Hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách
Theo Ngân hàng Chính sách xã hội, để người dân tiếp cận được nguồn vốn vay phải tuân thủ quy trình 3 bước là: Tiến hành khảo sát phương án sản xuất để tổ chức bình xét, giải ngân và giám sát sử dụng nguồn vốn vay trong 30 ngày đầu sử dụng. Chính từ cách làm này mà đa phần bà con tiếp cận nguồn vốn vay đều sử dụng có hiệu quả. Thông qua tỷ lệ trả vốn đúng hạn chiếm đến 95%, nợ quá hạn dưới 5%. Tỷ lệ trả vốn trong năm đầu chiếm 20%, năm thứ 2 và thứ 3 chiếm 60%.
Nhờ thực hiện có hiệu quả các dự án, chương trình giảm nghèo, đặc biệt là sử dụng có hiệu quả nguồn vốn vay thoát nghèo mà nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo bền vững.
Gia đình 4 nhân khẩu, thuộc diện hộ nghèo, năm trước, chị Nguyễn Thị Hoàng Yến, ở ấp 4, xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang được Hội Liên hiệp Phụ nữ xã giới thiệu để tiếp cận nguồn vốn vay 15 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện.
Với số vốn này, một phần chị Yến đầu tư vào chăn nuôi heo, một phần làm vốn mua bán đồ rẫy trong xóm. Thời gian rảnh chị còn tham gia vào nghề đan đát được địa phương tổ chức. Có được công ăn việc làm ổn định với nguồn thu nhập từ 100.000 -150.000 đồng/ngày, cộng với nguồn thu từ mô hình nuôi heo, vừa rồi chị Yến đã xin thoát nghèo.
Chị Yến cho biết: “Trước đây gia đình quá khó khăn, có đất nhưng thiếu vốn và không tìm được mô hình sản xuất phù hợp. Cũng may nhờ địa phương hỗ trợ nên giờ đây kinh tế gia đình có bước chuyển biến. Hiện tại gia đình đã trả được một phần vốn vay và đăng ký thoát nghèo”.
Điều kiện cần để hộ nghèo tiếp cận được nguồn vốn vay sản xuất là phải xây dựng được phương án sản xuất. Để làm được điều này thì vai trò của trưởng ấp và Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể ở địa phương là rất quan trọng. Họ vừa là người hướng dẫn, kiểm tra, giám sát quá trình giải ngân và sử dụng nguồn vốn vay.
Cây Dương tuy là thị trấn trung tâm huyện Phụng Hiệp, nhưng có hơn 70% dân số sống bằng nghề nông. Cách đây 5 năm, thị trấn có gần 200 hộ nghèo và cận nghèo. Để giúp các đối tượng này có điều kiện phấn đấu vươn lên, căn cứ vào nguồn vốn phân bổ khoảng 1 tỉ đồng mỗi năm, thị trấn đã hỗ trợ cho từ 20-25 hộ nghèo và cận nghèo được tiếp cận nguồn vốn vay.
Tính đến nay, toàn thị trấn có 131 hộ vay vốn với dư nợ hơn 4 tỉ đồng. Ngoài việc định hướng mô hình và hỗ trợ kỹ thuật cho bà con, thị trấn còn phân công cho mỗi đoàn thể phụ trách từ 5-10 hộ, để kịp thời hỗ trợ những khó khăn cho bà con trong quá trình sử dụng nguồn vốn. Chính từ cách làm này, đến nay thị trấn chỉ còn 39 hộ nghèo, 102 hộ cận nghèo, giảm 18 hộ nghèo, 65 hộ cận nghèo so với năm rồi.
