp và đầy biến động trong những năm tới, cùng với những yêu cầu của đất nước về đẩy mạnh cải cách, phát triển nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; tạo thuận lợi thương mại đẩy mạnh hoạt động xuất nhạp khẩu đã đặt ra cho Hải quan Việt Nam nhiều thách thức mới, yêu cầu lực lượng Hải quan cần tiến hành cải cách, đổi mới toàn diện nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về hải quan. Chính vì vậy, Tổng cục Hải quan đã tập trung nguồn lực để xây dựng Chiến lược phát triển Hải quan trong giai đoạn 2021-2030.

Mục tiêu của Chiến lược nhằm xây dựng Hải quan Việt Nam chính quy, hiện đại, ngang tầm Hải quan các nước phát triển trên thế giới, dẫn đầu trong thực hiện Chính phủ số, với mô hình Hải quan thông minh, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hải quan, quản lý hải quan và thu thuế hiệu quả, tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại, du lịch và vận tải hợp pháp qua biên giới, tạo môi trường xuất nhập khẩu minh bạch, công bằng, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, đảm bảo an ninh, an toàn xã hội và bảo vệ lợi ích, chủ quyền quốc gia.

Theo đó, Tổng cục Hải quan sẽ tiếp tục xây dựng nền tảng pháp luật về Hải quan hiện đại, đảm bảo cơ sở pháp lý đầy đủ cho việc xây dựng, triển khai mô hình hải quan thông minh và thực hiện nhiệm vụ đầu mối kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa nhập khẩu tại cửa khẩu.

Các quy định pháp luật về hải quan và pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có tính gắn kết chặt chẽ, thống nhất. Cải cách thủ tục hành chính hải quan theo hướng minh bạch, đơn giản, thống nhất, phù hợp với các chuẩn mực và khuyến nghị của Tổ chức Hải quan thế giới nhằm giảm thời gian, chi phí thực hiện thủ tục thông quan, giải phóng hàng.

Đồng thời, tập trung hóa, hiện đại hóa, tự động hóa công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan; đẩy mạnh kiểm tra trước và sau thông quan; triển khai mô hình biên giới thông minh, hải quan xanh; cải cách mô hình kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu tại cửa khẩu. Tạo thuận lợi cho thương mại hợp pháp, ngăn chặn, đẩy lùi nguy cơ buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân kinh doanh và người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, xây dựng Hệ thống công nghệ thông tin Hải quan tập trung, tích hợp thông minh đảm bảo các yêu cầu về an toàn thông tin hệ thống, với nền tảng số, phù hợp với kiến trúc Chính phủ điện tử, Chính phủ số, chuẩn mực quốc tế, ứng dụng mạnh mẽ những thành tựu khoa học, công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng, máy móc, trang thiết bị hiện đại đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước về hải quan trong tình hình mới, thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN, kết nối với các đối tác thương mại của Việt Nam… nhằm tập trung hóa tối đa xử lý thủ tục hành chính, kết nối, trao đổi, chia sẻ thông tin giữa cơ quan Hải quan với các bộ, ngành và đơn vị có liên quan tham gia chuỗi cung ứng đáp ứng yêu cầu quản lý doanh nghiệp, quản lý toàn diện từ khâu đầu đến khâu cuối đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh và phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh.

Hải quan Việt Nam cũng sẽ đổi mới tổ chức bộ máy hải quan với cơ cấu gọn nhẹ, giảm đầu mối trung gian đáp ứng yêu cầu triển khai mô hình hải quan thông minh và thực hiện nhiệm vụ đầu mối kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa nhập khẩu tại cửa khẩu. Đẩy mạnh xây dựng và triển khai mô hình quản lý nguồn nhân lực theo năng lực dựa trên vị trí việc làm. Phát triển nguồn nhân lực tinh thông nghiệp vụ, liêm chính, chuyên nghiệp, làm chủ được công nghệ, trang thiết bị kỹ thuật hiện đại, đáp ứng yêu cầu triển khai mô hình hải quan thông minh và các nhiệm vụ chính trị của ngành Hải quan.

Ngoài ra, ngành Hải quan sẽ tăng cường đẩy mạnh công tác hợp tác và hội nhập quốc tế về hải quan toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả, nâng cao vai trò, vị thế và uy tín của Hải quan Việt Nam trong cộng đồng hải quan thế giới; phát triển quan hệ hợp tác, đối tác giữa Hải quan với các bên liên quan tạo nền tảng và góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về Hải quan. Nâng cao mức độ hài lòng của doanh nghiệp đối với thực hiện thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan.

