Hàng Tết dồi dào, giá cả không tăng
Các doanh nghiệp trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh cơ bản đã chuẩn bị nguồn hàng phục vụ Tết Kỷ Hợi 2019, được đánh giá là đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của thành phố và các địa phương lân cận. Giá cả hàng hóa mùa cao điểm này dự báo sẽ ổn định, nhiều siêu thị còn tổ chức giảm giá sớm các mặt hàng thiết yếu.
Nguồn cung tăng
Đại diện các hệ thống bán lẻ Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food cho biết Saigon Co.op đã chuẩn bị gần 150.000 tấn hàng hóa trị giá hơn 3.000 tỉ đồng để phục vụ tết, tăng hơn 10% so với năm trước. Trong đó, lượng hàng bình ổn tăng từ 5% đến 30% tùy nhóm, các mặt hàng còn lại có mức tăng trưởng 10-30%, dự kiến tăng cao nhất nằm ở nhóm thực phẩm tươi sống gồm rau củ quả, trái cây, các loại thịt và nước giải khát, bia.
Theo ông Nguyễn Anh Đức, Phó Tổng Giám đốc thường trực Saigon Co.op, để chuẩn bị tốt nguồn hàng phục vụ tết, từ giữa năm 2018 Saigon Co.op đã có kế hoạch phối hợp với các đơn vị sản xuất, nhà cung cấp chuẩn bị kế hoạch tăng cường từ 2 đến 4 lần lượng hàng thiết yếu để chủ động nguồn cung dự trữ nhằm điều tiết giá hàng hóa tết. Để đảm bảo chất lượng hàng hóa, Saigon Co.op đã có kế hoạch tăng cường tần suất kiểm soát chất lượng hàng hóa lên từ 5 đến 10 lần so với tháng kinh doanh thông thường.
Dịp này, Co.opmart cũng tăng cường nhiều sản phẩm nhãn hàng riêng cùng với những mặt hàng chuyên biệt phục vụ cho mùa tết như bánh mứt, nho khô, nước giải khát, lạp xưởng, giò lụa, dưa món… và một số đặc sản truyền thống khác.
Ở góc độ vừa là nhà phân phối, vừa là nhà sản xuất, ông Nguyễn Phúc Khoa, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra), cho biết lượng hàng công ty dự kiến cho tết năm nay tăng 20%, tương đương 1.500 tỉ đồng. Lượng hàng các doanh nghiệp thành viên tham gia bình ổn thị trường chuẩn bị là 7.300 tấn, tập trung vào các mặt hàng như thịt heo tươi sống do Vissan cung ứng 3.200 tấn, tăng 20% so với tết năm 2018, thực phẩm chế biến 3.250 tấn trong đó Vissan chuẩn bị 2.800 tấn…
Theo ông Khoa, ngoài nhóm hàng bình ổn, sản lượng hàng hóa mà Satra chuẩn bị là 500 tỉ đồng, tập trung vào các mặt hàng như bia, rượu, nước giải khát, hàng đông lạnh, thực phẩm mặn và thực phẩm khô, bánh kẹo, trái cây…
Tại chợ Bình Điền, dự báo sản lượng hàng hóa về chợ trong 10 đêm cận tết tăng bình quân 20%-205%, năm nay cá biệt ngày 27-28 tết sẽ tăng 4.000 tấn. Đáng chú ý, thịt heo, rau củ có thể tăng gấp đôi, trái cây tăng gấp bốn lần so với ngày thường. Theo ông Khoa, do sản lượng nhập chợ nhiều, đảm bảo cung ứng cho thị trường nên giá cả dự báo chung sẽ không biến động lớn.
Ở góc độ nhà sản xuất, bà Phạm Thị Huân, Tổng Giám đốc Công ty Ba Huân, cho biết doanh nghiệp này đã tham gia hơn 10 năm bình ổn tết. Lượng hàng tết năm 2019 công ty dự trữ tăng hơn 20% so với năm 2018.
Bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh, cho biết thông qua chương trình hợp tác thương mại, Sở Công thương đã làm việc với các địa phương có nguồn cung lượng hàng lớn cho thành phố như Đồng Nai, Bình Dương, Lâm Đồng, Bến Tre, Đồng Tháp, An Giang… để nắm bắt tình hình hoạt động nuôi trồng, sản xuất hàng hóa phục vụ tết.
Ngoài ra, các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường cam kết giữ ổn định giá, không điều chỉnh tăng giá bán trong một tháng trước tết và một tháng sau tết, đồng thời thực hiện giảm giá sâu trong hai ngày cận tết với các mặt hàng thiết yếu như thịt heo, gà, trứng…
Nhiều khuyến mãi, giảm giá
Ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, khẳng định TP Hồ Chí Minh đảm bảo nguồn hàng tết, các doanh nghiệp cam kết không tăng giá trước trong và sau tết. Bên cạnh đó, dù giá các mặt hàng thiết yếu nằm trong chương trình bình ổn giá của TP Hồ Chí Minh thấp hơn giá thị trường 5-10% nhưng một số doanh nghiệp tham gia chương trình này cho biết những ngày cận tết họ sẽ áp dụng thêm các chương trình khuyến mãi, giảm giá.
