Hậu máy bay rơi, những đại gia Nga nào sẽ “dính đòn“?
(Tài chính) Trong khi vụ điều tra về trách nhiệm của Nga trong vụ máy bay MH17 rơi còn chưa hoàn toàn ngã ngũ, các chuyên gia kinh tế thế giới đã dự đoán về những biện pháp trừng phạt kinh tế mà Mỹ và phương Tây nhắm vào quốc gia này cũng như danh sách các đại gia và tập đoàn kinh tế lớn của Nga có thể bị liên quan.
Chuyên trang kinh tế của CNN vừa công bố danh sách 10 công ty và tỷ phú Nga được cho là thân chính phủ của Tổng thống Vladimir Putin và có thể sẽ dính phạt do ảnh hưởng của vụ rơi máy bay Malaysia Airlines MH17. Nếu các công ty và tập đoàn bị chặn nguồn vốn từ Mỹ và phương Tây cũng như giao dịch với các công ty nước ngoài thì các tỷ phú Nga có thể sẽ phải chịu các quyết định phong toả tài sản hay lệnh cấm nhập cảnh vào một số nước.
Danh sách các công ty và tỷ phú Nga có thể sẽ dính các đòn trừng phạt kinh tế của Mỹ và Phương Tây:
Rosneft: Công ty dầu mỏ lớn nhất tại Nga, thuộc sở hữu một phần của tập đoàn dầu mỏ BP của Anh và đang là đối tác của tập đoàn dầu mỏ lớn nhất nhì nước Mỹ ExxonMobil (XOM).
Công ty này hiện đã mất quyền vay vốn dài hạn tại Mỹ nhưng vẫn sở hữu một lượng tiền mặt dồi dào để lưu thông tại thị trường này cũng như có thể xuất khẩu dầu đi nhiều nước. Rosneft còn đang hoàn tất quá trình thâu tóm mảng kinh doanh dầu mỏ của tập đoàn Morgan Stanley của Mỹ.
Novatek: Công ty sản xuất khí đốt độc lập lớn nhất nước Nga. Giống như Rosneft, Novatek hiện không được phép vay vốn dài hạn tại Mỹ nhưng vẫn có nhiều cơ hội hợp tác và tìm kiếm các nhà đầu tư khác ngoài Mỹ.
VEB: Ngân hàng có chủ tịch là Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev và đang phụ trách các khoản thanh toán cho Chính phủ Nga. Dưới tác động của các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây, ngân hàng này sẽ phải tìm cách huy động vốn bằng các loại tiền tệ khác ngoài USD từ các nhà đầu tư trong nước và Ngân hàng trung ương Nga.
Gazprombank: Ngân hàng cấp vốn chính cho lĩnh vực năng lượng của Nga và có cổ đông lớn là tập đoàn sản xuất khí đốt Gazprom. Theo các chuyên gia, khả năng ngân hàng này dính án phạt kinh tế của Mỹ là cao nhưng tầm ảnh hưởng của các chính sách đó sẽ không nhiều và Gazprombank có thể sẽ vẫn sống tốt nhờ sự trợ giúp của Chính phủ Nga.
Kalashnikov: Công ty sản xuất súng lớn nhất của Nga nổi tiếng với loại súng trường AK-47. Công ty này hiện đã bị Mỹ phong tỏa tài sản và cấm giao dịch với các doanh nghiệp, cá nhân Mỹ giống 7 hãng sản xuất vũ khí lớn khác của Nga.
Tỷ phú Igor Sechin: CEO của tập đoàn Rosneft và là một trong hàng chục đại gia Nga đã bị Mỹ phong tỏa tài sản. Tỷ phú này từng tuyên bố việc cổ phiếu Rosneft giảm giá vì tin tức bị trừng phạt hồi tháng 3 chính là cơ hội mua vào của nhà đầu tư và cảnh báo việc Mỹ đưa Rosneft vào danh sách trừng phạt sẽ khiến các ngân hàng và nhà đầu tư Mỹ sẽ phải gánh chịu hậu quả.
Tỷ phú Yuri Kovalchuk: Người thân cận với Tổng thống Putin và cũng đã bị phong tỏa tài sản từ tháng 3. Tỷ phú này là cổ đông lớn nhất của Bank Rossiya - nhà băng lớn thứ 17 tại Nga và đang bị Mỹ trừng phạt. Ngân hàng do ông này sở hữu chuyên cung ứng vốn cho các ngành dầu mỏ và khí đốt và có ba chi nhánh nằm trong danh sách đen của Mỹ.
Tỷ phú Gennady Timchenko: Nhà sáng lập hãng kinh doanh năng lượng Gunvor có trụ sở tại Geneva (Thụy Sĩ) và là chủ tập đoàn Volga Group và nhiều công ty con đang bị Mỹ phong tỏa tài sản. Ông nổi tiếng trên toàn thế giới sau khi bán sạch cổ phiếu trong Gunvor chỉ 2 ngày trước khi bị công bố có tên trong danh sách trừng phạt của Mỹ.
Tỷ phú Sergei Chemezov: Giám đốc của Rosneft và là người được ông Putin chỉ định điều hành Rostec, tập đoàn nhà nước quản lý 13 công ty con, 8 trong số đó hoạt động trong mảng công nghiệp quốc phòng.
Anh em tỷ phú Boris và Arkady Rotenberg: Anh em nhà Rotenberg được cho là có mối quan hệ thân thiết với ông Putin từ lâu và đã hỗ trợ các dự án của ông Putin thông qua việc tiếp nhận và thực hiện các hợp đồng trị giá 7 tỷ USD trong Olympic Sochi tại Nga. Họ sở hữu hai nhà băng chịu sự trừng phạt của Mỹ là InvestCapitalBank và SMP Bank.