Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU: Đôi bên cùng có lợi
(Tài chính) Quan hệ hợp tác thương mại, đầu tư Việt Nam – Liên minh châu Âu (EU) trên thực tế đã tăng mạnh trong những năm gần đây. Việc ký kết Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam - EU (EVFTA) trong thời gian tới sẽ củng cố thêm mối quan hệ này và hứa hẹn mang lại lợi ích cho cả đôi bên.
Quan hệ thương mại, đầu tư Việt Nam – EU
Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao từ ngày 28/11/1990 và ngày 17/7/1995 đã đánh dấu mốc quan trọng trong quan hệ ngoại giao Việt Nam - EU với việc ký kết Hiệp định khung về hợp tác, thiết lập các nguyên tắc cơ bản nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế thương mại giữa hai bên.
Phái đoàn Ủy ban châu Âu tại Việt Nam được thành lập và chính thức hoạt động từ năm 1996. Từ đó tới nay, quan hệ Việt Nam - EU đã phát triển mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực, đặc biệt là thương mại.
Quan hệ hợp tác thương mại Việt Nam - EU trên thực tế đã tăng mạnh trong những năm gần đây. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào EU tăng trưởng ổn định với tốc độ bình quân từ 15-20%/năm.
Theo Tổng cục Thống kê Việt Nam, năm 2013, EU đã vươn lên vị trí thứ nhất và trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch đạt 24,33 tỷ USD, tăng 19,8% so với năm 2012 và chiếm 18% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước. Một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực vào thị trường EU chiếm tỷ trọng cao, như: điện thoại nguyên chiếc và linh kiện điện thoại, giày dép, máy tính và linh kiện điện tử, hàng dệt may…
Về đầu tư, số liệu thống kê cho thấy, tính đến hết năm 2013, EU có 1.402 dự án đầu tư trực tiếp tại Việt Nam còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký trên 18 tỷ USD.
Mối quan hệ tốt đẹp Việt Nam - EU càng được khẳng định mạnh mẽ hơn, khi Việt Nam trong suốt những năm qua đã luôn nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ EU. Ngân sách viện trợ ODA từ EU cho Việt Nam đã liên tục tăng từ 140 triệu euro trong giai đoạn 1996 - 2001 lên 304 triệu euro giai đoạn 2007 - 2013. Và trong chuyến thăm EU trong tháng 10/2014 của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, một khoản viện trợ trị giá 400 triệu euro đã được ký kết. Đây là khoản viện trợ quý giá mà Ủy ban châu Âu dành cho Việt Nam trong giai đoạn 2014 - 2020, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam, đồng thời thắt chặt hơn nữa quan hệ hợp tác Việt Nam - EU.
EVFTA: Lợi ích cho cả 2 bên
Đàm phán Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA) được bắt đầu từ tháng 6/2012 trên cơ sở Hiệp định đối tác và hợp tác toàn diện (PCA) với mục tiêu tạo ra một thị trường thương mại tự do Việt Nam - EU. Quá trình đàm phán để tiến đến ký kết EVFTA đến nay đã trải qua 10 phiên đàm phán.
Nếu EVFTA được ký kết vào năm 2015 như dự kiến, Việt Nam sẽ có khả năng tiếp cận dễ dàng vào thị trường EU, bởi khung khổ FTA sẽ cho phép loại bỏ thuế quan đối với hơn 90 loại thuế. Các ngành có khả năng hưởng lợi nhiều nhất từ EVFTA bao gồm: dệt may, giày dép, chế biến thực phẩm… Khu vực dịch vụ theo kỳ vọng cũng sẽ được mở rộng đáng kể nhờ EVFTA, và có thể góp phần làm tăng hiệu suất cho toàn bộ nền kinh tế.
Về xuất khẩu, hiện nay mức thuế trung bình của hàng hóa Việt Nam phải chịu khi vào EU là khoảng 4%, song nếu tính theo tỷ trọng thương mại, mức này lên đến 7% do phần lớn các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đều thuộc nhóm bị đánh thuế nhập khẩu cao. Như vậy, khi EVFTA chính thức được thiết lập, hàng hóa Việt Nam khi vào thị trường EU sẽ được lợi lớn về mặt thuế suất, góp phần làm tăng tính cạnh tranh của hàng Việt Nam tại EU.
Theo tính toán của Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), khi EVFTA được ký kết GDP của Việt Nam có thể tăng thêm 10 - 15%. Trong khi đó, xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ tăng 30 - 40%, còn nhập khẩu của EU vào Việt Nam sẽ tăng 20 - 25%.
Còn theo Ông Bùi Vương Anh - Phó Vụ trưởng Vụ châu Âu (Bộ Công Thương), Tham tán Thương mại - Đại sứ quán Việt Nam tại Italia thì EVFTA còn mang lại cho Việt Nam những lợi ích sau:
Thứ nhất, tạo cơ sở pháp lý cho các hoạt động trao đổi thương mại để hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang châu Âu, đáp ứng đúng các tiêu chuẩn chất lượng và an toàn mà thị trường này đòi hỏi.
Thứ hai, đẩy mạnh các hoạt động đầu tư của các quốc gia thành viên EU vào Việt Nam.
Thứ ba, tạo ra những thuận lợi trong việc ký kết hàng loạt thỏa thuận thương mại tự do với các đối tác khác của EU, củng cố sự cân bằng trong quan hệ kinh tế với các đối tác quan trọng và giảm sự phụ thuộc của Việt Nam vào các nền kinh tế Đông Nam Á.
Về phía EU, thực tế cho thấy, ngày càng nhiều các công ty của EU chọn Việt Nam do coi đây là địa điểm đầu tư tốt. Chi phí lao động của châu Âu khá cao và do vậy không cạnh tranh được trong bối cảnh toàn cầu. Cơ cấu chi phí của các công ty Việt Nam khá hấp dẫn, các lợi thế của Việt Nam khá đa dạng, chất lượng lao động tốt hơn ở một số nước...
Ngoài việc thúc đẩy đầu tư của EU vào các lĩnh sản xuất hàng công nghệ cao, EVFTA cũng sẽ thúc đẩy dòng vốn FDI của EU vào những lĩnh vực dịch vụ chất lượng cao, mà nền kinh tế Việt Nam đang rất cần như: dịch vụ tài chính - ngân hàng - bảo hiểm, năng lượng, viễn thông, cảng biển và vận tải biển nhờ giảm bớt các điều kiện đối với các nhà cung cấp dịch vụ của EU.
Bên cạnh đó, Việt Nam sẽ trở thành địa bàn trung chuyển, kết nối cho hoạt động thương mại và đầu tư của EU tại khu vực ASEAN. Do vậy, hợp tác giữa châu Âu và Việt Nam là một quan hệ mang lại nhiều lợi ích, đem lại cho các công ty của châu Âu một cơ sở sản xuất đáng tin cậy và hiệu quả về mặt phí tại châu Á.
Hơn nữa, đây có thể xem là nền tảng để EU mở rộng các cuộc đàm phán hiệp định thương mại tự do với các quốc gia thành viên ASEAN khác.