Tại hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op, bên cạnh những mặt hàng được UBND thành phố giao bình ổn giá, một số mặt hàng thiết yếu khác vẫn được nhà bán lẻ này chủ động giữ giá tốt hơn so với thị trường tối thiểu 5-10%. Dự kiến trong những ngày cận tết, Saigon Co.op sẽ cùng với một số nhà cung cấp tham gia giảm giá 10–50% hàng nghìn sản phẩm đặc trưng tết, kết hợp các dịch vụ tiện ích.
Hệ thống Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food, Co.op Smiles, Cheers, HTVCo.op, Sense City của Saigon Co.op đã đồng loạt giảm giá hàng tết sớm từ trước hai tháng để giúp người tiêu dùng chủ động có kế hoạch mua sắm các mặt hàng trang trí, vệ sinh nhà cửa, nhu yếu phẩm, những ngày cận tết chỉ cần chọn những thực phẩm chế biến sẵn của siêu thị.
Theo đó, từ ngày 6/12/2018 đến tết, hệ thống bán lẻ Saigon Co.op đã luân phiên giảm giá cho 10.000 sản phẩm theo thứ tự ưu tiên sản phẩm vệ sinh và trang trí nhà cửa, chăm sóc cá nhân, hàng thời trang, giỏ quà tết, các loại thực phẩm ngâm, mứt và gia vị; cận tết sẽ là lạp xưởng, trái cây, thịt kho hột vịt, bánh chưng, mâm cỗ.
Các hệ thống phân phối khác như Satra, Aeon – Citimart, Big C… dự kiến tổ chức nhiều chương trình khuyến mại giảm giá từ 5-49% cho hàng ngàn mặt hàng phục vụ tết. Còn theo bà Phạm Thị Huân, Công ty Ba Huân sẽ giảm giá 1.000 đồng/chục trứng vịt và 2.000 đồng/chục trứng gà trong những ngày cận tết.
Bên cạnh đó, trong tháng cuối năm âm lịch, nhằm kích thích mua sắm, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố sẽ thực hiện nhiều chương trình khuyến mại, tập trung vào các mặt hàng tết như nước giải khát, bánh, kẹo, mứt, quần áo…
Theo số liệu từ Sở Công thương TP Hồ Chí Minh, các doanh nghiệp đã chuẩn bị sản xuất, dự trữ cung ứng cho hai tháng tết tổng cộng gần 18.429 tỉ đồng, tăng 612,7 tỉ đồng (3,44%) so với Tết Mậu Tuất 2018. Trong đó, giá trị hàng hóa chuẩn bị nguồn hàng bình ổn thị trường là 7.532,6 tỉ đồng. Riêng tháng cao điểm phục vụ tết từ ngày 6/1 đến ngày 4/2/2019 (từ ngày 1 đến ngày 30 tháng Chạp), tổng giá trị hàng hóa của doanh nghiệp chuẩn bị là hơn 10.812 tỉ đồng. Trong đó, hàng bình ổn thị trường là 4.211,8 tỉ đồng.Lượng hàng chuẩn bị tết năm nay tăng 13,2-16,9% so với kế hoạch thành phố giao và tăng 23-36% so với kết quả thực hiện Tết Mậu Tuất 2018. Đáng chú ý, nhiều nhóm hàng được chuẩn bị số lượng lớn, chi phối từ 32-58% nhu cầu thị trường như thịt, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, thịt gia súc, dầu ăn, gạo… Về các mặt hàng bia, nước giải khát: dự báo nhu cầu tiêu thụ trên địa bàn thành phố khoảng 42,2 triệu lít bia và 48,5 triệu lít nước giải khát trong tháng tết, tăng khoảng 30% so với tháng thường. Hiện nay, các doanh nghiệp đã và đang tích cực chuẩn bị triển khai kế hoạch cung ứng tết. Theo thông tin từ các nhà máy bia, giá bia xuất xưởng sẽ không tăng vào dịp tết.Về các mặt hàng bánh, mứt, kẹo, hạt, Sở Công thương TP Hồ Chí Minh dự báo nhu cầu tiêu thụ trên địa bàn thành phố khoảng 18.500 tấn bánh, kẹo.
Tránh tắc nghẽn hệ thống ATMNgân hàng Nhà nước cũng đã làm việc với các ngân hàng, Ban quản lý các khu công nghiệp – khu chế xuất thành phố để đảm bảo hoạt động thông suốt, tránh tắc nghẽn hệ thống rút tiền ATM.Liên quan đến nguồn vốn tín dụng phục vụ các doanh nghiệp sản xuất, cung ứng hàng bình ổn thị trường, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP Hồ Chí Minh, khẳng định nguồn vốn cho sản xuất kinh danh hàng hoá dịp tết không thiếu. Về tiền mặt, hệ thống ngân hàng đã lên kế hoạch sẵn sàng đáp ứng đầy đủ, kịp thời cho nền kinh tế và an sinh xã hội.
Siêu thị mở cửa sớm phục vụ tết
Theo bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công thương TP. Hồ Chí Minh, từ ngày 20 – 27 tháng Chạp, các siêu thị sẽ mở cửa từ 7-23 giờ và từ ngày 28 – 29 tháng Chạp sẽ mở cửa từ 6-24 giờ. Riêng ngày 30 tháng Chạp, các siêu thị sẽ mở cửa từ 6-12 giờ.
Sau tết, từ mùng Hai đến mùng Năm tháng Giêng, các siêu thị sẽ mở cửa từ 8-12 giờ. Từ mùng Sáu trở đi, các siêu thị sẽ hoạt động như các ngày bình thường trong năm.