“Hải quan Việt Nam phải là một hải quan hiện đại ngang tầm khu vực và thế giới”

Theo mof.gov.vn

(Tài chính) Đó là ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại buổi làm việc với Tổng cục Hải quan chiều ngày 09/7/2014.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng tiếp thu ý kiến chỉ đạo. Nguồn:
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng tiếp thu ý kiến chỉ đạo. Nguồn:

Tham dự buổi làm việc có Phó thủ tướng Vũ Đức Đam; Bộ trưởng chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên; Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng; đại diện các Bộ Tư pháp, Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Bộ Nội vụ; cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Tài chính và Tổng Hải quan.

Báo cáo tại Hội nghị, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết, trong bối cảnh triển khai công cuộc cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đã xác định trong tâm của công tác cải cách hành chính là cải cách thủ tục hải quan dựa trên phương pháp quản lý hải quan hiện đại theo hướng tuân thủ các chuẩn mực, thông lệ và cam kết quốc tế, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin. Trong đó, ngành Hải quan đã chính thức triển khai thủ tục hải quan điện tử được thực hiện trên hệ thống VNACCS/VCIS. Có thể nói, đây là một bước đột phá trong quyết tâm thực hiện hiện đại hoá hải quan trong tất cả các khâu, đảm bảo xử lý dự liệu thông quan nhanh chóng, hiệu quả. Tính đến ngày 30/6/2014, Hệ thống VNACCS/VCIS đã được triển khai tại 34 Cục Hải quan các tỉnh, thành phố (195 Chi cục) với gần 1 triệu tờ khai, chiếm hơn 30% tổng tờ khai xuất nhập khẩu (XNK), trong đó kim ngạch xuất khẩu là 41,65 tỷ USD (chiếm gần 30% tổng kim ngạch XNK, trong đó kim ngạch XK là 20,42 tỷ USD, kim ngạch nhập khẩu là 21,24 tỷ USD) và 30,2 nghìn doanh nghiệp (DN) tham gia.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vui mừng nhận thấy trong công tác cải cách thủ tục hành chính của ngành Hải quan đã có những kết quả rất khả quan và có nhiều cải cách về thủ tục hành chính, đặc biệt Thủ tướng nhấn mạnh, việc chính thức đưa vào áp dụng hệ thống VNACCS/VCIS với sự hợp tác giúp đỡ ủng hộ quý báu của Chính phủ Nhật Bản, trong đó có sự cố gắng rất lớn của đội ngũ chuyên gia Nhật Bản, sự quan tâm, sâu sát của Chính phủ và Bộ Tài chính đã được ngành Hải quan thực hiện trên diện rộng đã khẳng định quan điểm nhất quán và quyết tâm cải cách thủ tục hành chính, trong đó có thủ tục hành chính về lĩnh vực hải quan của Bộ Tài chính và Chính phủ.

Theo Thủ tướng, có thể khẳng định hầu hết các cán bộ, công chức ngành Hải quan đều có tinh thần trách nhiệm, tuy nhiên, nếu việc cải cách thủ tục hành chính không được triển khai một cách đồng bộ, triệt để, công tác quản lý không tốt, công tác thanh tra, kiểm tra không được triển khai thường xuyên, chắc chắn dù cán bộ tốt đến đâu cũng rất dễ bị tiêu cực tấn công.

Thủ tướng nhấn mạnh, ngành Hải quan với một đội ngũ cán bộ có trình độ cao đã có một bước tiến dài trong việc hiện đại hoá ngành, tuy nhiên, ngành Hải quan cần triệt để hơn trong công tác cải cách thủ tục, xã hội hoá việc khai thuế hải quan thông qua các đại lý. Đây có thể khẳng định là một xu thế tất yếu và là sự phân công lao động theo tiến trình phát triển kinh tế-xã hội trong thời kỳ hội nhập kinh tế sâu, rộng hiện nay, qua đó tạo điều kiện cho các DN có thể triển khai thực hiện thủ tục hải quan một cách nhanh nhất.

Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với các Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Công thương, Bộ Khoa học và Công nghệ,... và các ngành có liên quan để xây dựng những tiêu chí chuyên ngành như trong nhập khẩu mặt hàng nông sản, hàng hoá liên quan đến kho học công nghệ,... trong phối hợp thực hiện về kiểm soát thủ tục hải quan, theo hướng giao cho ngành Hải quan tiếp nhận các chỉ tiêu của các Bộ, ngành và chủ trì kiểm tra mà không nhất thiết phải thành lập những Tổ liên ngành. Qua đó cải thiện mạnh mẽ cơ chế kiểm soát một cửa, tạo điều kiện cho DN nhanh chóng thực hiện các thủ tục xuất nhập khẩu một cách nhanh chóng nhất.

Thủ tướng căn dặn, với truyền thống 70 năm xây dựng và phát triển, ngành Hải quan cần không ngừng cố gắng, quyết tâm xây dựng hình ảnh ngành Hải quan. Trong đó cần đặc biệt chú trọng giáo dục chính trị tư tưởng, nêu cao lòng tự hào về ngành đến từng cán bộ, công chức. Đồng thời tiếp tục triển khai việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, qua đó để đạt được mục tiêu Hải quan Việt Nam phải là một hải quan hiện đại ngang tầm khu vực và thế giới.

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng bày tỏ quyết tâm sẽ lãnh đạo, chỉ đạo toàn ngành Tài chính quyết tâm thực hiện cải cách thủ tục hành chính một cách sâu rộn, đồng thời sẽ tiếp tục tăng cường sự công tác thông tin tuyên truyền tạo sự đồng thuận của dư luận xã hội, và lan toả rộng rãi đến người dân, cộng đồng DN và nhà đầu tư nước ngoài hiểu và tự giác chấp hành pháp luật về lĩnh vực tài chính.

Theo Bộ trưởng, trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; kinh tế thế giới có dấu hiệu phục hồi nhưng còn tiềm ẩn nhiều rủi ro; hoạt động sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng dẫn đến thu ngân sách nhà nước bị suy giảm, đây là vấn đề nóng giành được sự quan tâm rất lớn của Đảng, Chính phủ và Quốc hội Việt Nam, trong đó có vấn đề cân đối thu chi ngân sách nhà nước, kỷ luật tài khóa, tình trạng chuyển giá, hoàn thuế sai và trốn thuế gây thất thu cho ngân sách nhà nước,... nhưng với sự tin tưởng của Chính phủ đối với ngành Tài chính, Bộ trưởng cam kết sẽ quyết tâm cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính thuế, hải quan. Đồng thời tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, ra sức khắc phục hạn chế, yếu kém, quyết liệt thực hiện các giải pháp đã được Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định, góp phần vào mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, an sinh xã hội

Để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ trọng tâm nêu trên, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo sát sao, các Bộ, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính với mục tiêu quyết tâm phấn đấu thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ tài chính–ngân sách nhà nước năm 2014.