Hệ luỵ từ việc chậm di dời trụ sở của các bộ, ngành
9 cơ quan được cấp đất di dời khỏi nội đô thì tới 7 cơ quan vẫn giữ đất cũ trong nội đô, 2 cơ sở được chuyển mục đích sử dụng đất và chưa có khu đất nào được sử dụng cho mục đích công cộng.
Để di dời trụ sở một số cơ quan bộ, ngành, nhà máy xí nghiệp ra nội đô, Chính phủ đã có lộ trình từ năm 2005, đồng thời, đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng xây dựng công trình mới. Nhưng việc thu hồi trụ sở cũ vẫn chậm chạp, gây lãng phí lớn đối với ngân sách nhà nước.
Theo ông Phạm Hồng Hà - Bộ trưởng Bộ Xây dựng, việc di dời trụ sở các cơ quan ra khỏi các quận nội thành được thực hiện theo quyết định của Chính phủ có từ năm 1997 và lộ trình bắt đầu từ năm 2005. Hiện đã có 9 cơ quan, bộ, ngành di dời sang trụ sở mới từ năm 2012.
Ba phương án di chuyển
Tính đến nay, vẫn còn trên 10 bộ, ngành chưa di dời ra khỏi khu vực nội đô. Điều đáng nói là các cơ quan bộ, ngành này đang sở hữu những vị trí được coi là "đất vàng" của nội đô.
Nhiều chuyên gia cho rằng bên cạnh việc khó bố trí kinh phí di dời, một nguyên nhân khác mà các cơ quan còn "chây ì" là do những mảnh đất này có giá trị bất động sản cao.
Trở lại vấn đề vào thời điểm tháng 3/2019, Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (VIUP) gửi Bộ trưởng Bộ Xây dựng báo cáo bổ sung phương án quy hoạch xây dựng hệ thống trụ sở làm việc các bộ, ngành Trung ương tại Thủ đô.
Phương án tài chính phục vụ cho việc di dời bộ, ngành cân nhắc dựa trên các nguồn lực, trong đó có nguồn cân đối từ ngân sách, nguồn từ việc đấu giá những khu đất cũ của các cơ quan.
Theo đề xuất, có 3 phương án di dời các bộ, ngành. Phương án thứ nhất, di chuyển trụ sở các bộ, ngành về khu vực Tây Hồ Tây.
Theo phương án này, trụ sở 12 bộ, ngành gồm: Kế hoạch Đầu tư, Công Thương, Tư pháp, Xây dựng, Giao thông Vận tải, LĐ-TB&XH, Y tế, NN&PTNT, VH-TT&DL, TT&TT, GD&ĐT, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam sẽ được chuyển về Tây Hồ Tây. Riêng BHXH Việt Nam đang xây dựng tại Mễ Trì Hạ.
Phạm vi quy hoạch là 35ha, bình quân mỗi cơ quan 1,5 - 2ha. Tổng số người làm việc dự kiến khoảng 14.000 người, số người làm việc bình quân 1.000 - 1.500 người/cơ quan; tầng cao bình quân dự kiến khoảng 15 - 20 tầng/cơ quan; tầng ngầm 3 - 4 tầng/cơ quan.
Nhu cầu tài chính khoảng 11.897 tỷ đồng, nguồn vốn được huy động từ chuyển đổi 50ha tại Mễ Trì Hạ thu về 10.000 tỷ đồng, vốn chuyển đổi đất trụ sở cũ khoảng 1.897 tỷ đồng.
Phương án thứ hai, sẽ di chuyển toàn bộ các bộ, ngành này về khu vực Mễ Trì Hạ. Và phương án 3 di chuyển các bộ, ngành về cả hai khu vực Tây Hồ Tây và Mễ Trì Hạ.
Tại phiên trả lời chất vấn những vấn đề nóng của Bộ Xây dựng chiều 4/6, một số đại biểu đã đặt vấn đề với Bộ trưởng Phạm Hồng Hà về phương án di dời, giải pháp của Bộ.
Chậm di dời
Bộ trưởng Phạm Hồng Hà, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết từ thập kỷ trước, nêu rõ trách nhiệm của từng cơ quan cụ thể. Trong đó, xác định Hà Nội có trách nhiệm lập danh mục, lộ trình, cách thức di dời cụ thể, xác định bố trí quỹ đất phục vụ việc di dời.
Bộ Xây dựng có trách nhiệm đưa ra lộ trình cụ thể việc di dời trụ sở các bộ, ngành. Bộ Y tế, Bộ giáo dục và Đào tạo, Bộ LĐ-TB&XH có trách nhiệm lập danh mục với việc di dời các cơ sở y tế, trường học, cơ sở đào tạo nghề; Bộ Tài chính có trách nhiệm lập phương án tài chính để khai thác các quỹ đất liên quan.
Bộ trưởng Phạm Hồng Hà thừa nhận tình hình hiện tại, việc di dời được thực hiện rất chậm, dù Hà Nội đã bố trí quỹ đất cho một số khu vực di dời.
"Mới chỉ có một số bệnh viện di dời đến cơ sở mới như bệnh viện ung bướu, nội tiết. Với các trường học, hiện tại các cơ quan chưa lập được danh mục cơ sở cụ thể phải di dời", Bộ trưởng Bộ Xây dựng nhấn mạnh.
Trước nội dung trả lời của Bộ trưởng Phạm Hồng Hà chưa thỏa đáng, đại biểu Trần Thị Dung (Điện Biên) cho rằng Bộ trưởng nói đã hoàn thành trách nhiệm của mình. Tuy nhiên, Luật Thủ đô đã được thông qua vào năm 2012 và đến nay có hiệu lực. Một trong những điều không đi vào cuộc sống là việc không di dời được hết các trụ sở bộ, ngành khỏi nội đô.
Theo quy định của Luật Thủ đô, quỹ đất sau khi di dời sẽ được ưu tiên để xây dựng công trình công cộng, nhưng trên thực tế, rất nhiều chung cư được xây dựng trên nền đất này.
9 cơ quan được bố trí quỹ đất chuyển ra nội đô thì 7 cơ quan giữ lại cơ sở cũ, 2 cơ quan được chấp nhận chuyển đổi mục đích sử dụng sang đầu tư xây dựng nhà ở văn phòng, cao tầng, không có khu đất nào được xây dựng công trình công cộng. Chưa có cơ sở giáo dục nào được di dời ra ngoại thành, thậm chí chưa được giao đất.
"Sự chậm trễ này gây ra hệ luỵ hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội, quy mô dân số đi ngược lại với mục tiêu ban đầu khi di dời nhà máy, cơ quan, xí nghiệp", đại biểu Dung nhấn mạnh.
Liên quan đến phần tranh luận của đại biểu Dung, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết Bộ đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề án phê duyệt quy hoạch di dời trụ sở, trong đó đã đề cập đến địa điểm, số lượng trụ sở di dời, các nguồn lực để thực hiện trụ sở này.