Hành động gì khi thị trường giảm sâu?
Giữ bình tĩnh, kiên nhẫn, cơ cấu lại danh mục và đầu tư một cách có kỷ luật... là những gì nhà đầu tư cần làm khi thị trường đi xuống.
“Tham lam khi người khác sợ hãi”
Lời khuyên của Warren Buffett được viết cho các cổ đông của Tập đoàn Berkshire Hathaway vào năm 1987 nhắc tới hai "bệnh dịch" mà theo ông nó dễ gặp trên thị trường chứng khoán - Sợ hãi và tham lam. Nhận định của Buffett về hai "căn bệnh siêu lây lan" này đã thúc đẩy một trong những câu nói nổi tiếng nhất mọi thời đại của ông: "Hãy sợ hãi khi người khác tham lam và tham lam khi người khác sợ hãi". Câu nói này của Nhà tiên tri xứ Omaha được nhắc lại thường xuyên và đến nay vẫn còn giá trị.
Thị trường chứng khoán luôn phản ánh sự giằng co giữa mong muốn và kỳ vọng của nhà đầu tư đối với tương lai và nỗi sợ hãi rằng tương lai sẽ không mang màu hồng như họ hy vọng. Chừng nào đó còn là sự thật, chừng ấy những người tham gia thị trường sẽ phải chấp nhận các những nhịp gãy giá là một phần của đầu tư. Thị trường không thể loại bỏ các sóng giảm và cũng chẳng thể tránh. Những gì nhà đầu tư có thể làm là chuẩn bị thật tốt bản thân mình để sẵn sàng hành động trước cơn sóng bất ngờ, khó đoán định của thị trường.
Sau một cơn sóng tăng dài đằng đẵng từ 11/2022 đến đầu tháng 9/2023, từ đáy 877 điểm vượt lên 1.250 điểm, VN-Index đang trải qua một đợt sóng giảm mạnh trong bối cảnh thị trường chứng khoán thế giới “sụt giảm” và tác động các tin đồn về thay đổi chính sách tiền tệ.
Thị trường cũng như cơ thể con người. Sau mỗi cuộc phẫu thuật đều sẽ có những cơn đau ngắn hạn, sẽ phải cần thời gian để dưỡng sức và sau đó đều sẽ quay trở lại mạnh mẽ và khỏe mạnh hơn. Sẽ có những cơn đau ngắn hạn nhưng rồi cơ thể sẽ tự điều chỉnh và thích nghi.
Sau khi làm quen với môi trường mới, thị trường sẽ quay trở lại mạnh mẽ hơn như bao năm vẫn từng như vậy. Nhìn lại kinh tế giai đoạn năm 2011 - 2012 khi tỷ lệ nợ xấu thực ở các ngân hàng lên đến 20%, bất động sản đóng băng, nền kinh tế trì trệ… cũng chỉ mất có 3 năm để hồi phục. Các ngân hàng đã xử lý được toàn bộ những sai phạm và quay trở lại mạnh mẽ bằng những con số phát triển ấn tượng.
Nhìn lại giai đoạn COVID-19 xảy ra, nhà đầu tư nào cũng rơi vào hoảng loạn, sợ hãi, trong đó rất nhiều người bán ngay đáy và từ bỏ luôn thị trường, nhưng khi chứng khoán tăng trở lại, ai cũng ước ao “Giá mà mình đã mua khi thị trường sợ hãi”. Hiện tại, khi nền kinh tế đang phục hồi từ sau COVID-19, rủi ro thị trường phải chứng kiến là lạm phát, giá hàng hóa tăng, nhưng rõ ràng, nó không hề đáng sợ như lúc đại dịch xảy ra.
Thay vì xem thị trường hiện tại là rủi ro, nhà đầu tư hãy xem đó là cơ hội, bởi khi thị trường "chiết khấu" đủ sâu, nhiều nhóm ngành đã trở về vùng giá hấp dẫn. Ngoài ra, khi thị trường cân bằng các nhóm ngành có beta cao như Bất động sản hoặc nhóm ngành Ngân hàng đã xây nền đủ chặt đều sẽ bật tăng mạnh mẽ sau đó đến các nhóm ngành chu kỳ muộn.
