Hiệp đồng chặn dòng pháo lậu dịp cuối năm
Dịp cuối năm và cận Tết Nguyên đán là thời điểm tình hình buôn lậu diễn ra "nóng bỏng", đặc biệt là mặt hàng pháo hoa, pháo nổ với nhiều phương thức ngày càng tinh vi để qua mắt lực lượng chức năng. Điều này đòi hỏi các lực lượng chức năng phối hợp chặt chẽ, triển khai đồng bộ các giải pháp quyết liệt để đấu tranh ngăn chặn.
Nguy cơ gia tăng pháo lậu
Mỗi dịp cuối năm, nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng mạnh, trong đó có nhu cầu về pháo hoa, pháo nổ dẫn đến nguy cơ làm giả, buôn lậu rất lớn. Nguồn pháo trôi nổi được các đối tượng đầu nậu tìm nhiều cách vận chuyển trái phép từ nước ngoài về nước ta.
Quá trình triển khai nhiệm vụ, các đơn vị chức năng nhận thấy, pháo được vận chuyển từ các nước trong khu vực vào nước ta dưới nhiều hình thức khác nhau như: cất giấu trên các phương tiện, xe ô tô vận chuyển hàng hóa quốc tế; các đầu nậu thuê người cắt rừng vận chuyển pháo theo các đường mòn qua biên giới rồi đưa sâu vào nội địa nước ta cất giấu, chờ cơ hội bán ra thị trường; lợi dụng việc ưu tiên thông quan hàng nông sản để đưa pháo qua cửa khẩu...
Đặc biệt, hiện nay, khi thương mại điện tử phát triển, việc mua bán trái phép pháo còn diễn ra ở các trang mạng xã hội facebook, zalo, nhóm chợ online... Sau khi có đơn hàng, các đối tượng sẽ mua hàng từ Trung Quốc, Lào, Campuchia vận chuyển qua biên giới các tỉnh: Quảng Ninh, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Tây Ninh, An Giang... để giao hàng cho người mua thông qua các đơn vị chuyển phát nhanh hoặc gửi xe buýt, xe khách hoạt động chui và khó phát hiện.
Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, nếu như trước đây, phải đến gần Tết, các đối tượng buôn bán mới hoạt động mạnh thì mấy năm gần đây, do lực lượng chức năng như Bộ đội Biên phòng, Công an, Hải quan ra quân trấn áp mạnh vào dịp Tết nên các đối tượng chuyển hướng vận chuyển, tàng trữ pháo từ đầu hoặc giữa năm để phục vụ thời điểm cận Tết.
Hoạt động buôn bán, tàng trữ, sử dụng pháo trái phép không chỉ vi phạm pháp luật, mà còn đe dọa đến sự an toàn tính mạng của người dân, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự địa bàn. Trước thực trạng đó, lực lượng chức năng trên các tuyến biên giới đất liền, bờ biển đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn.
Ngày 14/11/2024 vừa qua, tại km 83, quốc lộ 8A thuộc địa phận thôn Hà Trai, xã Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn, Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Cầu Treo (Cục Hải quan Hà Tĩnh) đã phối hợp với lực lượng Biên phòng và Công an tỉnh Hà Tĩnh tiến hành kiểm tra phương tiện và bắt giữ đối tượng Lê Văn Hưng, sinh năm 2002, trú tại huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An có hành vi cất giấu 212 kg pháo hoa, nhãn hiệu do nước ngoài sản xuất trong khoang tự chế phía trên trần xe.
Trước đó, ngày 6/10/2024, tại bãi tập kết hàng hóa nhập khẩu Cửa khẩu quốc tế Cha Lo, lực lượng liên ngành đã phối hợp kiểm tra xe ô tô đầu kéo nhập cảnh từ Lào về Việt Nam. Quá trình kiểm tra phát hiện bên trong container trên rơ mooc có 24 thùng carton chứa 556,6 kg nghi là pháo hoa nổ (chưa có giấy tờ trưng cầu giám định). Nhiều vụ việc khác với thủ đoạn tương tự cũng đã bị lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ tại các cửa khẩu, khu vực biên giới các tỉnh: Quảng Nam, Lạng Sơn, Hà Tĩnh, Lào Cai, Quảng Ninh…
Đấu tranh, ngăn chặn gắn với tuyên truyền, vận động
Từ nay đến cuối năm, hoạt động buôn bán, vận chuyển pháo trái phép qua biên giới được dự báo tiếp tục gia tăng, diễn biến phức tạp, khó lường hơn nữa do dịp Tết Nguyên đán cận kề. Do đó, các đơn vị chuyên trách phòng chống tội phạm cần triển khai rốt ráo các biện pháp đấu tranh, ngăn chặn pháo lậu ngay từ cửa ngõ biên giới.
Theo đó, các lực lượng Biên phòng, Hải quan, Công an cần tích cực phối hợp nắm tình hình từ xa; duy trì nghiêm túc công tác tuần tra, kiểm soát chặt chẽ người, phương tiện lưu thông qua cửa khẩu, không để tội phạm lợi dụng hoạt động phức tạp. Trên cơ sở đó, xác lập các chuyên án, vụ án đấu tranh trực diện với chủ đầu nậu, đối tượng vận chuyển pháo trái phép từ nước ngoài về trong nước tiêu thụ.
Nắm chắc tình hình, xu hướng hoạt động của tội phạm và vi phạm về pháo những tháng cuối năm, Bộ Công an, Tổng cục Hải quan, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã chỉ đạo các đơn vị trong ngành quản lý chặt chẽ tình hình địa bàn. Nhất là lực lượng Biên phòng và Hải quan tại các cửa khẩu thực hiện đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ đấu tranh, tăng cường tuần tra kiểm soát trên các tuyến biên giới; chủ động phối hợp trao đổi thông tin giữa các cơ quan chức năng về đối tượng, phương thức, thủ đoạn thực hiện hành vi cất giấu, buôn bán vận chuyển trái phép pháo nổ.
Cùng với đấu tranh ngăn chặn, công tác tuyên truyền cũng cần được các lực lượng chức năng chú trọng. Trong đó, tập trung tuyên truyền, hướng dẫn người dân về các quy định của pháp luật trong quản lý và sử dụng pháo, nhất là phân biệt giữa “pháo nổ, pháo hoa nổ, pháo hoa” và các trường hợp được mua bán, vận chuyển, sử dụng hợp pháp để người dân hiểu, không sử dụng, tàng trữ, vận chuyển trái phép. Đồng thời, tích cực phát hiện, tố giác hành vi vi phạm pháp luật, không bao che, tiếp tay hoặc tham gia buôn lậu, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép pháo.
Công tác này cần được triển khai thường xuyên, liên tục bằng nhiều hình thức khác nhau. Trong quá trình tuyên truyền, phổ biến pháp luật, đội ngũ báo cáo viên của các đơn vị phân tích, làm rõ để người dân hiểu rõ hành vi buôn bán, tàng trữ, sử dụng pháo trái phép là vi phạm pháp luật, sẽ bị xử lý nghiêm khắc theo quy định khi bị bắt giữ.
Các lực lượng thực hiện nhiệm vụ tại các cửa khẩu trọng điểm tuyên truyền, vận động để du khách, doanh nghiệp, lái xe vận chuyển hàng hóa xuyên biên giới không tham gia, tiếp tay cho hoạt động vi phạm pháp luật, buôn bán, vận chuyển pháo trái phép qua biên giới.