Lao động Việt có làm chủ Cách mạng công nghiệp 4.0?

Theo Thy Lê/thoibaokinhdoanh.vn

Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 sẽ tạo ra nhiều việc làm mới. Liệu người lao động (NLĐ) Việt Nam có đủ kỹ năng, kiến thức để ứng biến với sự thay đổi và tìm kiếm cơ hội việc làm mới hay không.

Người lao động Việt cần phải biết thích ứng, học hỏi nâng cao tay nghề. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Người lao động Việt cần phải biết thích ứng, học hỏi nâng cao tay nghề. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tại phiên thảo luận đầu tiên trong ngày thứ 2 của Hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp (DN) APEC 2017 (CEO Summit) với chủ đề “Đối thoại về các phương pháp tiếp cận để thúc đẩy các công nghệ, công ty và ngành tạo thêm nhiều việc làm trong thị trường toàn cầu đầy cạnh tranh và năng động” sáng ngày 9/11, đa phần các diễn giả trong nước và quốc tế đều có chung nhận định, công nghệ làm biến mất những công việc truyền thống nhưng lại tạo ra những cơ hội mới, những cơ hội dựa trên kỹ năng. Tuy nhiên, làm thế nào để người lao động (NLD) Việt Nam có thể nắm bắt. 

Việc này mất đi, việc khác sinh ra

Nghiên cứu của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về “ASEAN trong giai đoạn chuyển đổi – công nghệ đang thay đổi việc làm và DN như thế nào”, từng chỉ ra, 86% số NLĐ trong ngành dệt may, da giày có thể phải đối mặt với nguy cơ mất việc cao do tự động hóa. Cùng với đó, 3/4 lao động làm công ăn lương trong ngành sản phẩm điện – điện tử có thể sẽ bị thay thế bởi robot. 

Ông Lê Đăng Doanh – chuyên gia kinh tế, nhìn nhận, CMCN 4.0 không còn là câu chuyện xa xôi với Việt Nam. Trước kia, chỉ có DN nước ngoài như Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia… đầu tư máy móc vào chuỗi sản xuất của ngành công nghiệp nhựa, lắp ráp ô tô. Thực tế hiện nay, nhiều DN Việt nhận thấy lợi ích trong việc sử dụng người máy nên đã đầu tư công nghệ thay thế con người.

Ông Masamichi Kono – Tổng thư ký thường trực Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), đánh giá sự tiến bộ nhanh của các phát minh công nghệ và tự động hóa sẽ mang lại những thách thức lớn cho NLĐ, thay thế một số việc làm, đặc biệt là các công việc đòi hỏi kỹ năng thấp. 

Tuy nhiên, bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cho rằng CMCN 4.0 sẽ tạo ra những cơ hội việc làm mới. Theo bà Dương Thị Mai Hoa – Tổng Giám đốc tập đoàn Vingroup, dù máy móc có thể khiến một vài cơ hội việc làm bị khép lại, nhưng cũng có những cơ hội mới mở ra. 

“Công việc đơn giản sẽ bị mất đi. Tuy nhiên, con người có thể tìm thấy những cơ hội việc làm ở một tầm cao mới, tối ưu hóa lợi ích, nâng cao năng suất lao động”, bà Hoa nói. 

Nhiều chuyên gia quốc tế cùng chung nhận định, công nghệ chỉ là công cụ bổ trợ cho con người, bởi con người mới là người điều khiển công nghệ. 

Ông Ning Tang – Chủ tịch kiêm CEO của CreditEase, dẫn chứng ở Mỹ, nhiều người lo ngại việc giao dịch ngân hàng trên mạng sẽ khiến mất nhiều việc làm, nhưng thực ra điều đó lại tạo ra rất nhiều công việc mới.

Hay trong ngành bảo hiểm, nhiều ý kiến cho rằng công nghệ sẽ khiến công việc bán bảo hiểm biến mất, nhưng ngược lại, công nghệ giúp người môi giới bán bảo hiểm tốt hơn, thuyết phục khách hàng hiệu quả hơn. 

NLĐ không nên chỉ biết một việc

Tuy nhiên, làm thế nào để NLĐ có thể làm chủ công việc của mình trong bối cảnh CMCN 4.0. Chuyên gia Lê Đăng Doanh cho rằng vấn đề là người Việt phải thay đổi tư duy, chấp nhận học suốt đời, mất việc này thì học việc mới, làm việc khác. Thậm chí cần chấp nhận làm ở nơi xa hơn, đi ra nước ngoài tìm kiếm cơ hội mới. 

TS. Nguyễn Đức Khương – Phó Giám đốc, Trưởng Khoa Tài chính (Học viện Quản lý và quản trị kinh doanh – Cộng hòa Pháp), cho rằng một nền giáo dục nói chung phải tạo ra người học có được nền kiến thức cơ bản để có thể ứng phó với mọi hoàn cảnh. Đó là nền giáo dục tiên tiến, nhìn sâu và rộng chứ không nên đào tạo cho người ta chỉ biết một việc. Một việc ra trường sẽ bị cạnh tranh, dẫn tới thừa lao động.

“Giờ phải có nền tảng khoa học tốt cho NLĐ. Họ có khả năng ứng biến với mọi tình hình vì thế giới thay đổi nhanh, loại hình nghề nghiệp thay đổi nhanh”, ông Khương nhấn mạnh.

Đồng thời ông Khương khuyến nghị, Nhà nước phải kêu gọi đầu tư, tìm thầy giỏi để đào tạo cho NLĐ nâng cao chuyên môn, ngoại ngữ, kỹ năng mới.

Đồng thời đứng trước yêu cầu mới của thế giới, NLĐ Việt Nam thay đổi cách nhận định công việc. “Với cá nhân tôi là không có nghề nào hay và hấp dẫn nhất, nhưng NLĐ cần phải biết học hỏi để nâng cao bản thân mình. Cơ hội đến với người làm việc hăng say và trách nhiệm”, ông Khương nêu quan điểm. 

Cùng với đó, theo các chuyên gia, để tiếp cận nhanh nhất với CMCN 4.0, Việt Nam nên bắt đầu bằng những bước nhỏ và đơn giản nhưng cần thực hiện ngay là đào tạo nguồn nhân lực. Tránh tình trạng công nghiệp 4.0 nhưng tay nghề và chất lượng nhân lực vẫn lẹt đẹt chỉ ở 2.0, 3.0.

Cho dù cuộc CMCN 4.0 có tác động đến các ngành nghề như thế nào thì ở một số lĩnh vực, nghề nghiệp, con người vẫn phải vận hành và đưa ra kế hoạch. Vì bản thân NLĐ phải trang bị cho mình những kiến thức, kỹ năng mới, đáp ứng yêu cầu ứng dụng CN 4.0 vào Việt Nam.