Hệ thống Quản lý ngân quỹ: Đảm bảo “sân chơi” bình đẳng, minh bạch cho các bên tham gia
Theo Kho bạc Nhà nước, hệ thống Quản lý ngân quỹ dự kiến đưa vào vận hành hoạt động từ ngày 1/12/2020 sẽ giúp hoạt động gửi có kỳ hạn ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi tại ngân hàng thương mại của Kho bạc Nhà nước được bảo mật, khách quan, công khai và minh bạch.
Lộ trình xây dựng và vận hành Hệ thống Quản lý ngân quỹ
Triển khai Nghị định số 24/2016/NĐ-CP ngày 5/4/2016 của Chính phủ về quy định chế độ quản lý ngân quỹ nhà nước (NQNN) và Thông tư số 64/2019/TT-BTC ngày 16/9/2019 của Bộ Tài chính hướng dẫn một số điều tại Nghị định số 24/2016/NĐ-CP, Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã tập trung xây dựng Hệ thống quản lý ngân quỹ (QLNQ) và nghiên cứu cách thức thực hiện việc gửi có kỳ hạn NQNN tạm thời, nhàn rỗi tại các ngân hàng thương mại (NHTM).
Theo đó, KBNN thực hiện lộ trình gửi có kỳ hạn NQNN tạm thời, nhàn rỗi tại các NHTM được triển khai theo 2 giai đoạn sau:
Giai đoạn 1 (từ 1/1/2020 đến 31/12/2020)
Thực hiện gửi có kỳ hạn NQNN tạm thời nhàn rỗi tại NHTM theo phương thức bán điện tử; trong đó, thực hiện điện tử một số bước sau: (i) Thông báo kết quả lựa chọn NHTM dự kiến gửi tiền có kỳ hạn; (ii) Thông báo nhu cầu gửi tiền có kỳ hạn của KBNN; (iii) Thông báo kết quả lựa chọn NHTM để gửi tiền có kỳ hạn, mở bản chào nhận tiền gửi.
Giai đoạn 2 (từ 1/1/2021)
Thực hiện gửi có kỳ hạn NQNN tạm thời nhàn rỗi tại NHTM theo phương thức điện tử qua Hệ thống QLNQ. Hệ thống này gồm 2 phần:
- Phần “Back- end” (phần dành cho KBNN): Được cài đặt trong mạng WAN của Bộ Tài chính, gồm các chức năng sau: (i) Đánh giá, lựa chọn NHTM dự kiến gửi tiền có kỳ hạn; (ii) Tính toán, thiết lập các hạn mức giao dịch; (iii) Nhận bản chào nhận tiền gửi từ các NHTM; (iv) Mở bản chào; (v) Xác định kết quả; (vi) Quản lý hợp đồng, phụ lục hợp đồng, quản lý thanh toán và báo cáo.
Theo quy định tại Thông tư số 64/2019/TT-BTC, tất cả các ngân hàng thương mại được đánh giá, lựa chọn vào danh sách dự kiến gửi tiền có kỳ hạn của Kho bạc Nhà nước sẽ được tham gia vào Hệ thống Quản lý ngân quỹ với vai trò như nhau, tất cả các bản chào nhận tiền gửi của ngân hàng thương mại được ký duyệt bằng chữ ký số và được mã hóa, đảm bảo an toàn, bảo mật.
- Phần “Front- end” (Phần dành cho NHTM): Mở ra internet, cung cấp các chức năng sau: (i) Nhận các thông báo từ KBNN; (ii) Chào nhận tiền gửi có kỳ hạn của KBNN; (iii) Tra cứu, tải các văn bản của KBNN; (iv) Kết nối với hệ thống chứng thực chữ ký số để ký chữ ký số.
Như vậy, với các chức năng trên, Hệ thống QLNQ sẽ giúp hoạt động gửi có kỳ hạn NQNN tạm thời, nhàn rỗi tại NHTM của KBNN được bảo mật, khách quan, công khai và minh bạch; đồng thời, giúp đơn giản hóa thủ tục, giảm thiểu thời gian thực hiện.
