Hành trình dẫn đến khủng hoảng tại Venezuela

Theo Minh Đức/thoibaonganhang.vn

Venezuela đã từng là một quốc gia giàu có nhờ xuất khẩu dầu. Tuy nhiên sự giàu có này không tồn tại quá lâu và việc phụ thuộc vào dầu mỏ lại đưa nền kinh tế Venezuela tới một kịch bản không ngờ tới.

Ảnh minh họa. Nguồn: interrnet
Ảnh minh họa. Nguồn: interrnet

Phụ thuộc quá lớn vào dầu mỏ

Theo số liệu tới từ Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC), dầu mỏ hiện chiếm 95% lượng hàng xuất khẩu của Venezuela. Do đó, chỉ cần giá dầu biến động, nền kinh tế nước này sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. Trên thực tế, nền kinh tế Venezuela đã nhiều lần phải đối mặt với cơn sốc giá dầu và diễn biến trở nên đặc biệt tồi tệ trong những năm gần đây.

Kinh tế Venezuela chỉ duy trì được đà tăng trưởng ổn định từ thập niên 50 đến khoảng đầu thập niên 80 của thế kỷ 20 khi quốc gia này thống trị trong việc cung ứng dầu. Tuy nhiên, từ giữa thập niên 80, nguồn cung dầu mỏ trên thế giới trở nên đa dạng hơn với những thế lực mới từ Trung Đông, giá dầu giảm mạnh, nền kinh tế Venezuela đi xuống một cách nhanh chóng.

Sau cuộc khủng hoảng thừa nguồn cung dầu những năm 80, lợi nhuận từ dầu của Venezuela giảm xuống đáng kể và cuộc chiến chống lạm phát bắt đầu. Lạm phát chạm đỉnh năm 1989 (84,5%) và sau đó là năm 1996 (99,9%). Thiếu nguồn ngoại tệ khi dầu mất giá, chính phủ bắt đầu phải in thêm tiền nhằm duy trì nền kinh tế.

Năm 1998, ông Hugo Chavez nhậm chức Tổng thống với mục tiêu xóa bỏ nghèo đói và khôi phục lại thời kỳ hoàng kim của đất nước. Kế hoạch của ông Chavez lại được thực hiện bằng cách thúc đẩy ngành công nghiệp dầu mỏ. Kế hoạch ngay lập tức có hiệu quả khi giá dầu được phục hồi vào những năm 2000, nền kinh tế phần nào được phục hồi cho tới lúc ông Chavez mất năm 2013.

Tuy nhiên, ngay khi Tổng thống Hugo Chavez qua đời, nền kinh tế của quốc gia Nam Mỹ này nhanh chóng sụp đổ do thị trường dầu thô biến động mạnh. Giá dầu thô trên thế giới đã giảm mạnh từ mức hơn 100 USD/thùng năm 2014 xuống có thời điểm đáy 26 USD/thùng và hiện cũng chỉ giao động quanh mức 70 USD/thùng.

Trong khi đó, ở trong nước, các khoản đầu tư ít ỏi, trì hoãn thanh toán cho các nhà cung cấp, các biện pháp trừng phạt của Mỹ và chảy máu chất xám cũng tác động nặng nề lên ngành dầu khí của Venezuela. Kết quả là, lượng dầu thô tại quốc gia này đã sụt giảm mạnh, kết thúc năm 2017 chỉ ở mức 2.072 triệu thùng/ngày, mức thấp nhất từ năm 2014 đến nay.

Sự sụt giảm trong sản xuất dầu mỏ đã ảnh hưởng đến xuất khẩu dầu mỏ và qua đó là cả nền kinh tế Venezuela.

Chính sách kinh tế sai lầm

Bên cạnh sự phụ thuộc vào thị trường dầu mỏ, nhiều chính sách điều hành kinh tế sai lầm đã xuất hiện từ thời cố Tổng thống Hugo Chavez cũng là nguyên nhân kéo nền kinh tế Venezuela rơi vào khủng hoảng.

