Hệ lụy khi tài sản bảo đảm không được xử lý

Theo thoibaonganhang.vn

Khi phát sinh các khoản nợ xấu, buộc các tổ chức tín dụng (TCTD) phải đánh giá lại bản thân mình, đánh giá lại quá trình cấp tín dụng. Có thể đưa ra các tiêu chuẩn về điều kiện cấp tín dụng chặt chẽ hơn so với các quy định hiện hành. Trong bối cảnh hiện nay, việc này sẽ khiến cho cơ hội tiếp cận tín dụng của các tổ chức, cá nhân sẽ càng khó khăn hơn.

Hệ lụy khi tài sản bảo đảm không được xử lý
Không xử lý được tài sản bảo đảm, nợ xấu của TCTD sẽ tăng lên. Nguồn: thoibaonganhang.vn

Khi TCTD “cầu cứu”, Tòa án không thụ lý đơn khởi kiện khách hàng bỏ trốn, che giấu địa chỉ, thì tài sản bảo đảm sẽ không được xử lý. Khách hàng vẫn phải tiếp tục nghĩa vụ trả nợ và phải chi phí lớn nếu quá trình xử lý tài sản bảo đảm kéo dài. Mặt khác, khi nợ xấu tăng, ngân hàng sẽ siết chặt quy trình cấp tín dụng, nghĩa là cơ hội tiếp cận vốn của khách hàng với TCTD sẽ khó khăn hơn…

Thiệt hại “kép”

Về nguyên tắc, các TCTD hoàn toàn có thể phát mại khối tài sản bảo đảm này nếu thu giữ được. Tuy nhiên, một khi khách hàng bỏ trốn, che giấu địa chỉ thì việc thu giữ được tài sản là rất khó khăn, cực chẳng đã các TCTD mới “cầu cứu” đến tòa án thụ lý giải quyết để kết luận bị đơn vi phạm nghĩa vụ trả nợ và giao tài sản cho TCTD quản lý và xử lý đấu giá công khai. Các TCTD mong muốn xử lý sớm khối tài sản bảo đảm không chỉ nhằm thu hồi vốn mà còn tránh thiệt hại cho khách hàng, TCTD và cả nền kinh tế.

Bởi về nguyên tắc, trong quá trình xử lý khoản nợ, khách hàng vẫn phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ trả nợ cả gốc, lãi vay và lãi phạt cho đến khi xử lý xong tài sản. Thời gian xử lý tài sản bảo đảm càng lâu, càng qua nhiều cấp, chi phí cho xử lý tài sản càng lớn và tất cả chi phí này đều trừ vào giá trị thu hồi được từ tài sản.

Như vậy, không chỉ về phía TCTD mà phía khách hàng cũng bị thiệt hại không nhỏ. Các cơ quan tố tụng cũng cần phải ý thức được việc này bởi tốc độ xử lý đẩy nhanh sẽ giúp khách hàng bớt chi phí, bớt khoản lãi suất phải trả cho các TCTD.

Về phía các TCTD, khi một khoản vay quá hạn chưa thu hồi được vốn sẽ phải chuyển vào nhóm nợ có độ rủi ro cao hơn. Theo phân loại nợ, nhóm nợ càng cao, nguy cơ mất vốn càng lớn. Các TCTD ngoài việc bị hao hụt vốn, sẽ ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh bởi sẽ phải trích lập dự phòng rủi ro theo quy định. Không những thế, các TCTD còn phải tăng chi phí phát sinh để xử lý khoản nợ.

Hơn nữa, khi phát sinh những khoản nợ xấu như vậy, buộc các TCTD phải đánh giá lại bản thân mình, đánh giá lại quá trình cấp tín dụng. Có thể đưa ra các tiêu chuẩn về điều kiện cấp tín dụng chặt chẽ hơn so với các quy định hiện hành. Trong bối cảnh hiện nay, việc này sẽ khiến cho cơ hội tiếp cận tín dụng của các tổ chức, cá nhân sẽ càng khó khăn hơn.