Đến năm 2025, Tổng cục Hải quan phấn đấu sẽ cơ bản hoàn thành hải quan số, hướng tới môi trường phi giấy tờ, đảm bảo 90% hồ sơ công việc tại Tổng cục Hải quan được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước); 80% hoạt động kiểm tra của cơ quan hải quan thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống công nghệ thông tin của Tổng cục Hải quan;

Cổng thông tin một cửa quốc gia đáp ứng yêu cầu trở thành điểm tiếp nhận và chia sẻ thông tin, dữ liệu, chứng từ điện tử cho tất cả các bên tham gia vào hoạt động thương mại xuyên biên giới, chuỗi cung ứng, logistics thông qua việc tập trung hóa dữ liệu và tập trung hóa việc xử lý dữ liệu; 100% cấp phép, kiểm tra chuyên ngành cho hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh được thực hiện thông qua Cơ chế một cửa quốc gia;

100% thủ tục hành chính có nhu cầu sử dụng cao được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, đồng thời được tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia; quản lý nợ thuế được thực hiện hoàn toàn theo phương thức điện tử với phương pháp quản lý hiện đại; hoàn thành nội luật hóa toàn bộ các cam kết quốc tế trong lĩnh vực hải quan.

Đến năm 2030, hoàn thành hải quan thông minh và mức độ hài lòng của doanh nghiệp đạt từ 95% trở lên; 100% các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan được chuyển sang dạng dữ liệu điện tử, tiến tới được số hóa; 100% cảng, cửa khẩu quốc tế trọng điểm được triển khai hệ thống quản lý giám sát hàng hóa tự động;

100% hàng hóa thuộc đối tượng rủi ro cao vận chuyển bằng container chịu sự giám sát hải quan được giám sát bằng phương tiện kỹ thuật hiện đại, dữ liệu được kết nối về trung tâm xử lý tập trung của cơ quan hải quan; 100% các cửa khẩu đường bộ triển khai hệ thống tiếp nhận và xử lý thông tin khai trước về hàng hóa xuất nhập khẩu trước khi phương tiện vận chuyển hàng hóa qua biên giới. 

100% các doanh nghiệp ưu tiên, doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật, doanh nghiệp chế xuất, doanh nghiệp thực hiện hoạt động gia công, sản xuất xuất khẩu, kết nối chia sẻ dữ liệu quản trị sản xuất với cơ quan Hải quan.

Tỷ lệ tờ khai phải kiểm tra hồ sơ không quá 30%, tỷ lệ tờ khai phải kiểm tra thực tế hàng hóa không quá 4,5%; 100% các doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu phát sinh nợ thuế được theo dõi, cập nhật tự động trên hệ thống điện tử của cơ quan hải quan; hoàn thành 100% hồ sơ điều tra nghiên cứu toàn diện tất cả các tuyến (đường bộ, đường biển, đường hàng không), cập nhật theo tháng, không để xảy ra điểm nóng về buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.

Để thực hiện mục tiêu trên, Tổng cục Hải quan đã đề ra các giải pháp thực hiện về thể chế, nghiệp vụ hải quan, tổ chức bộ máy và nguồn nhân lực, ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa cơ sở vật chất; hợp tác, hội nhập quốc tế về hải quan; hợp tác giữa cơ quan hải quan và các bên liên quan.

Ngành Hải quan đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và thực hiện Dihj vụ công trực tuyến nên việc giải quyết thủ tục hải quan, thông quan hàng hóa diễn ra thuận lợi.
Ngành Hải quan đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và thực hiện Dihj vụ công trực tuyến nên việc giải quyết thủ tục hải quan, thông quan hàng hóa diễn ra thuận lợi.

Trong những ngày gần đây, trước diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, ngành Hải quan đã không ngừng nỗ lực tạo thuận lợi cho “dòng chảy” hàng hóa, đồng hành cùng doanh nghiệp từng bước vượt qua khó khăn.

Ngành Hải quan quan đã triển khai nhiều biện pháp nhằm tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục hải quan, như: Chấp nhận cho doanh nghiệp được nộp chứng từ dưới dạng điện tử (bản scan có xác nhận bằng chữ ký số) thuộc hồ sơ hải quan để thông quan hàng hóa; Thành lập các tổ hỗ trợ, xử lý vướng mắc về thủ tục hài quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu từ cấp Tổng cục, Cục Hải quan đến cấp Chi cục làm việc 24/7 để tiếp nhận, xử lý những vướng mắc của người khai hải quan; tạo thuận lợi tối đa thông quan các mặt hàng phục vụ công tác phòng chống dịch..

Với sự nỗ lực, quyết tâm, không quản ngại gian khó, ngành Hải quan đã đồng hành, tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp trong thông quan hàng hóa, đảm bảo công tác đấu tranh chống buồn lậu và gian lận thương mại, góp phần giữ vững an ninh, an toàn cộng đồng...