Hiện đại hóa nghề cá để phát triển bền vững

Theo Việt Nguyễn/Báo Quảng Nam

Quảng Nam đang hướng đến tuyên truyền cho ngư dân đầu tư hiện đại hóa nghề cá để tăng năng lực sản xuất, loại bỏ các cách thức khai thác kiểu tận diệt để tạo cú hích cho phục hồi và phát triển bền vững nguồn lợi hải sản.

Tàu vỏ thép của ngư dân Nguyễn Văn Nghị vừa cập bờ bán hải sản. Ảnh: Việt Nguyễn
Tàu vỏ thép của ngư dân Nguyễn Văn Nghị vừa cập bờ bán hải sản. Ảnh: Việt Nguyễn

Khai thác hiệu quả

Do dịch bệnh COVID-19, không thể bán hải sản ở cảng cá Thọ Quang (TP. Đà Nẵng), ngư dân Phạm Văn Lâm (thôn Tân An, xã Bình Minh, Thăng Bình) - chủ tàu cá QNa-94509 có công suất 718CV hành nghề lưới vây phải cập bờ bán cá ở bến Tân An (Bình Minh). Do không thể bán được lượng hải sản lớn như mọi khi, nên ở mỗi mùa trăng ông Lâm phải liên tục cho tàu vào bờ, khiến chi phí sản xuất mỗi tháng tăng đến hơn 1/3 so với trước.

Tuy vậy, ông Lâm vẫn phấn khởi vì những chuyển biến vừa qua rất đạt sản lượng. Các loại cá nục suông, cá ngừ sọc dưa, cá chim, bánh lái, cá tín, cá thu rất tươi nên vẫn được giá trong bối cảnh giá hải sản sụt giảm do dịch COVID-19.

Tính chung mỗi tháng với 10 chuyến biển, tàu ông Lâm thu được 40 tấn hải sản, bán được hơn 1 tỷ đồng, lãi 800 triệu đồng/tháng, trong đó chủ tàu thu được 400 triệu đồng, mỗi bạn biển được chia 40 triệu đồng.

Ông Lâm chia sẻ, tàu khai thác hải sản hiệu quả là nhờ đã đầu tư máy dò cá đứng, trang bị hệ thống tời thu lưới thủy lực. Trong thời gian đến, sẽ đầu tư thêm máy dò cá ngang, máy định vị, định dạng, hầm bảo quản hải sản bằng PU để tăng thêm năng lực đánh bắt và bảo quản hải sản tốt hơn.

Tại Núi Thành, tàu vỏ thép QNa-91439 có công suất 822CV của ngư dân Nguyễn Văn Nghị (thôn Sâm Linh Đông, xã Tam Quang) cũng vừa cập cảng cá Tam Quang để bán hải sản sau 20 ngày hành nghề lưới chụp ở ngư trường Hoàng Sa. Chuyến biển bội thu, đạt 40 tấn hải sản lại có thêm 5 tấn mực khô, các ngư dân có nguồn thu nhập lớn.

Trên tàu cá QNa-91439, anh Nghị bố trí 8 hầm bảo quản hải sản lạnh, đầu tư thêm giàn phơi khô mực. Chủ tàu và 12 lao động tranh thủ thời gian bám biển để vừa chụp cá, mực, bảo quản lạnh vừa câu mực để phơi khô.

Anh Nghị cho biết, máy dò cá ngang đã phát huy tác dụng rất lớn, có thể nhận biết hoạt động của đàn cá trong phạm vi hơn 7 hải lý. Hệ thống 4 tăng gông được đầu tư hiện đại nên chụp cá rất nhanh, chính xác. Vàn lưới chụp có chu vi miệng lưới hơn 200m nên phạm vi đánh bắt hải sản vừa sâu vừa rộng.

Tiếp sức ngư dân

Quảng Nam hiện chưa có nhiều tàu cá được đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại để tăng hiệu quả khai thác hải sản như các trường hợp nêu trên. Tổng sản lượng hải sản khai thác mỗi năm của tỉnh khá cao (90 nghìn tấn) nhưng không phải do trình độ khai thác tiên tiến mà do khai thác vào mùa các loài hải sản sinh sản, xâm phạm vùng cấm đánh bắt (khu vực bảo tồn biển Cù Lao Chàm, xã đảo Tân Hiệp, TP.Hội An), khai thác không sàng lọc (đánh bắt tôm hùm nhí), hủy diệt nguồn lợi hải sản (sử dụng lưới mắt nhỏ, chất nổ).

Chất lượng hải sản còn thấp do xử lý và bảo quản chưa đạt yêu cầu kỹ thuật, dùng đá xay, ướp muối theo phương pháp truyền thống, tổn thất sau thu hoạch lớn. Đội ngũ thuyền trưởng, thuyền viên chưa được đào tạo phù hợp để đủ khả năng vận hành, sử dụng phương tiện lớn, hiện đại.

Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, tiếp tục giải quyết các yếu điểm đó, nhất thiết phải hiện đại hóa nghề cá, phát triển bền vững. Quảng Nam đã tiếp sức ngư dân hiện đại hóa nghề cá bằng cách hỗ trợ đầu tư máy dò cá ngang, hỗ trợ trang bị hầm bảo quản hải sản bằng PU, sử dụng đèn led, sử dụng năng lượng mặt trời, hỗ trợ trang bị máy liên lạc gắn thiết bị định vị vệ tinh...

Các chính sách trên bước đầu phát huy hiệu quả, giúp cộng đồng ngư dân trao đổi, học hỏi lẫn nhau, tiếp cận, lan tỏa cách đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại cho nghề khai thác hải sản. Đó sẽ là động lực để ngư dân khắc phục khó khăn, bám biển sản xuất ngày càng năng động, sáng tạo hơn, góp phần giữ vững quốc phòng - an ninh trên các vùng biển, đảm bảo ổn định nguồn thực phẩm, nguồn nguyên liệu cho chế biến hải sản phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Trong thời gian đến, Quảng Nam tuyên truyền, nhân rộng các mô hình hiện đại hóa nghề cá để tăng năng lực sản xuất, đảm bảo chất lượng, giá trị hải sản khai thác được. Qua hỗ trợ ngư dân sử dụng máy liên lạc có gắn thiết bị định vị vệ tinh, ngành chức năng kiểm soát chặt chẽ các phương thức khai thác, giảm dần nghề khai thác thiếu lựa chọn, tạo cú hích cho phục hồi và phát triển nguồn lợi hải sản, phát triển bền vững.

Chi cục Thủy sản Quảng Nam cho biết, sản lượng khai thác hải sản toàn tỉnh trong tháng 8 đạt 9.600 tấn, tăng 1.600 tấn so với cùng kỳ; tính chung 8 tháng đạt 72 nghìn tấn, tăng hơn 5 nghìn tấn so với cùng kỳ. Bà Phạm Thị Hoàng Tâm - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản khẳng định, ứng dụng thiết bị, máy móc hiện đại trong nghề cá là rất cấp thiết bởi phát huy hết công năng đánh bắt hải sản, nâng cao giá trị hải sản sau khai thác. Hiện đại hóa nghề cá giúp ngư dân giảm thiểu lao động chân tay, yên tâm bám biển, giảm chi phí, thu được giá trị kinh tế cao sau chuyến biển.