Hiệp định thuế đa phương giữa Lesotho, Thái Lan và Việt Nam
Việt Nam vừa ký kết và gia nhập Hiệp định đa phương thực hiện các biện pháp liên quan đến Hiệp định thuế về ngăn ngừa xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển lợi nhuận (Hiệp định thuế đa phương) cho ba nước Lesotho, Thái Lan và Việt Nam.
Việc Việt Nam tham gia ký kết Hiệp định thuế đa phương là một hành động thể hiện sẵn sàng thực hiện các cam kết quốc tế, đặc biệt là thực hiện các tiêu chuẩn tối thiểu về triển khai các biện pháp chống Xói mòn cơ sở thuế và Chuyển dịch lợi nhuận (BEPS) của Diễn đàn BEPS toàn cầu mà Việt Nam là thành viên.
Đồng thời, việc tham gia Hiệp định này cũng thể hiện vai trò tích cực và tính trách nhiệm của Việt Nam trong việc giải quyết tranh chấp với cơ quan thuế các nước.
Khi tham gia ký kết Hiệp định thuế đa phương Việt Nam sẽ giảm thiểu và ngăn ngừa được việc trốn, tránh thuế và nâng cao tính tuân thủ của người nộp thuế, tạo cơ sở pháp lý và môi trường đầu tư ổn định, minh bạch cho các nhà đầu tư nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam cũng như thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài.
Chương trình BEPS do Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) phát triển với đề xuất từ các nước G20 đã xây dựng 15 chương trình hành động, đưa ra các giải pháp chống xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển lợi nhuận.
Theo đó, Hiệp định thuế đa phương là một trong các chương trình hành động nhằm thực hiện các giải pháp liên quan đến hiệp định thuế, bổ sung các qui tắc thuế quốc tế và giảm thiểu cơ hội trốn tránh thuế của các công ty đa quốc gia, chống tránh hình thành cơ sở thường trú và chống lợi dụng sự khác biệt chính sách thuế giữa các nước. Đến nay, hiệp định thuế đa phương đã bao gồm 99 nước/vùng lãnh thổ tham gia ký kết, trong đó có Việt Nam.
Hiệp định thuế đa phương đã đem lại giải pháp toàn diện cho các nước trong việc áp dụng các qui tắc thuế quốc tế mới bằng việc đưa các giải pháp của dự án BEPS vào trong các hiệp định thuế song phương trên toàn thế giới.
Hiệp định thuế đa phương sẽ điều chỉnh các hiệp định thuế song phương đã ký nhằm xóa bỏ việc đánh thuế trùng; đảm bảo việc thực hiện cam kết về các tiêu chuẩn tối thiểu của Diễn đàn BEPS toàn cầu mà Việt Nam là thành viên. Qua đó, các biện pháp chống lợi dụng hiệp định cũng như cơ chế giải quyết tranh chấp với cơ quan thuế các nước được tăng cường và cải thiện.
Theo Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng, việc triển khai công cụ đa phương trong thời gian tới sẽ góp phần phát triển hơn nữa quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và OECD.
Trong nhiều năm qua, OECD luôn là đối tác quan trọng của Việt Nam về tư vấn, hỗ trợ chính sách, bao gồm cả về kinh tế vĩ mô lẫn các lĩnh vực cụ thể như: tài chính, thuế, phát triển xanh, số hóa...