“Tham lam” đúng nguyên tắc
Vậy Hành động gì khi thị trường giảm sâu? Dưới đây là những lời khuyên bổ ích:
Giữ bình tĩnh
Downtrend không phải lúc gục ngã, chê bai thị trường khó, chê bai doanh nghiệp, mà là lúc nhà đàu tư bình tâm lại để hành động. Không ai trả lời được liệu thời gian tới có suy giảm kinh tế hay không, ngày mai thị trường tăng hay giảm, nhưng nhà đầu tư có thể giải quyết được 2 điều: Làm chủ tài khoản và làm gì với danh mục của mình.
Xem lại danh mục đầu tư
Nhà đầu tư nên quan sát kĩ thị trường, nếu yếu thì hạ tỷ trọng, "chừa sức" để mua mã bật khoẻ. Cụ thể, nếu nhà đầu tư nắm giữ nhiều cổ phiếu hay sử dụng margin thì nên hạ tỷ trọng, đặc biệt cần xử lý những cổ phiếu có cơ bản không tốt và khi nắm giữ mà không thoải mái, lo lắng thì cũng nên bán cho thư thái đầu óc.
Với nhà đầu tư đứng ngoài thì tiếp tục quan sát thị trường, đợi tín hiệu Washout (rũ bỏ) thị trường. Quan trọng nhất lúc này là giữ bình tĩnh và để làm được điều này, nhà đầu tư cần đưa tài khoản về mức an toàn, nâng cao tỷ lệ tiền mặt, hạ tỷ lệ cổ phiếu. Khi thị trường hồi phục, nhà đầu tư có thể trở lại cũng không muộn.
Nhìn nhận thực tế, không suy nghĩ quá
Trường hợp thị trường giảm 10%, nhà đầu tư phải chấp nhận sự thật rằng danh mục sẽ giảm nhiều hơn 10% nếu như nhà đầu tư nắm cổ phiếu tỷ trọng cao hoặc dùng margin. Do vậy, nhà đầu tư cần đối diện thực tế, bình tĩnh hạ tỷ trọng cổ phiếu.
VN-Index giảm hơn 10% không có nghĩa ta sẽ mất hết sạch tiền, vì vậy, tuyệt đối không hoảng loạn. Thị trường là những con sóng "đi lên đi xuống". Thông thường, nhiều nhà đầu tư có xu hướng nghĩ rằng cái gì đang xảy ra sẽ diễn ra mãi mãi (hoặc ít nhất là trong tương lai gần).
Thị trường đang tăng thì cứ nghĩ nó sẽ tăng mãi mãi và thị trường giảm thì cứ nghĩ nó "cắm đầu" không biết bao giờ trở lại. Nhưng đây chính là lúc ta không được nghĩ quá mà bình tĩnh bước ra cơn bão. Sau thị trường tăng là thị trường giảm và sau thị trường giảm sẽ là thị trường tăng.
Kiên nhẫn và lạc quan
William O'Neil từng phát biểu: Chưa có người nào thành công mà lại bi quan cả. Hiện tại, nhà đầu tư có cảm giác VN-Index sẽ mãi tăm tối, nhưng thực chất, chẳng có gì là mãi mãi. Tất nhiên, tài khoản sẽ bị ảnh hưởng, nhưng đây chính là cơ hội để ta quan sát thị trường, chờ khi thị trường trở lại, chúng ta sẽ chọn được cổ phiếu tốt và chất lượng để đầu tư.
Buffett đã đưa ra rất nhiều lời khuyên đáng giá trong suốt nhiều năm qua. Theo nhà tiên tri xứ Omaha, điều chúng ta cần là sự ổn định về cảm xúc: “Bạn phải có khả năng suy nghĩ độc lập, và khi bạn đưa ra kết luận, bạn phải bỏ ngoài tai những gì người khác nói, chỉ cần làm theo bản năng và suy luận của bản thân”.