Hàng giả ăn mòn lợi nhuận doanh nghiệp
Nạn bán hàng giả, hàng nhái tràn lan trên thị trường ở kênh truyền thống hoặc online, nếu phát hiện sớm cũng đã "ăn" mất 5 – 7% lợi nhuận của doanh nghiệp chính hãng, còn phát hiện trễ thì có thể "ngốn" đến 20% lợi nhuận, thậm chí cao hơn.
Mỹ phẩm hiện là một trong những mặt hàng bị làm giả, nhái nhiều nhất và được mua bán, kinh doanh thông qua các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo… Là một trong những nạn nhân của tình trạng này, bà Phạm Thị Đào, Giám đốc công ty TNHH Mỹ phẩm Anh Đào (tỉnh Kiên Giang), cho biết nhờ chủ động phát hiện, sớm ngăn chặn nên công ty mới chỉ bị thiệt hại 5 – 7% lợi nhuận.
Dè chừng kênh online
Điều đáng nói, để tránh nạn hàng giả, hàng nhái, công ty này hoàn toàn không bán hàng online mà chỉ bán theo hệ thống truyền thống. "Chúng tôi có chính sách bán hàng đặc thù, nếu trường hợp nào rao bán trên mạng, công ty khuyến cáo một lần, nếu không rút xuống thì công ty sẽ làm việc với cơ quan chức năng về giấy phép đăng ký kinh doanh", bà Đào chia sẻ.
Trao đổi với Thời báo Kinh Doanh bên lề Diễn đàn chống hàng giả, bảo vệ thương hiệu doanh nghiệp (DN) trong thời kỳ công nghiệp 4.0 tổ chức ở TP. Hồ Chí Minh ngày 27/11, bà Đào bày tỏ lo ngại về việc bán hàng online mỹ phẩm giả, giá cả không hợp lý. Để ngăn tình trạng này, với ưu thế là hệ thống phân phối đã ổn định tại 63 tỉnh thành trong cả nước, công ty phải bán hàng theo kiểu truyền thống để quản lý cho chặt chẽ.
Trường hợp khác là công ty NGK Việt Nam (DN Nhật, với sản phẩm bugi – hệ thống đánh lửa động cơ xe) đang chiếm hơn 70% thị phần bugi xe máy tại Việt Nam. Ông Trần Thanh Kha, Trưởng phòng cấp cao của công ty, cho biết một khảo sát từ cách đây 3 năm cho thấy có đến 20,5% bugi trên thị trường Việt Nam giả mạo thương hiệu NGK.
Theo ông Kha, năm 2018, tỷ lệ bugi giả giảm còn khoảng 10%, tuy nhiên, vấn nạn bugi giả vẫn còn là điều nhức nhối trên thị trường. Điều này không những gây ảnh hưởng đến hình ảnh thương hiệu và thị phần của DN, mà còn gây tác hại tiêu cực đến người tiêu dùng.
Chỉ tính riêng 10 tháng đầu năm 2018, trên cả nước đã phát hiện 79.515 vụ buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (tăng 7% so cùng kỳ năm ngoái).
Ông Trương Văn Ba, Phó Chánh văn phòng Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia, nhấn mạnh để làm tốt việc chống hàng giả cần vừa có chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ vừa có trách nhiệm của DN, của cơ quan chức năng và của người tiêu dùng.
Ở góc độ nhà quản lý thương mại điện tử (TMĐT) trước vấn nạn hàng giả, bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương), cho biết tính đến năm ngoái, tổng giá trị giao dịch TMĐT bán lẻ ở Việt Nam đạt 6,2 tỷ USD. Tuy nhiên, tỷ lệ thanh toán trực tuyến trong tổng giao dịch hàng hóa mới chỉ chiếm 3%.
Lý giải về tỷ lệ thanh toán trực tuyến rất thấp này, bà Huyền nói rằng bản chất của vấn đề vẫn là niềm tin ở người tiêu dùng. Đơn cử, quan sát việc rao bán trên mạng hiện nay sẽ thấy có những DN giả mạo nhãn hiệu quần áo thời trang (điển hình như nhãn hiệu Adidas).
Thiệt hại quá lớn
Hoặc như việc giả mạo những mặt hàng có giá trị cao (như đồng hồ Rolex thật có thể có mức giá đến hàng trăm triệu đồng nhưng trên mạng có những website TMĐT lại rao bán chỉ vài triệu đồng).
Ngoài ra còn có những trường hợp giả mạo về thông tin sản phẩm tiêu dùng trên một số trang TMĐT; giả về kiểu dáng công nghiệp, thậm chí là tên miền website cũng na ná…
Theo bà Huyền, đây là những hành vi mà Cục TMĐT và Kinh tế số đã nhận diện được, nhưng để giải quyết tình trạng này cần sự tham gia đồng bộ của các cơ quan chức năng, bởi lẽ bản chất TMĐT chỉ là phương thức kinh doanh mới bên cạnh phương thức kinh doanh truyền thống.
Hồi năm 2017, để chống lại nạn bán hàng giả, hàng nhái, vi phạm nhãn mác… trên mạng, qua phối hợp cùng lực lượng quản lý thị trường, Cục TMĐT và Kinh tế số cũng đã thanh kiểm tra và phát hiện 300 vụ có dấu hiệu vi phạm và đã xử phạt 300 tỷ đồng.
Có thể thấy nhiều đối tượng đã lợi dụng sức mạnh của công nghệ để làm hàng giả, hàng nhái nhằm thu về lợi nhuận trái pháp luật và "ăn mòn" lợi nhuận của những DN làm ăn chân chính, trong đó có cả những hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái xuyên biên giới.
Như trường hợp bugi NGK là sản phẩm bugi giả có xuất xứ từ Trung Quốc được nhập vào Việt Nam theo đường tiểu ngạch.
Ông Nguyễn Ngọc Tý, Giám đốc điều hành công ty TNHH Nón Sơn, cho rằng thiệt hại mà nạn hàng giả gây ra cho các DN làm ăn chân chính là quá lớn.
Thứ nhất là thiệt hại ngay trong lòng của khách hàng. Nếu một DN mà bị sản phẩm giả tung ra ngoài thị trường sẽ làm lung lay niềm tin của khách hàng khi mua sắm sản phẩm của chính hãng.
Thứ hai là DN phải tốn kém nhiều công sức để phối hợp với các cơ quan chức năng, nhưng hiệu quả lại không cao. Nhiều trường hợp năm trước đã phát hiện, xử lý được đối tượng làm hàng giả, nhưng đến năm sau cũng chính đối tượng đó vẫn tiếp tục vi phạm, rồi DN lại tiếp tục đi tìm cách xử lý.