Hải quan Việt Nam "xung kích" chống buôn bán ma túy, động thực vật hoang dã
Hải quan Việt Nam đã tích cực tham gia và có đóng góp đáng ghi nhận vào kết quả chung về hoạt động kiểm soát của Hải quan ASEAN, nổi bật là đồng sáng kiến và điều hành chiến dịch “Con rồng Mêkông”. Chiến dịch đã thể hiện vai trò xung kích trên "mặt trận" chống buôn lậu khu vực, đặc biệt là chống buôn bán ma túy, động thực vật hoang dã của Hải quan Việt Nam.
Chủ động hợp tác chống buôn lậu
Trong thời gian qua, ASEAN đã triển khai nhiều chương trình, sáng kiến về hợp tác hải quan trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, đảm bảo an ninh chuỗi cung ứng. Theo đó, Hải quan Việt Nam đã tích cực tham gia và có đóng góp đáng ghi nhận vào kết quả chung về hoạt động kiểm soát của Hải quan ASEAN, trong đó nổi bật là chiến dịch “Con rồng Mêkông”.
Đây là một sáng kiến về hoạt động chống buôn lậu do Hải quan Trung Quốc và Hải quan Việt Nam đồng khởi xướng với sự hỗ trợ điều phối của Văn phòng tình báo khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (WCO-RILO AP) và Cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm Liên hợp quốc (UNODC) về chống buôn bán bất hợp pháp ma tuý, động vật, thực vật hoang dã và các sản phẩm từ động, thực vật hoang dã thuộc danh mục CITES.
Chiến dịch “Con rồng Mêkông” được vận hành dưới cơ chế chia sẻ thông tin nghiệp vụ tình báo hải quan (thông tin nóng và thông tin bắt giữ) thông qua việc sử dụng công cụ bảo mật thông tin của Tổ chức Hải quan Thế giới - CENCOmm và hệ thống đầu mối liên lạc được chỉ định. Hải quan Việt Nam đóng vai trò là thành viên của nhóm điều phối (OCU) trong toàn bộ Chiến dịch.
Đây là một chuỗi hoạt động chung của Hải quan tại khu vực Châu Á và Thái Bình Dương được bắt đầu từ năm 2018 và đến tháng 11/2023 đã tiến hành được 5 giai đoạn, mỗi giai đoạn kéo dài khoảng 5 tháng. Giai đoạn thứ 5 gần nhất, có sự tham gia của 25 cơ quan hải quan, các cơ quan thực thi pháp luật và tổ chức quốc tế.
Chiến dịch này đã đánh dấu điểm nhấn của Hải quan Việt Nam trong việc chủ động hội nhập, hợp tác trong các vấn đề tăng cường kiểm soát chống buôn lậu và tội phạm xuyên quốc gia trong khu vực và toàn cầu.
Xử lý 4.535 vụ ma túy và động thực vật hoang dã
Qua cơ chế của Chiến dịch, đã có nhiều thông tin tình báo được cảnh báo, trao đổi giữa các nước để góp phần thực hiện bắt giữ thành công nhiều vụ việc buôn lậu và vận chuyển trái phép ma tuý, động vật, thực vật hoang dã lớn. Với sự vào cuộc tích cực của các nước thành viên, tổng số vụ bắt giữ của Chiến dịch được các thành viên báo cáo qua 05 giai đoạn là 4.535 vụ ma túy và động thực vật hoang dã CITES, tang vật thu giữ gồm: 55.200 kg, 108.000 kg tiền chất, 157.000 kg gỗ và 4.479 sản phẩm từ động, thực vật hoang dã.
Theo thông tin mới nhất của Tổng cục Hải quan, qua 05 giai đoạn, Hải quan Việt Nam đã tham gia xây dựng và phổ biến 115 cảnh báo và 05 báo cáo tổng kết đánh giá hoạt động triển khai các giai đoạn của chiến dịch cho toàn bộ các thành viên. Riêng trong Chiến dịch giai đoạn V, Hải quan Việt Nam và các đơn vị phối hợp đã cập nhật tổng số 123 vụ việc bắt giữ ma túy và động, thực vật hoang dã.
Trong thời gian tổ chức Chiến dịch giai đoạn 5, Lãnh đạo Bộ Tài chính và Lãnh đạo Tổng cục Hải quan đã sát sao chỉ đạo toàn ngành Hải quan nghiêm túc triển khai Chiến dịch, đảm bảo vai trò của nước sáng kiến và điều hành chiến dịch.
Điểm mới trong việc triển khai Chiến dịch giai đoạn 5 tại Việt Nam là có sự tham gia của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy và Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (Bộ Công an). Hai đơn vị của Bộ Công an đã đồng hành, tích cực triển khai Chiến dịch, phối hợp với lực lượng Hải quan trao đổi thông tin, điều tra, bắt giữ nhiều vụ việc ma túy, động vật, thực vật hoang dã và đóng góp nhiều ý kiến quý báu, hiệu quả cho Chiến dịch.
Đầu tháng 4/2024 vừa qua, Hải quan Việt Nam đã chủ trì tổ chức Hội nghị khởi động Chiến dịch “Con rồng Mêkông” giai đoạn VI tại Việt Nam. Hải quan Việt Nam tiếp tục khẳng định nỗ lực thực hiện các cam kết của Chính phủ Việt Nam và chủ động hơn nữa trong hợp tác với các cơ quan Hải quan thành viên, các tổ chức quốc tế trong đấu tranh với tội phạm buôn bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy và động, thực vật hoang dã cũng như các loại tội phạm xuyên quốc gia khác.