Hiểu đúng tiền đề “nâng cao chất lượng nguồn nhân lực”
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực luôn được Đảng, Nhà nước ta coi là một trong các trụ cột căn bản để phát triển bền vững đất nước. Không có nguồn nhân lực chất lượng cao, sự cạnh tranh kinh tế sẽ mất đi lợi thế, năng suất lao động thấp, quá trình tái cơ cấu nền kinh tế cùng với các chương trình cải cách thế chế có thể bị chậm lại.
Theo thống kê về lao động việc làm, nhân lực có trình độ từ đại học trở lên ở nước ta còn rất thấp, chỉ khoảng dưới 9% trong khi đó, lao động chưa được đào tạo chuyên môn kỹ thuật xấp xỉ dưới 80%, đang là những thách thức rất lớn đối với giáo dục và đào tạo nước ta. Bên cạnh đó, chất lượng ở tất cả các trình độ đào tạo đều không được đánh giá cao, nhất là trình độ đại học và sau đại học.
Nhìn trên tổng thể nền kinh tế, các ngành công nghiệp có hàm lượng chất xám còn rất thấp. Ngay cả các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) được gọi là doanh nghiệp công nghệ cao mới sử dụng trên dưới 10% lao động có trình độ đại học trở lên. Còn lại phần lớn doanh nghiệp đang khai thác lao động giá rẻ, có kỹ năng thấp hoặc là sử dụng trang thiết bị cũ để tận dụng lao động rẻ.
Muốn có đội ngũ nhân lực có chất lượng cao thì những “cỗ máy cái” trong các trường đại học phải là lực lượng chủ lực để nâng cao chất lượng đào tạo. Nhìn lại, đội ngũ giảng viên có trình độ tiến sĩ trong các trường đại học ở nước ta còn quá thấp nếu so với các quốc gia quanh ta và các quốc gia công nghiệp khác.
Ở nước ngoài, tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ của nhiều trường đại học dao động từ 50% đến trên 90% tổng số giảng viên, còn ở nước ta chỉ khoảng 23%. Rõ ràng, nâng cao trình độ và năng lực của đội ngũ giảng viên đại học là việc làm hết sức cần thiết, phù hợp với định hướng của Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo Việt Nam.
Khi xét đến một ngành kinh tế nào đó, cấu trúc nhân lực tạm chia theo phân công lao động. Tầng cao nhất là cán bộ lãnh đạo quản lý ngành, là người hoạch định chính sách, chiến lược phát triển ngành. Thứ đến, các nhà nghiên cứu, các giảng viên đại học hoặc viện nghiên cứu là người truyền bá, sáng tạo ra tri thức, công nghệ dẫn dắt ngành phát triển đúng hướng.
Tiếp theo, đội ngũ các kỹ sư, kỹ thuật viên là những người triển khai các ý tưởng, quy trình công nghệ vào thực tế ngành. Cuối cùng là công nhân lao động trực tiếp tại nơi sản xuất... Một nền kinh tế thiếu các nhà nghiên cứu truyền bá, sáng tạo ra tri thức mới, dẫn dắt các ngành kinh tế phát triển với tầm nhìn và chiến lược thông minh thì sẽ mãi là “công xưởng” gia công của thế giới.
Tuy nhiên, trong thời gian qua, chất lượng đào tạo đại học và sau đại học ở nước ta thấp đã, đang làm mất đi lòng tin của xã hội. Người ta rất dễ phê phán, “ném đá” và trong một xu hướng cực đoan hơn là mong muốn “nghề hóa” đội ngũ nhân lực trong thời buổi kinh tế trí thức và cách mạng công nghiệp 4.0 đang đến rất gần.
Nếu giữ mãi tư duy như vậy e rằng chỉ một hoặc hai thập kỷ nữa, con cháu chúng ta sẽ chỉ là những công nhân làm thuê, còn để sáng tạo ra tri thức, công nghệ mới và phát triển bền vững đất nước sẽ là những thách thức vô cùng lớn và cơ hội phát triển sẽ mất đi.
Chủ trương nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên đại học và đào tạo giảng viên đại học có trình độ tiến sĩ là một lựa chọn và ưu tiên hợp lý trong giai đoạn hiện nay.
Nếu không có đội ngũ giảng viên giỏi thì chất lượng cử nhân rất khó đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động đầy biến động. Tuy nhiên, một chủ trương đúng nếu không được thiết kế kế hoạch và tổ chức thực hiện bài bản sẽ là một sự lãng phí cũng như mất lòng tin của xã hội đối với ngành giáo dục.
Sự ồn ào của dư luận mấy ngày qua về Dự thảo Đề án nâng cao năng lực giảng viên đại học và cán bộ quản lý xung quanh tính khả thi của việc đào tạo 9.000 tiến sĩ trong cả gói tài chính thực hiện các nhiệm vụ khác nữa là 12.000 tỷ đồng cho thấy sự quan tâm rất lớn của dư luận cũng như phản ánh cả sự nghi ngại về tính khả thi của Đề án.
Đổi mới giáo dục là khó khăn, chiếm và giữ lòng tin cùng sự đồng thuận trong xã hội là điều kiện quan trong để thực hiện các nhiệm vụ đổi mới giáo dục.
Những chủ trương đúng đã khẳng định thì vấn đề còn lại là hiện thức hóa chủ trương bằng các đề án cũng như điều kiện để bảo đảm thực hiện được mục tiêu đào tạo 9.000 tiến sĩ sao cho hiệu quả và cần làm cho xã hội hiểu đúng về chủ trương này.