Hạn mức bảo hiểm tiền gửi - nguyên tắc cốt lõi phát triển hệ thống bảo hiểm tiền gửi hiệu quả


Hiệp hội bảo hiểm tiền gửi quốc tế (IADI) và Ủy ban Basel về Giám sát ngân hàng (BCBS) đã ấn hành Các nguyên tắc cơ bản phát triển hệ thống bảo hiểm tiền gửi (BHTG) hiệu quả.

Hạn mức bảo hiểm tiền gửi là một trong những nguyên tắc cốt lõi phát triển hệ thống bảo hiểm tiền gửi hiệu quả.
Hạn mức bảo hiểm tiền gửi là một trong những nguyên tắc cốt lõi phát triển hệ thống bảo hiểm tiền gửi hiệu quả.

Các nguyên tắc cơ bản và phương pháp đánh giá tuân thủ (gọi tắt là Bộ các nguyên tắc cơ bản) được nhiều quốc gia sử dụng như tiêu chuẩn để đánh giá chất lượng hoạt động của hệ thống BHTG, phát hiện những điểm hạn chế trong quá trình hoạt động và cách thức khắc phục.

Bộ các nguyên tắc cơ bản cũng được Ngân hàng thế giới (WB) và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), trong khuôn khổ Chương trình Đánh giá Lĩnh vực tài chính, sử dụng để đánh giá hiệu quả của hệ thống BHTG tại các quốc gia. Các Nguyên tắc cơ bản được thiết kế để phù hợp với các điều kiện, bối cảnh và cơ cấu khác nhau của từng quốc gia. Các nguyên tắc cơ bản được thiết kế như một khung hướng dẫn để hỗ trợ các thông lệ BHTG. Bên cạnh đó, các quốc gia có thể tự áp dụng các biện pháp bổ sung khi cần thiết để xây dựng hệ thống BHTG hiệu quả.

Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2009 đã đem lại các bài học chính sách quan trọng cho các hệ thống BHTG. Diễn biến của cuộc khủng hoảng cho thấy tầm quan trọng của việc duy trì niềm tin của người gửi tiền trong hệ thống tài chính và vai trò trọng yếu của việc bảo vệ tiền gửi để duy trì niềm tin này. Việc tăng hạn mức BHTG và củng cố các cơ chế cấp vốn giúp hỗ trợ ổn định tài chính tại nhiều quốc gia. Ở một số quốc gia, đảm bảo toàn bộ đã được áp dụng. Dù dưới bất cứ hình thức bảo vệ nào, các nhà lập chính sách đều đã nhận thấy tầm quan trọng của việc đảm bảo niềm tin của người gửi tiền.

Theo đó Nguyên tắc số 8 trong Bộ nguyên tắc cơ bản của IADI có nêu rõ: “Các nhà hoạch định chính sách phải xác định rõ ràng hạn mức và phạm vi bảo hiểm tiền gửi. Hạn mức nên có giới hạn, đáng tin cậy và bảo hiểm cho phần lớn người gửi tiền nhưng phải đảm bảo có một tỷ lệ đáng kể giá trị tiền gửi tuân theo kỷ luật thị trường. Hạn mức BHTG cần phù hợp với các mục tiêu chính sách công và các đặc điểm thiết kế có liên quan của hệ thống BHTG.

Hạn mức và phạm vi bảo hiểm được đánh giá định kỳ để đảm bảo có thể đáp ứng các mục tiêu chính sách công của hệ thống BHTG cũng như cập nhặt được tình hình giá trị hạn mức thực tế”. Do đó, việc đánh giá mức độ phù hợp của phạm vi và hạn mức bảo hiểm định kỳ là cần thiết.

Như vậy, có thể thấy IADI lưu ý trong hướng dẫn nâng cao của mình là hạn mức trả tiền bảo hiểm phải được thiết lập phù hợp với các mục tiêu chính sách, theo đó phần lớn người gửi tiền tại các ngân hàng có nguy cơ bị xử lý được bảo vệ toàn bộ, trong khi phần lớn giá trị các khoản tiền gửi có xu hướng tuân theo kỷ luật thị trường.