Lợi ích của các bên tham gia Hệ thống Quản lý ngân quỹ
Theo KBNN, Hệ thống QLNQ dự kiến sẽ được đưa vào vận hành hoạt động từ ngày 1/12/2020, sớm hơn lộ trình đề ra 1 tháng. Tham gia vào Hệ thống QLNQ, các bên sẽ đạt lợi ích sau:
Về phía NHTM
Lợi ích lớn nhất mà Hệ thống QLNQ mang lại cho NHTM chính là tạo ra một “sân chơi” bình đẳng, minh bạch. Theo quy định tại Thông tư số 64/2019/TT-BTC, tất cả các NHTM được đánh giá, lựa chọn vào danh sách dự kiến gửi tiền có kỳ hạn của KBNN sẽ được tham gia vào Hệ thống QLNQ với vai trò như nhau, tất cả các bản chào nhận tiền gửi của NHTM được ký duyệt bằng chữ ký số và được mã hóa, đảm bảo an toàn, bảo mật.
Thời gian nhận bản chào được thiết lập sẵn trên Hệ thống QLNQ và được quản lý bằng tham số, cho phép Hệ thống QLNQ tự động từ chối nhận các bản chào được gửi sau thời gian quy định, đảm bảo công bằng, minh bạch trong khâu nhận bản chào từ các NHTM.
Việc triển khai và tham gia Hệ thống QLNQ tại các NHTM nhanh chóng, thuận tiện, do Hệ thống QLNQ không đòi hỏi cao về điều kiện hạ tầng kỹ thuật. NHTM chỉ cần có máy tính kết nối internet, có chứng thư số của người đại diện và chứng thư số của NHTM và đăng ký cấp tài khoản người sử dụng thành công với KBNN.
Hệ thống QLNQ cũng cung cấp các tiện ích cho người sử dụng của NHTM như gửi email thông báo đến địa chỉ thư điện tử của người sử dụng, hiển thị các thông báo “nhắc việc” ngay trên trang chủ của Hệ thống.
Hệ thống QLNQ cũng sẽ giúp NHTM thực hiện chào nhận tiền gửi có kỳ hạn của KBNN nhanh chóng, tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại để giao nhận các văn bản giấy, nhất là trong bối cảnh Việt Nam và thế giới đang phải đối diện với đại dịch Covid-19 như hiện nay.
Về phía KBNN
Lợi ích đầu tiên mà Hệ thống QLNQ đem lại cho KBNN là đảm bảo tính khách quan, minh bạch, chính xác, do hạn chế tối đa sự tham gia của con người trong quá trình thực hiện đánh giá, lựa chọn NHTM, cụ thể: Hệ thống QLNQ tự động thực hiện việc tính toán, chấm điểm đánh giá, kết xuất danh sách các NHTM dự kiến gửi tiền có kỳ hạn; đồng thời, tự động xác định kết quả lựa chọn NHTM để gửi tiền có kỳ hạn (gồm khối lượng, lãi suất gửi tương ứng từng kỳ hạn tại từng NHTM, trên cơ sở các bản chào nhận tiền gửi của các NHTM, lãi suất gửi có kỳ hạn NQNN tối thiểu cho từng kỳ hạn). Đặc biệt, tính bảo mật được đảm bảo trong suốt quá trình chào, nhận bản chào, mở bản chào do Hệ thống QLNQ được thiết kế, xây dựng để không thể có bất cứ sự can thiệp của con người vào việc mã hóa bản chào, hay xem được bản chào trước giờ mở.
Bên cạnh đó, việc triển khai thực hiện quy trình gửi có kỳ hạn NQNN tạm thời nhàn rỗi tại NHTM qua Hệ thống QLNQ cũng giúp KBNN quản lý NQNN an toàn, hiệu quả hơn thông qua các chức năng hỗ trợ KBNN kiểm soát rủi ro như: Việc áp dụng nguyên tắc “bốn tay, bốn mắt” đối với tất cả các thao tác trên Hệ thống; Tách bạch rõ người thiết lập các hạn mức và người thực hiện giao dịch trên hệ thống để ngăn chặn các giao dịch vượt hạn mức đã được phê duyệt; Chức năng quản lý thanh toán, báo cáo nhằm theo dõi, quản lý nguồn tiền ra, vào từ hoạt động gửi có kỳ hạn NQNN tạm thời nhàn rỗi tại NHTM.
Ngoài ra, việc điện tử hóa quy trình, thủ tục gửi tiền có kỳ hạn tại NHTM, nhất là việc KBNN triển khai ký Phụ lục Hợp đồng gửi tiền điện tử với các NHTM sẽ giúp rút ngắn thời gian thực hiện các giao dịch gửi tiền, giúp KBNN vừa giảm thiểu các thao tác thủ công, vừa tối ưu hóa nguồn tiền nhàn rỗi.