Hiến pháp năm 2013: Nền tảng pháp lý cao nhất “khai sáng” nhận thức về quyền con người
Trong thời gian qua, Việt Nam đã đạt được những thành tựu về quyền con người được quốc tế ghi nhận, nhưng thực tế là việc tuyên truyền về quyền con người vẫn còn han chế. Nhiều người dân thực sự không biết quyền lợi của mình khi bị người khác xâm phạm… Vì vậy, công cuộc trang bị kiến thức cho người dân nhận thức đúng về quyền con người là việc làm bức thiết.
Còn nhiều cách hiểu về quyền con người
Trên thế giới, quyền con người là một phạm trù có nhiều định nghĩa khác nhau; cách định nghĩa phụ thuộc vào sự nhìn nhận của mỗi cá nhân. Tuy nhiên, một trong những định nghĩa về nhân quyền được sử dụng phổ biến là của Văn phòng Cao ủy Liên Hợp quốc về quyền con người đưa ra: “Quyền con người là những bảo đảm pháp lý toàn cầu có tác dụng bảo vệ các cá nhân và các nhóm chống lại những hành động hoặc sự bỏ mặc mà làm tổn hại đến nhân phẩm, những sự được phép và tự do cơ bản của con người”.
Ở Việt Nam, nhiều chuyên gia đã đưa ra định nghĩa về quyền con người. Mặc dù không hoàn toàn giống nhau nhưng đều được nhắc đến với cách hiểu “Quyền con người là những nhu cầu, lợi ích tự nhiên, vốn có của con người được ghi nhận và bảo vệ trong pháp luật quốc gia và các thỏa thuận pháp lý quốc tế”. Trên thực tế, nguồn gốc của quyền con người luôn tồn tại hai quan điểm đối lập nhau từ trước đến nay.
Quan điểm thứ nhất cho rằng, quyền con người là quyền tự nhiên, bẩm sinh, mọi cá nhân đều được hưởng quyền đó chỉ bởi vì họ là một con người; quyền con người không bị phụ thuộc vào các yếu tố khác như xã hội, pháp luật, nhà nước, văn hóa… vì vậy, không một chủ thể nào có quyền tước đoạt đi quyền đó của cá nhân con người.
Quan điểm thứ hai cho rằng, quyền con người là quyền pháp lý, nó không phải là tự nhiên, không phải là bẩm sinh, mà nó phải được nhà nước xác định thông qua các quy phạm pháp luật hoặc xuất phát từ truyền thống văn hóa nơi con người đó sống. Theo quan điểm này, quyền con người sẽ bị phụ thuộc vào ý chí của tầng lớp thống trị và các yếu tố khác như văn hóa, phong tục … của các xã hội.
Cho đến nay, để xác định tính đúng sai hoàn toàn cho hai quan điểm trên vẫn rất khó để đưa ra kết luận cuối cùng. Dù quyền con người được hiểu theo quan điểm nào (quan điểm tự nhiên hay quan điểm pháp lý) thì việc thực hiện nó vẫn cần có sự can thiệp của pháp luật. Điều đó là bởi hầu hết những nhu cầu vốn có, tự nhiên của con người không thể được bảo đảm đầy đủ nếu không được ghi nhận bằng pháp luật, mà thông qua đó, nghĩa vụ tôn trọng và thực thi các quyền không phải chỉ tồn tại dưới dạng những quy tắc đạo đức mà trở thành những quy tắc cư xử chung, có hiệu lực bắt buộc và thống nhất với cho tất cả mọi chủ thể trong xã hội. Chính vì vậy, quyền con người gắn liền với các quan hệ pháp luật và là một phạm trù pháp lý.
Pháp luật chính là phương tiện để pháp lý hóa giá trị xã hội của các quyền tự nhiên, bởi quyền tự nhiên không hiển nhiên được áp dụng trực tiếp trong xã hội, mà nó phải được chính thức hóa, xã hội hóa thông qua pháp luật. Đồng thời, pháp luật cũng là phương tiện để bảo đảm giá trị thực tế của các quyền con người; là công cụ để cho Nhà nước bảo đảm tính thực thi các quyền con người của các chủ thể khác nhau trong xã hội và là công cụ cho chính cá nhân tự bảo vệ mình thông qua việc vận dụng các quy phạm pháp luật quốc gia và quốc tế có liên quan.
Hiến pháp 2013 – Nền tảng pháp lý cao nhất đảm bảo quyền con người
Năm 2013 được coi là dấu mốc quan trọng của Việt Nam khi nước ta chính thức trở thành thành viên của Hội đồng Quyền con người Liên Hợp quốc vào ngày 12/11/2013; tiếp đó đến ngày 28/11/2013, Hiến pháp mới (Hiến pháp năm 2013) đã được Quốc hội khóa XIII, Kỳ họp thứ 6 thông qua, thay thế Hiến pháp năm 1992. Hiến pháp năm 2013 có những sửa đổi, bổ sung đã kế thừa tinh thần về quyền con người của Hiến pháp năm 1992 và có những phát triển quan trọng về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.
Với Hiến pháp năm 2013, lần đầu tiên trong lịch sử lập hiến, “quyền con người” trở thành tiêu đề của tên Chương, thay vì chỉ gọi là “quyền và nghĩa vụ của công dân” như tất cả các bản Hiến pháp trước đây. Sự bổ sung cụm từ “quyền con người” này là sự khẳng định vô cùng quan trọng và có ý nghĩa lớn trong bối cảnh phát triển đất nước và hội nhập quốc tế. Đồng thời, quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân được đặt ngay tại Chương II của Hiến pháp năm 2013 đề cao nguyên tắc chủ quyền tối cao thuộc về nhân dân, nguyên tắc nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Mục đích cuối cùng của Hiến pháp năm 2013 là nhằm khẳng định và bảo đảm các quyền và tự do cơ bản của công dân và tất cả mọi người.
Hiến pháp năm 2013 đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của Nhà nước trong việc bảo đảm các quyền con người, nhất là các quyền về kinh tế, xã hội và văn hóa. Chẳng hạn, Hiến pháp năm 2013 khẳng định: “Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo” (Điều 24); “Nhà nước tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội” (Điều 28); “Nhà nước bảo hộ hôn nhân và gia đình, bảo hộ quyền lợi của người mẹ và trẻ em (Điều 36)”… Việc nhấn mạnh đến vai trò, trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo đảm quyền con người là hoàn toàn phù hợp với bản chất của chế độ XHCN ở Việt Nam. Theo đó, Nhà nước luôn chăm lo đến con người, đến quyền và lợi ích hợp pháp của mỗi người, đến sự phát triển toàn diện của tất cả mọi người, và đặc biệt chịu trách nhiệm chính trong việc tôn trọng, thực thi và bảo đảm các quyền con người.
Như vậy, về cơ bản, Hiến pháp năm 2013 đã tiếp thu quy định của Công ước quốc tế về quyền chính trị, dân sự; quyền kinh tế, văn hóa. Bên cạnh đó, Hiến pháp năm 2013 đã phản ánh được ý chí, nguyện vọng của đông đảo các tầng lớp nhân dân; thể hiện rõ và đầy đủ hơn bản chất dân chủ, tiến bộ của Nhà nước và chế độ ta trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Việc quy định quyền con người trong Hiến pháp năm 2013 đã tạo nền tảng pháp lý cao nhất để bảo đảm quyền con người được hiện thực hóa đầy đủ trong thực tiễn.