Để thực hiện xóa bỏ nghèo đói, chính quyền của cố tổng thống đã thực hiện biện pháp kiểm soát giá cả nhằm đảm bảo các hàng hóa cơ bản có giá phải chăng hơn cho người nghèo. Tuy nhiên, điều này đã khiến các công ty trong nước không còn động lực lợi nhuận để sản xuất các mặt hàng này, trong khi đó chính quyền thiếu ngoại tệ để nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu. Kết quả đã dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn cung các sản phẩm chủ lực trong nền kinh tế.

Bên cạnh đó, chính quyền cố tổng thống Hugo Chavez cũng thực hiện các biện pháp kiểm soát việc trao đổi ngoại tệ. Những người dân Venezuela muốn đổi tiền nội tệ sang đồng đôla phải thông qua một cơ quan tiền tệ do chính phủ điều hành. Chỉ những người được coi là có lý do hợp lệ để mua đôla, ví dụ như nhập khẩu hàng hóa, mới được phép đổi đồng nội tệ theo một tỷ lệ cố định do chính phủ quy định. Với việc nhiều người dân Venezuela không thể tự do mua bán đô la, thị trường chợ đen phát triển mạnh và là nguyên nhân khiến lạm phát gia tăng.

Hiện nay, Venezuela là quốc gia ghi nhận mức lạm phát cao nhất thế giới. Mặc dù NHTW nước này đã không công bố số liệu lạm phát kể từ năm 2015 trở lại đây, nhưng theo tính toán của nhà kinh tế học Steve Hanke từ đại học Johns Hopkins, mức lạm phát tại quốc gia này vào thời điểm tháng 4 vừa qua đã chạm ngưỡng 18 nghìn phần trăm. Thậm chí theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), lạm phát năm nay của Venezuela có thể đạt tới 1 triệu phần trăm.

Lạm phát ngày càng trở nên trầm trọng khi chính phủ vẫn tiếp tục in thêm tiền và nâng lương cơ bản. Đặc biệt trong bối cảnh các chủ nợ quốc tế không còn dám mạo hiểm cho Venezuela vay tiền, in tiền dường như là biện pháp cứu cánh cuối cùng để tài trợ cho các chi tiêu của chính phủ và tình trạng này càng khiến cho lạm phát trở nên phi mã. Lạm phát tăng theo cấp số nhân, đồng nội tệ Bolivar mất giá nhanh chóng, dự trữ ngoại hối lao dốc.

Hiện tại, để giải quyết tình trạng lạm phát phi mã, chính phủ Venezuela đã phá giá đồng bolivar tới 95%, từ mức 285.000 bolivar/USD lên 6 triệu bolivar/USD. Để làm dịu cú sốc này, chính phủ Venezuela đã thực hiện tăng lương tối thiểu tới 3.500% lên tương đương hơn 30 USD/tháng.

Cũng từ ngày 20/8, quốc gia này cũng phát hành đồng tiền mới với tên gọi là bolivar chủ quyền, trong đó đã loại bỏ đi 5 số 0 của đồng bolivar cũ. Đồng bolivar chủ quyền sẽ được neo với đồng tiền điện tử petro được chính phủ Venezuela định giá ở mức 60 USD hay 3.600 bolivar chủ quyền.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia đánh giá đây chỉ là một biện pháp mang tính nghiệp vụ kế toán chứ không thể giải quyết tận gốc rễ những vấn đề kinh tế đang tồn tại ở quốc gia Nam Mỹ này. Hiện tại, Venezuela là một trong những quốc gia nghèo nhất Mỹ Latinh.

Theo số liệu thống kê của IMF, 3 năm qua, kinh tế Venezuela đã liên tiếp rơi vào tình trạng suy thoái, trong đó năm 2018 tăng trưởng dự kiến sụt giảm khoảng 15%. Đà sụt giảm này theo dự báo của IMF sẽ kéo dài ít nhất đến hết năm 2019 và sẽ có thể còn xa hơn nếu chính phủ đương thời không có các biện pháp để cải thiện tình hình.