Hãng kiểm toán lớn nhất thế giới chấp nhận thanh toán bằng bitcoin
PwC Hồng Kông tiếp bước Ernst & Young Thụy Sỹ chấp nhận việc thanh toán các dịch vụ tư vấn bằng đồng tiền ảo bitcoin.
Theo Wall Street Journal (WSJ), văn phòng công ty kiểm toán PricewaterhouseCoopers (PwC) tại Hồng Kông đã bắt đầu chấp nhận việc thanh toán bằng bitcoin cho các dịch vụ tư vấn.
Chủ tịch PwC Châu Á Thái Bình Dương - ông Raymund Chao cho biết, quyết định chấp nhận bitcoin như là một hình thức thanh toán phản ánh sự nắm bắt công nghệ mới và kết hợp các mô hình kinh doanh sáng tạo trong các dịch vụ của hãng.
“Quyết định này là một dấu hiệu cho thấy bitcoin và các loại tiền kỹ thuật số khác đã dần trở thành những phương tiện thanh toán phổ biến hơn”, Raymund Chao nói.
Theo WSJ, PwC ở Hồng Kông cho biết họ đang làm việc với một số công ty startup trong ngành công nghiệp bitcoin và tiền kỹ thuật số nói chung để các công ty này chấp nhận bitcoin.
Đáng chú ý hơn hết, PwC cũng đã xác nhận cho ra mắt dịch vụ tư vấn khách hàng về tiền ảo và đầu tư, về các sàn giao dịch và cách tiến hành huy động vốn bằng tiền ảo (ICO).
Quyết định chấp nhận bitcoin như một phương thức thanh toán của PwC diễn ra vào thời điểm khi đồng tiền kỹ thuật số hàng đầu này đã có thời điểm ghi nhận đà gia tăng chưa từng có trên thị trường tài chính, khi phá vỡ mức giá 11.000 USD.
PwC là công ty kiểm toán thứ hai trong bốn hãng kiểm toán hàng đầu thế giới chấp nhận bitcoin như một hình thức thanh toán. Ernst & Young (EY) Thụy Sỹ là công ty kiểm toán đầu tiên chấp nhận thanh toán bitcoin cho các dịch vụ kiểm toán và tư vấn của họ từ năm 2017.
Trong thông cáo báo chí hồi tháng 1/2017, EY cho biết hãng đang kỹ thuật số hóa dịch vụ của mình, bắt đầu từ năm 2017 khách hàng có thể chi trả hóa đơn cho EY Thụy Sỹ bằng bitcoin, nhân viên tại đây sẽ nhận được ví điện tử, còn trụ sở chính cũng được lắp đặt máy ATM bitcoin.
Tháng 9 năm ngoái, Deloitte là công ty kiểm toán đầu tiên trong nhóm 4 công ty kiểm toán lớn nhất thế giới đã lắp đặt máy ATM bitcoin tại văn phòng Toronto (Canada). Máy ATM bitcoin của Deloitte được vận hành bởi đội ngũ blockchain của công ty tại Rubix. Một số điện thoại và ID là bắt buộc để có thể sử dụng máy ATM này và giới hạn mỗi ngày là 100 USD mỗi người.
Nhân viên Deloitte thậm chí mua đồ ăn bằng bitcoin tại cửa hàng Bistro 1858 - nhà hàng cao cấp dành cho nhân viên Deloitte và khách hàng của họ.
Một trong “tứ đại gia” của ngành kiểm toán thế giới là KPMG cũng đã trở thành thành viên của Liên minh blockchain phố Wall (Wall Street Blockchain Alliance – WSBA). Eamonn Maguire, trưởng bộ phận dịch vụ sổ cái kỹ thuật số của KPMG cho biết lĩnh vực blockchain “đang dần trưởng thành” và trong tương lai sẽ có “tác động to lớn” đến ngành tài chính nói chung.
Mới đây, tháng 11/2017, KPMG cũng gia nhập Crypto Valley Association (Thung lũng tiền số) với tư cách là đối tác chính.
Hôm 1/12, Ủy ban Giao dịch hàng hóa tương lai Mỹ (CFTC) thông báo sẽ cho phép sàn giao dịch hàng hóa tương lai lớn nhất thế giới CME Group và sàn đối thủ Cboe Futures Exchange ở Chicago (Mỹ) tiến hành các giao dịch tương lai đối với bitcoin.
Cùng ngày, CME Group cho biết sẽ bắt đầu giao dịch bitcoin tương lai vào ngày 18/12. Các hợp đồng bitcoin tương lai giao dịch ở CME Group tính giá tham chiếu của bitcoin dựa trên giá giao dịch ở sàn giao dịch bitcoin Bitstamp (Luxembourg) và ba sàn giao dịch bitcoin khác ở Mỹ gồm GDAX, itBit, và Kraken.
Điều này có nghĩa là sắp tới, nhà đầu tư có thể mua và bán các hợp đồng tương lai đối với bitcoin theo kỳ hạn, chẳng hạn như ba tháng.
Mặc dù cho phép giao dịch bitcoin tương lai nhưng Chủ tịch CFTC Christopher Giancarlo vẫn cảnh báo các nhà đầu tư về mức độ biến động giá của bitcoin.
Hôm 30/11, Nasdap - công ty chứng khoán lớn thứ hai thế giới sau NYSE - cũng cho biết có kế hoạch ra mắt sản phẩm tương lai của mình vào đầu năm 2018.