Hãy suy nghĩ “Quốc tế hóa”
(Tài chính) GS. Harold de Walque, thuộc Trường kinh tế và quản lý Solvay (Bỉ), diễn giả chính tại hội thảo quốc tế về Lãnh đạo và Quản lý diễn ra tại Hà Nội ngày 17/7, chia sẻ xung quanh câu chuyện doanh nghiệp Việt Nam mở rộng đầu tư ra nước ngoài.

GS. Harold de Walque
GS. Harold de Walque: Theo tôi, các cụm từ “Kinh doanh ngoại biên” hay “Mở rộng thương mại quốc tế” sẽ nhanh chóng trở nên phổ biến tại Việt Nam, khi các bạn hội nhập nhanh hơn, rộng hơn vào nền kinh tế và thương mại quốc tế. Dần dần, anh sẽ để ý một hiện tượng mang tính toàn cầu diễn ra, đó là quá trình này (mở rộng thương mại quốc tế) sẽ trở nên bình thường như kinh doanh ở Hà Nội đối với các doanh nghiệp Việt Nam trên địa bàn thành phố này.
Lý giải cho điều này, theo kinh nghiệm của tôi, thì đó là tác động của sự thay đổi cấu trúc trong kinh doanh. Các rào cản cho phát triển ngoại biên bị gỡ bỏ (chẳng hạn như các hiệp định thương mại ASEAN được ban hành, cơ sở hạ tầng được nâng cao, hệ thống ngân hàng được mở rộng và phát triển…) và bản chất của kinh doanh cũng thay đổi theo như một kết quả tất yếu (theo đó, Internet khiến thế giới trở nên không biên giới). Những sự thay đổi này, như anh thấy, không những tác động lên các tập đoàn lớn mang tính đa quốc gia, mà ngay cả các công ty nhỏ nhất cũng có khả năng chịu ảnh hưởng.
Do vậy, sự thay đổi trên cũng có khả năng kéo theo sự thay đổi cho mỗi cá nhân. Tầng lớp doanh nhân và các nhà quản lý sẽ được phân chia làm hai nhóm rõ rệt, bao gồm nhóm quốc tế và nhóm nội địa. Tôi đang đề cập trên khía cạnh nhận thức và kinh nghiệm làm việc. Câu hỏi được đặt ra ở đây là vậy thì cuộc cách mạng này cần bao nhiêu thời gian? Theo tôi được biết thì nó đã diễn ra và đang bùng nổ mạnh mẽ.
Yếu tố nào quan trọng nhất cho doanh nghiệp khi tìm chỗ đứng trên thương trường quốc tế, đặc biệt về mặt cạnh tranh toàn cầu?
Theo kinh nghiêm thực tế của tôi, việc kinh doanh các sản phẩm hay dịch vụ trên thị trường quốc tế không phụ thuộc vào việc bạn có văn phòng ở nước ngoài hay không. Bởi như tôi đã đề cập, quá trình toàn cầu hóa diễn ra ngày càng nhanh hơn, hay nói cách khác thế giới này không có biên giới nữa, cho nên ngày nay bạn hoàn toàn có thể kinh doanh ở thị trường Mỹ hay châu Âu trong khi chỉ cần có một văn phòng ở Hà Nội. Hãy nhìn vào các hãng cung cấp dịch vụ Internet quốc tế nổi tiếng hàng đầu trên thế giới. Bạn có quan tâm họ đến từ đâu hay văn phòng của họ được đặt tại đâu không? Liệu có ai còn thực sự quan tâm đến những điều này? Tất cả những gì bạn cần là tính chuyên nghiệp hàng đầu và vấn đề làm sao tìm đúng thị phần cho mình để thâm nhập vào thị trường đó.
Ông có cho rằng bây giờ là thời điểm thích hợp nhất cho doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập vào thị trường quốc tế không và lý do tại sao?
Như chúng ta đều biết, trước đây các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu tập trung vào thị trường nội địa. Tuy nhiên, ngày nay họ nhận ra cơ hội phát triển ra nước ngoài (mở rộng thị trường và điều này tương đối dễ thực hiện), nhưng đồng thời họ cũng nhận thức điều này là cần thiết vì các đối thủ (trong và ngoài nước) cũng đều làm tương tự để mở rộng quy mô; thêm vào đó nó cũng nhằm làm giảm sự phụ thuộc vào sự tăng trưởng hay suy thoái của một thị trường duy nhất.
Tuy nhiên, cần thừa nhận một điều là việc thay đổi tư duy không bao giờ dễ dàng. Tôi luôn luôn hy vọng các tấm gương thành công như các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực game và các ứng dụng sẽ tạo ra nguồn động lực lớn cho các doanh nghiệp khác bứt phá và vươn lên. Ngoài ra, thời điểm này giới trẻ Việt Nam cũng đang được rất nhiều yếu tố khách quan hỗ trợ, tạo ra niềm tin to lớn rằng họ cần khám phá thế giới, yếu tố quan trọng mang lại cho họ các cơ hội phát triển toàn cầu như các trường đào tạo hay các phương tiện truyền thông đang làm.
Lý lịch của ông khá ấn tượng: ông đã từng tạo lập thành công ba công ty trong các lĩnh vực dịch vụ và công nghệ thông tin (Transwide, Bancam International Ltd, Darts-ip), cũng như khá am hiểu môi trường kinh doanh Việt Nam sau ba năm sống và làm việc tại đây. Đâu là lời khuyên của ông dành cho những doanh nhân và nhà quản lý Việt Nam khi có ý định mở rộng kinh doanh ra ngoài biên giới đất nước?
Tôi có thể nói một cách ngắn gọn thế này như tôi đã nói ở trên về tính chuyên nghiệp hóa: một khi anh xác định làm việc trong môi trường quốc tế thì xuất phát điểm ban đầu của anh không còn quan trọng, người ta chỉ đánh giá anh qua chất lượng sản phẩm hoặc dịch vụ anh cung cấp, trong khi anh phải tự đấu tranh với các nguồn lực ban đầu của mình.
Các doanh nghiệp Việt cũng có thể biến các trở ngại về các phương thức kinh doanh hiện đại nhất, chẳng hạn như inbound marketing (thủ thuật tiếp cận khách hàng tiềm năng bằng cách cung cấp các thông tin bổ ích và để họ tự nguyện tham gia vào mạng lưới khách hàng tiềm năng) thành công cụ an toàn cho mình để nhanh chóng bắt kịp môi trường kinh doanh toàn cầu. Cho dù bằng cách này hay cách khác, điều quan trọng nhất tôi nhấn mạnh vẫn là sự thay đổi tư duy: hãy suy nghĩ “quốc tế hóa” (hướng tới khu vực hoặc toàn cầu) ngay từ khi ý tưởng kinh doanh xuất hiện!