Hàng hóa xuất khẩu sang Nhật được ưu đãi nhiều hơn nhờ CPTPP

Theo Hoài Phương/bizlive.vn

Sáng ngày 27/2, tại TP. Hồ Chí Minh, Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương và Trung tâm Hội nhập quốc tế TP. Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo Hướng dẫn tận dụng lợi ích từ quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Trước đó, ngày 22/1, Bộ Công Thương ban hành Thông tư số 03/2019/TT-BCT quy định quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định CPTPP, có hiệu lực từ ngày 8/3.

Bà Trịnh Thị Thu Hiền, Trưởng Phòng xuất xứ hàng hóa (Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương) cho biết, Thông tư số 03/2019/TT-BCT hướng dẫn nhiều điểm mới trong việc thực hiện CPTPP so với các FTA Việt Nam đã ký và tham gia trước đây, như: Quy tắc xuất xứ bộ hàng hóa; Quy tắc xuất xứ hàng tân trang, hàng tái chế tạo; công thức tính RVC; danh mục PSR được quy định chi tiết theo công đoạn sản xuất cụ thể.

Trong đó, đáng lưu ý, CPTPP đưa ra quy tắc “cộng gộp” trị giá gia tăng của sản phẩm trong từng công đoạn Việt Nam có tham gia, dù tỉ lệ nhỏ nhất. Chẳng hạn, nếu Việt Nam nhập khẩu cao su từ một nước khác về gia công sản phẩm lốp xe ô tô, xuất khẩu lốp xe qua nước khác để lắp ráp, thì theo quy định của các FTA trước đây, sản phẩm này không đáp ứng nguyên tắc xuất xứ nên Việt Nam không được tính ưu đãi.

Tuy nhiên, với CPTPP, cho dù Việt Nam tham gia chỉ 1% trị giá trong toàn bộ công đoạn hình thành sản phẩm thì vẫn được tính vào phần ưu đãi nếu nước nhập khẩu có tham gia CPTPP. “Quy định này giúp thúc đẩy chuỗi phát triển cung ứng của Việt Nam, giúp Việt Nam tận dụng tốt hơn ưu đãi ở từng công đoạn nhỏ nhất”, bà Hiền nhận xét.

Về cơ chế chứng nhận xuất xứ hàng hóa, theo bà Hiền, hàng xuất khẩu từ Việt Nam áp dụng cơ chế C/O do cơ quan, tổ chức được Bộ Công Thương ủy quyền cấp. Thời gian chuyển tiếp thực hiện cơ chế nhà xuất khẩu đủ điều kiện tự chứng nhận xứ hàng hóa từ 5-10 năm. Đối với hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu trước ngày Thông tư số 03 có hiệu lực, cơ quan, tổ chức cấp C/O xem xét cấp hồi tố C/O mẫu CPTPP để được hưởng ưu đãi thuế quan.

Dưới góc độ thị trường, Nhật Bản được đánh giá là thị trường mang lại nhiều lợi ích mới cho Việt Nam so với hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện ASEAN - Nhật Bản (AJCEP) trước đây.

“Nhiều doanh nghiệp phía Bắc do thiếu công nghệ nên chỉ dệt vải mộc rồi chuyển sang Trung Quốc để thực hiện khâu định hình vải và nhuộm. Sau đó, vải thành phẩm được Việt Nam nhập lại để may sản phẩm may mặc. Những sản phẩm này nếu được xuất khẩu sang Nhật theo Hiệp định AJCEP thì không được ưu đãi thuế quan. Nhưng với CPTPP, doanh nghiệp vẫn sẽ được hưởng ưu đãi khi xuất khẩu sang Nhật”,  ông Vũ Hùng Thịnh, Phó Trưởng phòng Xuất xứ hàng hóa, Cục Xuất nhập khẩu, dẫn chứng.

Ngoài ra, có 187 hàng hóa nguyên phụ liệu ngành dệt may được áp dụng quy tắc "nguồn cung thiếu hụt". Đó là những nguyên phụ liệu không có sẵn và các nước trong khối CPTPP không cung ứng đủ cho nhau, buộc phải nhập khẩu từ thị trường ngoài.