Không những thế, theo đại diện một TCTD, khi không xử lý được tài sản bảo đảm, nghĩa là nợ xấu của TCTD tăng lên. Điều này sẽ ảnh hưởng xấu đến thương hiệu của ngân hàng khi hệ số tín nhiệm sụt giảm. Trong khi quan hệ với đối tác quốc tế, nếu tỷ lệ nợ xấu luôn duy trì ở mức thấp, các định chế tài chính, khách hàng bên ngoài hay đối tác của TCTD sẽ yên tâm hơn khi quyết định hợp tác đầu tư. Khi đó, TCTD sẽ là cầu nối để thu xếp những khoản tài chính lớn, giá rẻ, phục vụ phát triển kinh tế.

Bảo vệ quyền chủ nợ - cần biện pháp mạnh hơn

Theo các chuyên gia pháp luật, trong nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường, các quan hệ tài sản dựa trên quyền sở hữu, vai trò của cơ chế pháp luật bảo vệ quyền chủ nợ hiệu quả thể hiện dưới hai khía cạnh: cho phép chủ nợ có quyền phong toả tài sản của con nợ, bán các tài sản này để thu hồi nợ khi con nợ mất khả năng thanh toán và không thể phục hồi.

Trên thực tế, hoạt động tín dụng luôn tiềm ẩn rủi ro. Vì vậy, hầu hết các quốc gia đều quan tâm xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về xử lý nợ mất khả năng thanh toán của các doanh nghiệp (DN). Bởi lẽ chúng đóng vai trò là nền tảng giúp cho các quốc gia trong quá trình nâng cao tính vững chắc của hệ thống các TCTD và ổn định nền kinh tế, bảo vệ quyền lợi cho các chủ nợ là các TCTD và tăng cường trách nhiệm của các khách hàng vay vốn là các DN.

Khi đó, nó sẽ giúp giảm chi phí cấp tín dụng của các TCTD, tạo điều kiện dễ dàng tiếp cận nguồn vốn ngân hàng. Việc chiếm dụng vốn vay phổ biến, tràn lan sẽ làm suy yếu nghiêm trọng hiệu quả của cả hệ thống tài chính. Chính vì vậy, bảo vệ chủ nợ bằng hệ thống luật pháp là biện pháp hiệu quả nhất để hạn chế tình trạng chiếm dụng vốn trong nền kinh tế.

Quan trọng hơn, nó còn góp phần thực hiện mục tiêu an toàn và lành mạnh của hệ thống ngân hàng. Bởi lẽ việc xây dựng và kiện toàn hệ thống pháp luật về xử lý nợ mất khả năng thanh toán và bảo vệ quyền chủ nợ sẽ làm gia tăng tính chủ động trong kế hoạch kinh doanh của các TCTD thông qua những quy định mức độ quyền lợi của các chủ nợ, qua đó nâng cao tính ổn định cho từng TCTD nói riêng và toàn hệ thống nói chung.

Ngoài ra, với những ràng buộc về pháp lý, các điều khoản về quá trình xử lý tài sản đảm bảo quy định trong pháp luật về xử lý nợ mất khả năng thanh toán sẽ là áp lực cần thiết và hiệu quả đối với các khách hàng trong quá trình sử dụng nguồn vốn vay.

Theo các chuyên gia pháp luật một cơ chế pháp luật bảo vệ quyền chủ nợ hiệu quả có vai trò quan trọng đối với cả nền kinh tế cũng như đối với từng TCTD, DN.

Cụ thể, đối với nền kinh tế, khi pháp luật bảo vệ quyền chủ nợ sẽ giúp nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực của xã hội. Một hệ thống xử lý nợ mất khả năng thanh toán và bảo vệ quyền chủ nợ hữu hiệu sẽ cho phép giải phóng nguồn lực của xã hội ra khỏi các khu vực sử dụng yếu kém và tái phân bổ đến những các khu vực sử dụng có hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, nó còn tạo dựng và duy trì niềm tin của nhà đầu tư, góp phần nâng cao tính ổn định và nhịp độ phát triển của nền kinh tế.