Hàn Quốc rơi vào "thập kỷ mất mát" như Nhật Bản?
(Tài chính) Tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Hàn Quốc sẽ bị ngưng trệ nếu như người dân không chi tiêu nhiều hơn và các công ty không mở rộng đầu tư.
Hàn Quốc đang đi theo con đường của Nhật Bản, nhưng tiếc rằng đó không phải là một con đường tốt. Sau nhiều năm tăng trưởng mạnh nhờ xuất khẩu thiết bị điện tử công nghệ cao và xe hơi, nền kinh tế Nhật Bản dần chững lại và bắt đầu “đi xuống” vì giảm phát cùng với tốc độ tăng trưởng chậm. Điều này đã khiến cho nền kinh tế Nhật Bản dần “sa lầy” trong vài thập kỷ gần đây. Còn ở Hàn Quốc, trước những gánh nặng từ nợ hộ gia đình và sự trì trệ của thị trường bất động sản, người tiêu dùng đang đẩy mạnh tiết kiệm hơn là chi tiêu.
Đối mặt với nhu cầu bất ổn của thị trường nội địa cũng như nguy cơ cạnh tranh gay gắt từ đối thủ Trung Quốc, các công ty lớn của Hàn Quốc đang phải tích trữ một lượng tiền mặt nhất định để xoay vòng và tái đầu tư. Bên cạnh đó, dân số Hàn Quốc cũng đang “già hóa” nhanh so với các nước khác trong khu vực Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế. Theo các chuyên gia dự đoán, tổng số người trên 65 tuổi tại Hàn Quốc sẽ chiếm ít nhất 14% vào năm 2017.
“Tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Hàn Quốc sẽ bị ngưng trệ nếu như người dân không chi tiêu nhiều hơn và các công ty không mở rộng đầu tư” – ông Kim Yong Ok, nhà hoạch định chính sách kinh tế thuộc Liên đoàn công nghiệp Hàn Quốc - nhận định.
Về tổng quan, có thể thấy rằng nền kinh tế Hàn Quốc vẫn đang trên đà phát triển. Theo dự báo của NHTW Hàn Quốc, tốc độ tăng trưởng kinh tế của quốc gia này đạt ngưỡng 3,8% trong năm nay. Trong khi đó, các tập đoàn điện tử lớn của Hàn Quốc như Samsung, LG đang dần chiếm vị thế cao hơn so với các đối thủ Nhật Bản như Sony, Panasonic trên thị trường tivi. Tuy nhiên, các tập đoàn này, mặc dù chiếm đến 85% thị phần sản phẩm tiêu thụ nội địa, nhưng chỉ tạo ra khoảng 13% việc làm cho thị trường lao động. 87% còn lại không có việc làm hoặc phải làm việc cho những công ty quy mô vừa và nhỏ với tốc độ tăng trưởng thấp.
Các công ty có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 15% tổng sản phẩm của Hàn Quốc, tăng 11% so với một thập kỷ trước. Hãng xe nổi tiếng Huyndai Motor sản xuất khoảng 40% động cơ của hãng tại Hàn Quốc, giảm 20% so với năm 2008. Vào tháng 8 năm nay, dưới sự kiểm soát của Kia Motor, Hyundai tiết lộ kế hoạch chi khoảng 1 tỷ USD đầu tư vào nhà máy sản xuất đầu tiên tại Mexico.
Cuối năm 2013, nợ chi tiêu hộ gia đình tại Hàn Quốc chiếm 86% tổng GDP, đứng thứ 2 toàn khu vực châu Á chỉ sau Malaysia (87%). Tỷ số nợ trên thu nhập khả dụng của Hàn Quốc là 164%, so với 115% tại Mỹ. Thị trường bất động sản đóng băng đã khiến cho chi tiêu giảm, bất động sản chiếm 75% tổng tài sản hộ gia đình tại Hàn Quốc, thấp hơn 40% so với Mỹ.
Là một phần trong nỗ lực đẩy mạnh chi tiêu của người dân, tháng 8 vừa qua, Ngân hàng trung ương Hàn Quốc đã hạ tỷ lệ lãi suất từ 2,5% xuống còn 2,25%, lần giảm lãi suất đầu tiên trong hơn một năm qua. Vào tháng 6 năm nay, tổng thống Park Geun Hye đã thay thế gần một nửa thành viên trong Hội đồng nội các như một động thái thúc đẩy nền kinh tế nước này. Ngay sau đó, ông Choi Kyung Hwan, Bộ trưởng bộ tài chính mới của Hàn Quốc cũng công bố kế hoạch chi 11,7 nghìn tỷ Won (tương đương 11,5 tỷ USD) cho ngân sách nhằm thúc đẩy chi tiêu chính phủ.
Đồng thời, cũng trong tháng 8 vừa qua, chính phủ Hàn Quốc công bố, mức thuế 10% trên lợi nhuận doanh nghiệp sẽ không được dùng để tái đầu tư, tăng lương hay chi trả cổ tức nhằm khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh chi tiêu bằng tiền mặt. Tính đến tháng 6/2014, Samsung đã chi 60 tỷ USD tiền mặt vào đầu tư ngắn hạn, trong khi con số này của Apple chỉ đạt khoảng 38 tỷ USD.
Trong khi đó, 763 công ty thuộc nhóm chỉ số chứng khoán chuẩn Kospi đang nắm giữ khoảng 800 tỷ USD tiền mặt. “Chúng tôi đang nỗ lực đưa ra các động thái mới nhằm kích cầu tiêu dùng trong nước” – ông Moon Chang Yong, cục trưởng cục thuế thuộc Bộ tài chính Hàn Quốc cho biết.
Tuy nhiên, các tập đoàn lớn cũng có những lý do riêng để giữ tiền mặt và đầu tư ở nước ngoài, thay vì đầu tư trong nước. Tăng lương và phá giá tiền tệ khiến cho chi phí kinh doanh tại Hàn Quốc cao hơn ở nước ngoài. Kể từ năm 2012 đến nay, đồng Won đã tăng 13% so với đồng đô la Mỹ. Thậm chí, một trong những nhà sản xuất ô tô lớn của Nhật là Toyota Motor cũng đã tăng trưởng 27% tại thị trường này sau khi đồng Yen mất giá.
Một điều may mắn cho Hàn Quốc là các nhà hoạch định chính sách tài khóa và tiền tệ của nước này có vẻ “tỉnh táo” hơn so với người láng giềng Nhật Bản, quốc gia mà tỷ giá đã giảm nhiều năm liên tiếp và chi tiêu chính phủ đang được đẩy mạnh. “Tôi không nghĩ một quốc gia có thể đối mặt với khủng hoảng suốt 2 thập kỷ. Tuy nhiên, nếu không có những bước đi đúng đắn, rất có thể Hàn Quốc sẽ sa lầy như Nhật Bản” - Matthew Circosta, chuyên gia kinh tế của Moody Analytics tại Sydney dự đoán.