Hiện đại hoá toàn diện công tác quản lý thuế

Việt Dũng

Xây dựng ngành Thuế Việt Nam hiện đại, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; trong đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ của người dân và doanh nghiệp là một trong những nhiệm vụ đã và đang được toàn Ngành triển khai quyết liệt.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Theo Tổng cục Thuế, Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2021-2030 hướng đến 2 mục tiêu là: Đổi mới đồng bộ hệ thống chính sách thuế để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng ngành Thuế Việt Nam hiện đại, tập trung, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Để đạt được mục tiêu trên, ngành Thuế đang tập trung triển khai hiện đại hoá toàn diện công tác quản lý thuế, phù hợp với thông lệ quốc tế và quy định pháp luật Việt Nam, trọng tâm là thể chế quản lý thuế, nguồn nhân lực và công nghệ thông tin.

Theo đó, tập trung triển khai dịch vụ thuế điện tử (eTax Mobile) trên thiết bị di động và Cổng thông tin điện tử dành cho Nhà cung cấp nước ngoài đã được Tổng cục Thuế chính thức công bố ngày 21/03/2022. Với ứng dụng công nghệ eTax Mobile, người nộp thuế có thể xác thực đăng ký tài khoản điện tử thông qua việc xác minh thông tin về số điện thoại, số tài khoản và số CMT/CCCD trên hệ thống của ngân hàng thay vì việc người nộp thuế sẽ phải đến cơ quan thuế để làm thủ tục.

Tổng cục Thuế cũng đã tích hợp việc nộp thuế điện tử trên ứng dụng eTax Mobile với 10 ngân hàng thương mại và sẽ tiếp tục mở rộng với các ngân hàng khác trong thời gian tới. Đến ngày 15/08/2022 đã có 116.643 lượt tải và cài đặt, sử dụng ứng dụng eTax Mobile. Tổng cộng đã có 60.188 giao dịch qua ngân hàng thương mại với tổng số tiền trên 291 tỷ đồng (đã nộp thành công 54 tỷ đồng).

Đồng thời, đối với hệ thống Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài, các nhà cung cấp nước ngoài có thể gửi hồ sơ và tra cứu, nhận các thông báo của cơ quan thuế về mã số thuế, số thuế phát sinh theo tờ khai, mã khoản nộp thuế để đơn giản hóa thông tin về khoản nộp thuế, hỗ trợ cho người nộp thuế dễ dàng thực hiện nộp thuế bất cứ lúc nào và bất cứ nơi đâu. Kết quả triển khai đến ngày 15/8/2022 đã có 30 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký, kê khai thuế thành công.

Bên cạnh đó, các dịch vụ thủ tục hành chính do cơ quan thuế cung cấp được triển khai ở mức độ 3, 4 cho người nộp thuế theo hướng đơn giản, hiệu quả, nhanh chóng. Đến nay, Tổng cục Thuế đã hoàn thành triển khai 103/234 dịch vụ công trực tuyến mức 3, 4 và tích hợp 97 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 lên Cổng Dịch vụ công Quốc gia.

Qua việc đẩy mạnh triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong dịch vụ công, người dân và doanh nghiệp có thể thực hiện thêm các dịch vụ thuế điện tử một cách thuận lợi hơn. Tính từ ngày 01/01/2022 đến ngày 15/8/2022, số lượng hồ sơ đã đồng bộ trạng thái lên Cổng dịch vụ công Quốc gia là 15.818.955 hồ sơ.

Trong việc triển khai tích hợp hệ thống với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đến hết tháng 8/2022, Tổng cục Thuế đã hoàn thành kết nối hệ thống tích hợp với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để sử dụng mã căn cước công dân xác thực số định danh cá nhân và tổ chức khi thực hiện các thủ tục hành chính thuế; dịch vụ xác nhận thông tin hộ gia đình và dịch vụ chia sẻ thông tin công dân qua kênh kết nối với Văn phòng Chính phủ.

Trước đó, ngày 16/5/2022, Tổng cục Thuế đã hoàn thành triển khai tiếp nhận và giải quyết hồ sơ đăng ký thuế lần đầu, thay đổi thông tin đăng ký thuế của cá nhân không kinh doanh qua Cổng dịch vụ công Quốc gia có kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, tiến tới sử dụng mã định danh cá nhân làm mã số thuế. Tính đến ngày 15/8/2022, Tổng cục Thuế đã tiếp nhận 610 hồ sơ đăng ký thuế lần đầu và 1094 hồ sơ thay đổi thông tin đăng ký thuế của cá nhân không kinh doanh qua Cổng dịch vụ công Quốc gia.

Tổng cục Thuế khẳng định, việc sử dụng mã định danh cá nhân làm mã số thuế giúp minh bạch, thống nhất thông tin quản lý và dùng chung dữ liệu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nên đảm bảo việc định danh chính xác được thông tin người nộp thuế là cá nhân, giảm thiểu sai sót trong quá trình gười nộp thuế thực hiện thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế.

Đặc biệt, nhiệm vụ triển khai hệ thống hóa đơn điện tử trên toàn quốc đã được Tổng cục Thuế hoàn thành. Đến hết ngày 30/6/2022, triển khai hóa đơn điện tử cho 100% doanh nghiệp, tổ chức và hộ, cá nhân kinh doanh theo phương pháp kê khai theo hiệu lực của Luật Quản lý thuế.

Theo số liệu của Tổng cục Thuế, tính đến ngày 26/8/2022, tổng số hóa đơn điện tử đã tiếp nhận và xử lý trên hệ thống của cơ quan thuế các cấp là hơn 1.148 triệu hóa đơn. Trong đó, hóa đơn có mã của cơ quan thuế là 325 triệu hóa đơn; Hóa đơn không mã gửi đầy đủ dữ liệu đến cơ quan thuế là 297,3 triệu hóa đơn; Hóa đơn không mã gửi theo bảng tổng hợp của cơ quan thuế là 525,5 triệu hóa đơn; số Hóa đơn theo lần phát sinh là 263 nghìn hóa đơn.

Để triển khai thành công ứng dụng công nghệ thông tin trong toàn Ngành, Tổng cục Thuế đã tập trung nâng cấp hạ tầng kỹ thuật đảm bảo an toàn an ninh cho hệ thống công nghệ thông tin ngành Thuế theo định hướng chuyển đổi số.

Trong năm 2022, Tổng cục Thuế đã tích cực xây dựng, phát triển và triển khai hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin theo xu hướng công nghệ điện toán đám mây nhằm cung cấp một nền tảng hạ tầng kỹ thuật linh hoạt, ổn định, đơn giản hóa quá trình quản lý, cấp phát tài nguyên hệ thống, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên hệ thống.

Đồng thời, xây dựng và triển khai hệ thống giám sát an toàn thông tin mạng, trong đó duy trì việc giám sát theo dõi an toàn thông tin trên toàn bộ hệ thống tại trung tâm dữ liệu chính và Trung tâm dữ liệu dự phòng liên tục 24/7; Thường xuyên cập nhật các cảnh báo về lỗ hổng mới, cập nhật bản vá trên các hệ thống phòng, chống tấn công...