Ông Nguyễn Văn Thuận - Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam thị trấn Cây Dương, cho biết: Từ nguồn vốn phân bổ thì hàng năm thị trấn có rà soát nắm bắt lại hộ nghèo, rồi phối hợp với các hội đoàn thể, tổ chức thành viên và chính quyền các ấp tiến hành rà soát các đối tượng hộ nghèo, xem đối tượng nào có nhu cầu xây dựng mô hình sản xuất để hướng dẫn họ lập phương án sản xuất. Khi bà con lập được phương án sản xuất, thị trấn sẽ xem xét đánh giá phương án đó có hiệu quả hay không mới giới thiệu về trên. Cách làm này vừa hỗ trợ bà con xây dựng mô hình hiệu quả vừa không làm mất đi nguồn vốn phân bổ.
Từ các nguồn vốn ủy thác, đến nay Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Phụng Hiệp đã tổ chức cho 2.922 khách hàng là hộ nghèo và cận nghèo vay với tổng dư nợ trên 82,4 tỉ đồng. Riêng năm 2021 cho 326 khách hàng vay với số tiền trên 10,9 tỉ đồng.
Theo Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Phụng Hiệp, để người dân tiếp cận được nguồn vốn vay phải tuân thủ quy trình 3 bước là: Tiến hành khảo sát phương án sản xuất để tổ chức bình xét, giải ngân và giám sát sử dụng nguồn vốn vay trong 30 ngày đầu sử dụng. Chính từ cách làm này mà đa phần bà con tiếp cận nguồn vốn vay đều sử dụng có hiệu quả. Thông qua tỷ lệ trả vốn đúng hạn chiếm đến 95%, nợ quá hạn dưới 5%. Tỷ lệ trả vốn trong năm đầu chiếm 20%, năm thứ 2 và thứ 3 chiếm 60%.
Bà Đỗ Thị Ngọc Bích - Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Phụng Hiệp, cho biết thêm: Trước khi cho vay, ngân hàng sẽ phân công cán bộ phụ trách xã phối hợp với trưởng ấp, hội đoàn thể và tổ trưởng họp bình xét, nếu hội đủ điều kiện sẽ thống nhất chuyển hồ sơ về ngân hàng để tiến hành cho vay. Sau khi giải ngân 30 ngày đầu thì ngân hàng tiếp tục phối hợp với hội đoàn thể kiểm tra việc sử dụng nguồn vốn sử dụng đúng mục đích hay không để có những chấn chỉnh.
Theo NHCSXH chi nhánh Hậu Giang, thời gian qua chi nhánh NHCSXH tỉnh đã bám sát các văn bản chỉ đạo của Hội đồng quản trị (HĐQT), Tổng Giám đốc NHCSXH, văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Nghị quyết của Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh. Phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành, các hội đoàn thể nhận ủy thác, cấp ủy và chính quyền địa phương tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ và hiệu quả các giải pháp nhằm huy động các nguồn lực, đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Đồng thời tập trung củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách và đạt được kết quả khả quan trên các mặt hoạt động, góp phần tích cực thực hiện mục tiêu giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn tỉnh.
NHCSXH tỉnh đã chỉ đạo thực hiện tốt công tác rà soát, thống kê nhu cầu vay vốn của các chương trình hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, sản xuất kinh doanh vùng khó khăn. Từ đó, toàn chi nhánh đã chủ động triển khai kịp thời và có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh, đảm bảo nguồn vốn đến đúng đối tượng thụ hưởng, góp phần thực hiện tốt mục tiêu tạo việc làm, giảm nghèo, xây dựng NTM và đảm bảo an sinh xã hội chung của tỉnh.
Theo lãnh đạo NHCSXH chi nhánh Hậu Giang, trong thời gian qua, toàn NHCSXH chi nhánh Hậu Giang đã bám sát và tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Kết quả hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh ngày càng được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm, chất lượng hoạt động ngày càng được nâng lên.
Chi nhánh NHCSXH tỉnh còn phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cùng với các cơ quan, ban, ngành có liên quan hoàn thiện Đề án thực hiện chính sách an sinh xã hội giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, đã tham mưu bổ sung, mở rộng chính sách cho vay đối với đối tượng người có công với cách mạng được hưởng trợ cấp một lần, đề xuất nguồn lực để cho vay tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm nhằm tăng cường nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay…