Hiệp định thương mại Mỹ - Anh: Khó đẹp như mơ
Việc đạt được một hiệp định với Mỹ sẽ là vấn đề khó nhằn hơn nhiều đối với Anh chứ không phải với đối tác Hoa Kỳ.
Cứ “mơ” đi khi chưa vấp vào các vấn đề cụ thể
Ông Trump hôm thứ ba vừa qua “tweeted” rằng: “Đang bàn thảo về hiệp định thương mại (HĐTM) lớn với Vương quốc Anh. Có thể rất lớn và thú vị. Việc làm! EU rất bảo hộ với Hoa Kỳ. Dừng lại!”.
Trong tuần này, các quan chức Anh đã có mặt ở Washington để bắt đầu các cuộc thảo luận không chính thức về HĐTM giữa hai nước. Một HĐTM như vậy nếu có được sẽ mang lại lợi ích to lớn cho nước Anh. Nó đặt nền móng cho tương lai của nền kinh tế Anh với ý tưởng rằng, việc rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) sẽ giúp giải phóng tiềm năng thương mại của Anh khi có thể dễ dàng giúp nước này thực hiện các HĐTM song phương hơn so với khi còn ở trong EU.
Trong khi đó về phía Mỹ, ông Trump cũng đang rất “hăng hái” cho thấy chính sách thương mại của mình có thể tạo ra kết quả. Vậy thì có lý do gì để một HĐTM giữa Mỹ và Anh sẽ gặp khó khăn?
Trong khi đó, các chuyên gia thương mại hàng đầu của nước Anh đang phải “căng đầu” trong những tháng tới đây để đưa ra các chi tiết cho mối quan hệ thương mại mới với EU - thị trường xuất khẩu lớn nhất của mình khi Anh chính thức rời khỏi EU.
Nhiều vấn đề hóc búa vẫn đang cần được giải quyết, trong đó có việc liệu nước Anh sẽ vẫn là một phần của Liên minh thuế quan của Khối này hay không. Và cho đến khi có sự rõ ràng về vấn đề này thì các cuộc đàm phán với Mỹ sẽ chưa thể đạt được nhiều tiến triển.
Thủ tướng Anh Theresa May từng “đặt cược” rằng, Brexit sẽ giúp biến Anh thành "một quốc gia thương mại lớn trên thế giới". Nếu điều đó xảy ra, Hoa Kỳ tất nhiên sẽ là ưu tiên hàng đầu khi mối quan hệ của Anh với EU được giải quyết. Nếu tính theo thương mại với từng quốc gia riêng lẻ thì xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của Anh sang Hoa Kỳ đang hơn bất kỳ nước nào khác. Theo số liệu từ phía Anh, Hoa Kỳ đang chiếm khoảng 20% tổng xuất khẩu của nước này.
Lực cản trong nước
Các nhà đàm phán Mỹ sẽ tìm cách giành được các nhượng bộ mở thị trường Anh theo một số cách mà phía Anh sẽ không cảm thấy thoải mái chút nào. Minh chứng là những nỗ lực của Hoa Kỳ và EU nhằm tiến tới một FTA Mỹ - EU đã sụp đổ ngay trước khi ông Trump trở thành Tổng thống, mà một phần là do sự phản đối chính trị giữa chính những người châu Âu với nhau.
Trong nội bộ nước Anh cũng không phải không có những người hoài nghi về một HĐTM lớn và “đẹp như trong mộng” với Hoa Kỳ. Một trong những nhân vật đứng đầu nhóm hoài nghi ấy chính là ông Jeremy Corbyn, lãnh đạo Đảng Lao động đối lập. Chính trị gia này đã từng “thề” sẽ chặn đứng HĐTM này để ngăn các dịch vụ công của Anh bị tấn công từ các công ty của Mỹ. Và không chỉ HĐTM với Mỹ mà bất kỳ HĐTM song phương nào trong tương lai đều có thể gặp phải mối quan ngại tương tự về các dịch vụ công, bảo vệ người tiêu dùng, sức khoẻ và an toàn tại Anh.
Simon Evenett, giáo sư thương mại quốc tế tại Đại học St. Gallen nhận định: "Các nhà thương thuyết Mỹ dường như chắc chắn sẽ có những yêu cầu bảo vệ gây tranh cãi cho các công ty đa quốc gia của họ cũng như trong tiếp cận với ngân sách dược phẩm của Cơ quan y tế quốc gia. Cả hai vấn đề này đều sẽ gây ra phản ứng dữ dội từ các nhóm và chính trị gia tại Anh".
Các cuộc đàm phán diễn ra trong tuần này giữa hai bên dường như đã bị lu mờ bởi báo chí Anh đưa tin rằng, HĐTM sẽ cho phép nhập khẩu vào Anh thịt gà Mỹ đã được nhúng qua Clo. EU không cho phép gà được xử lý bằng hóa chất, nên thông tin trên đã nhanh chóng trở thành một trong những dẫn chứng cho thấy các tiêu chuẩn chất lượng thực phẩm tại Anh sẽ kém hơn sau khi Brexit thực sự diễn ra.
Điều này cũng minh họa cho những lựa chọn khó khăn mà chính phủ Anh đang phải đối mặt. Đó là việc nếu hạ thấp các tiêu chuẩn thực phẩm ở Anh sẽ làm ảnh hưởng đến khả năng thương mại của Anh với EU, bởi Khối này có các yêu cầu rất cao về an toàn thực phẩm.
Việc rời khỏi EU có nghĩa là nước Anh sẽ không còn tham gia hơn 600 hiệp định thông qua Khối này, trong đó chỉ riêng với Mỹ có 34 hiệp định. Rất nhiều trong số đó liên quan đến thương mại và Anh sẽ phải đàm phán lại.
Nhưng có một vấn đề ở đây là trong hơn ba thập kỷ qua, Anh đã phải dựa rất nhiều vào chuyên môn của các nhà đàm phán EU nên trong tương lai (khi chính thức ra khỏi EU), e rằng Anh sẽ không có đủ đội ngũ chuyên gia thương mại để thực hiện công việc đàm phán này dù Chính phủ Anh đang nỗ lực để tuyển dụng thêm.
Và một khi các nhà đàm phán thiếu kinh nghiệm, họ sẽ gặp nhiều vấn đề khó xử lý. Hơn nữa, với thực tế Anh chỉ là đối tác thương mại lớn thứ sáu của Mỹ thì dễ thấy, việc đạt được một hiệp định với Mỹ sẽ là vấn đề khó nhằn hơn nhiều đối với Anh chứ không phải với đối tác Hoa Kỳ.
Cựu Tổng thống Mỹ Obama từng cảnh báo rằng, nếu rời EU thì nước Anh sẽ phải xếp cuối hàng trong danh sánh các nước đàm phán HĐTM với Mỹ. Điều này đã thay đổi khi ông Trump nhấp chính và Anh đã được chuyển lên đứng đầu hàng.
Tuy nhiên, ông Trump cũng đang cho thấy một xu hướng biệt lập khi cho rằng, thương mại toàn cầu đang chống lại Hoa Kỳ và nhấn mạnh về sự thất bại của toàn cầu hoá. Các HĐTM mà ông coi là không công bằng đã và đang bị từ bỏ hoặc phải đàm phán lại. Những tín hiệu đó liệu có ý nghĩa gì đối với một HĐTM đang bắt đầu manh nha giữa Anh và Mỹ không? Câu trả lời có lẽ nước Anh sẽ sớm tìm ra.