Hàng điện tử "bãi": Nhiều rủi ro
Gần đây, việc rao bán hàng điện tử đã qua sử dụng được nhập khẩu từ nước ngoài (hàng "bãi") trên mạng xã hội ngày càng nhiều. Tuy nhiên, việc mua mặt hàng này lại có nhiều rủi ro.
Giá rẻ, chất lượng có tốt?
Trên mạng xã hội, trang mua sắm trực tuyến muare, shopee, sendo… hay chỉ cần gõ cụm từ "hàng Nhật bãi", người tiêu dùng đều có thể bắt gặp hàng loạt gian hàng về đồ điện tử "bãi" của Nhật, Hàn Quốc… như: Điều hòa, máy giặt, nồi cơm điện, tủ lạnh, quạt, lò vi sóng, lò nướng, máy hút ẩm, máy lọc không khí... với giá "rẻ" hơn so với hàng nhập mới mà có tính năng tương đương.
Đơn cử như, một chiếc nồi cơm cũ có giá trung bình khoảng 5 triệu - 4,5 triệu đồng; tủ lạnh từ 10 triệu đồng trở lên; máy lọc không khí từ 1,8 triệu - 6 triệu đồng; máy hút ẩm từ 2,5 triệu - 5 triệu đồng… tùy vào đời máy.
Theo chủ một cửa hàng đồ "bãi" trên phố Huế (Hà Nội), hàng Nhật chủ yếu được nhập từ nước ngoài. Đa số hàng đều còn mới, thậm chí có đồ mới sử dụng được từ 2 - 3 năm, chất lượng còn khá tốt.
Tuy nhiên, đồ "bãi" là hàng cũ, đã qua sử dụng nên vẫn có xác suất rủi ro như hư hỏng linh kiện, lắp ráp hoặc do quá trình sử dụng. Hầu hết đồ "bãi" khi chuyển về Việt Nam, đều được mông má, sửa chữa, sơn mới, cho nên việc mua đồ "bãi" Nhật giống như việc may rủi, hên xui, ai may thì mua được hàng tốt.
Cần thận trọng
Một kỹ sư điện tử lâu năm ở phố Thịnh Yên (Hà Nội) cho biết, hàng "bãi" thường có những nhược điểm như: Bắt buộc phải sử dụng nguồn điện 100V, 110V nên với mỗi sản phẩm mua về, khách hàng đều phải mua thêm một bộ đổi nguồn. Ngoài ra, sản phẩm nhập không chính ngạch nên chỉ có hướng dẫn bằng tiếng nước ngoài, nhiều chức năng nên các nút điều khiển và mức độ sử dụng khá cầu kỳ, phức tạp khiến người sử dụng khó vận hành.
Bên cạnh đó, hàng "bãi" sử dụng linh kiện không phổ biến nên khó mua linh kiện thay thế khi bị hư hỏng. Ngay cả những cửa hàng sửa chữa đồ điện tử lâu năm nhiều khi cũng phải lắc đầu trước các món đồ Nhật "bãi" cổ, đã ngừng sản xuất, hoặc có tuổi đời đã quá lâu. Chính những nhược điểm trên, nhiều người sử dụng đã rơi vào cảnh "tiền mất, hàng hỏng".
Chị Nguyễn Thu Thủy (Khu đô thị Linh Đàm, Hà Nội) chia sẻ, do nhà có con nhỏ nên chị mua máy lọc không khí Nhật "bãi". Tuy nhiên, mới sử dụng được đúng 3 lần, máy lọc bị hỏng nguồn, không sửa được và cũng không sử dụng được nữa. Mang đi bảo hành thì người bán từ chối do hết thời gian (bảo hành 1 tháng).
Nhiều người tiêu dùng cho rằng, thay vì mua hàng bãi, hoàn toàn có thể mua hàng mới sản xuất trong nước còn nguyên bảo hành, tuy tính năng, tiện ích có ít hơn. Đặc biệt, hàng mới thuận tiện về điện áp, bảo dưỡng và quan trọng hơn, bảo vệ được môi trường trước sự xâm lấn của "rác điện tử".
Người tiêu dùng khi mua hàng "bãi" nên tìm hiểu kỹ chế độ bảo hành tại các cửa hàng, đại lý phân phối, đặc biệt là ưu đãi đi kèm như "hỗ trợ sửa chữa" hay "đổi mới sản phẩm". Bên cạnh đó, không nên chọn hàng đã sản xuất quá lâu.