Với việc sử dụng dữ liệu về số lượng người gửi tiền được bảo hiểm và tỷ lệ tổng giá trị tiền gửi được bảo hiểm theo các hạn mức bảo hiểm khác nhau (tất cả các khoản tiền gửi/người gửi tiền đủ điều kiện được bảo hiểm), các cơ quan có thẩm quyền có thể thiết lập hạn mức bảo hiểm để bảo vệ nhiều người gửi tiền nhất có thể, trong khi để lại một lượng lớn giá trị tiền gửi không được bảo hiểm.

Hạn mức bảo hiểm mục tiêu có thể dao động khoảng 90-95% tổng số người gửi tiền. Tính hợp lý của hạn mức bảo hiểm có thể được xác định trong bối cảnh của mạng an toàn tổng thể. Nếu ở mức quá thấp, những người gửi tiền tương đối nhỏ có thể rút tiền ồ ạt khi xảy ra sự cố đối với ngân hàng của họ. Nếu hạn mức quá cao, những người gửi tiền qui mô lớn sẽ không quan tâm đến rủi ro của ngân hàng, do đó không duy trì được kỷ luật thị trường và các ngân hàng sẽ chấp nhận những hoạt động có rủi ro cao hơn, gây nên rủi ro đạo đức. Trong cả hai trường hợp, khuôn khổ xử lý ngân hàng hiệu quả và giám sát vững mạnh có thể giúp hạn chế một số tác động tiêu cực của hạn mức.

Giữ được kỷ luật thị trường và tránh nguy cơ rủi ro đạo đức cũng như khủng hoảng tới công chúng là một trong nhưng điểm mấu chốt của việc hạn mức tăng hay giảm. Hạn mức phù hợp có thể giúp bình ổn thị trường cung như tạo được niềm tin của công chúng đến hệ thống tài chính ngân hàng nói chung và BHTG Việt Nam nói riêng.

Hạn mức BHTG đã qua hai lần điêu chỉnh  và gần đây nhất là Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 21/2017 về hạn mức trả tiền bảo hiểm, theo đó hạn mức BHTG được nâng lên là 75 triệu đồng.

Tại thời điểm đó, với hạn mức 75 triệu đồng, BHTG Việt Nam có khả năng bảo vệ toàn bộ được 87,32% số lượng người gửi tiền, vẫn thấp hơn mức khuyến nghị của IADI là 90 -95%.

Vừa qua, Chính phủ công bố dự thảo Quyết định của Thủ tướng về hạn mức trả tiền BHTG (BHTG), với định hướng nâng lên so với mức áp dụng hiện nay. Theo dự thảo, số tiền bảo hiểm được trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm theo quy định của Luật BHTG (gồm cả gốc và lãi) của một cá nhân tại một tổ chức tham gia BHTG tối đa là 125 triệu đồng.

Hiện tại, mức chi trả BHTG đang được áp dụng ở mức 75 triệu đồng (từ năm 2017 đến nay) được đánh giá là quá thấp. Từ thực tế bất cập này, đồng thời xét năng lực tài chính của BHTG Việt Nam hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đã trình Chính phủ nâng mức bảo hiểm để bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người gửi tiền. người dân sẽ an tâm hơn khi gửi tiền vào các tổ chức tham gia BHTG. Dự thảo nhận được sự quan tâm của các chuyên gia cũng như công chúng với ý kiến đồng thuận, việc tăng hạn mức sẽ tạo được sự an toàn cho hoạt động tài chính ngân hàng cũng như tâm lý ổn định đối với người gửi tiền.

Cùng với tình hình kinh tế vĩ mô như lạm phát, GDP bình quân đầu người, tỷ giá, lãi suất có nhiều thay đổi. Hoạt động của hệ thống ngân hàng cũng như số dư tiền gửi được bảo hiểm của người gửi tiền đã có những thay đổi đáng kể; do đó, hạn mức BHTG cũng cần có sự thay đổi phù hợp. Vì vậy, trên cơ sở các nguyên tắc và nhân tố ảnh hưởng đến hạn mức BHTG, thì việc xem xét, đánh giá tính phù hợp của hạn mức BHTG hiện nay để điều chỉnh nâng lên là rất cần thiết nhằm phát huy vai trò của chính sách BHTG trong việc bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, nâng cao niềm tin công chúng, góp phần đảm bảo sự ổn định của các tổ chức tín dụng và đảm bảo phát triển an toàn hoạt động ngân hàng.