Thực hiện tốt chính sách tín dụng: Góp phần phục hồi và phát triển kinh tế
Một trong những giải pháp quan trọng trong thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2022 và phục hồi nền kinh tế sau ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 chính là tăng cường đầu tư tín dụng cho nền kinh tế. Đây không chỉ là giải pháp góp phần tiếp sức cho doanh nghiệp, mà còn được ví như “nguồn máu” phải được bơm ngay vào nền kinh tế.
Tích cực cho vay
Trong Nghị quyết 01/NQ-CP về thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế năm 2022, Chính phủ chỉ đạo: Cùng với tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng, cần điều hành chủ động, linh hoạt, chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả các công cụ chính sách tiền tệ, tài khóa và các chính sách khác. Đặc biệt là ổn định thị trường tiền tệ và điều hành các giải pháp tín dụng, góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế.
Thực hiện chỉ đạo này, nhiều tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đã tập trung thực hiện tốt và ưu tiên vốn cho đầu tư phát triển sản xuất - kinh doanh (SX-KD). Điển hình như Agribank chi nhánh Bạc Liêu, ngày từ đầu năm đã chủ động và tích cực triển khai kịp thời các chủ trương, chính sách của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước về các giải pháp hỗ trợ khách hàng phục hồi SX-KD sau ảnh hưởng của đại dịch. Thông qua đầu tư tín dụng, cung ứng sản phẩm dịch vụ tiện ích của ngân hàng để góp phần phát triển SX-KD, tạo việc làm. Đồng thời, không ngừng mở rộng và tăng trưởng tín dụng ổn định và tạo điều kiện tối đa cho khách hàng được tiếp cận, sử dụng nguồn vốn của ngân hàng để đầu tư cho phát triển SX-KD.
Đặc biệt, Agribank rất quan tâm, tìm kiếm và đầu tư vào các doanh nghiệp xuất khẩu, doanh nghiệp vừa và nhỏ, cho vay hộ sản xuất nông nghiệp, tiêu dùng khách hàng khu vực nông thôn, đô thị...
Bên cạnh đó, Agribank chi nhánh Bạc Liêu cũng đã quan tâm xem xét để giải quyết kịp thời về cơ chế lãi suất, phí, thời hạn vay vốn… nhằm từng bước hỗ trợ khách hàng phát triển SX-KD ổn định. Cùng với đó là triển khai hiệu quả các chương trình cho vay đối với khách hàng, thực hiện tốt các chương trình hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi COVID-19, ưu đãi khách hàng với doanh số cho vay trên 3.600 tỷ đồng với hơn 1.500 khách hàng.
Cần hạ lãi suất
Có thể nói, việc các tổ chức tín dụng tăng cường đầu tư vốn cho phát triển SX-KD là điều đáng mừng, nhưng phần lớn chỉ tập trung vào một số ngân hàng lớn như: Agribank, Vietcombank, BIDV, Sacombank…, còn các ngân hàng thương mại cổ phần khác thì chưa tích cực tham gia, nhất là tham gia vào các chương trình hỗ trợ lãi suất, hoặc tiết giảm chi phí giao dịch.
Điều đáng quan tâm hơn cả và sẽ tác động tiêu cực đến việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết 11 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và Nghị quyết của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ cho chương trình - đó là nhiều ngân hàng thương mại cổ phần trên địa bàn tỉnh hiện nay đang “chạy đua” trong huy động vốn với lãi suất huy động khoảng 7%/năm. Với mức huy động vốn khá cao này, cộng với chi phí quản lý, giao dịch và trích lợi nhuận thì lãi suất cho vay sẽ tăng cao và chắc chắn sẽ vượt lên con số trên 12%/năm. Lãi suất cho vay này là quá sức đối với doanh nghiệp. Vì theo phản ánh của doanh nghiệp, lãi suất cho vay hiện nay nên giữ ở mức 7 - 8%/năm là hợp lý.
Bên cạnh đó, theo doanh nghiệp, Nhà nước nên khuyến khích các tổ chức tín dụng cho vay với lãi suất thấp gắn với tiếp tục thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay và giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Đồng thời thực hiện tốt các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân gắn với bảo đảm an toàn hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng.
Thực tế cho thấy, doanh nghiệp Bạc Liêu tiếp cận tín dụng từ đầu năm đến nay chưa nhiều. Bởi, sau khi có các nghị quyết của Chính phủ thì tăng trưởng tín dụng chung của cả nước đều tăng nhưng tại Bạc Liêu lại giảm. Cụ thể trong quý 1/2022, tổng dư nợ cho vay đạt 33.700 tỷ đồng, giảm 2,6% so với cùng kỳ cuối năm 2021 và tổng nợ xấu 615 tỷ đồng, chiếm 1,8%/tổng dư nợ cho vay.
Một thực tế là “sức khỏe” của doanh nghiệp tỉnh nhà có dấu hiệu yếu và thiếu, nên chưa thể tạo hay bổ sung thêm nguồn lực cho nền kinh tế với chức năng doanh nghiệp là động lực. Trong quý I/2022, việc phát triển doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn và chưa hoàn thành kế hoạch đề ra. Tính đến hết tháng 3/2022, toàn tỉnh chỉ có 93 doanh nghiệp thành lập mới, với số vốn đăng ký 434 tỷ đồng, so với cùng kỳ giảm 4,1% về số lượng và giảm 65,3% về vốn; đặc biệt có đến 87 doanh nghiệp rút khỏi thị trường, tăng 67,3% so với cùng kỳ.
Với thực trạng như hiện nay, Ngân hàng Nhà nước tỉnh cần có các giải pháp chỉ đạo, khuyến khích các tổ chức tín dụng tăng cường đầu tư vốn và tiếp tục đồng hành, chia khó cùng doanh nghiệp, nhất là giảm lãi suất cho vay, thực hiện cơ cấu lại thời hạn thanh toán nợ. Cùng với đó, mạnh dạn đầu tư cho vay mới, khuyến khích các hình thức cho vay tín chấp thay vì phải thế chấp theo quy định, nhằm tạo mọi điều kiện giúp doanh nghiệp phục hồi SX-KD và góp phần để tỉnh Bạc Liêu thực hiện thắng lợi các nghị quyết của Chính phủ về phục hồi và phát triển kinh tế.
Để tiếp sức cho nền kinh tế, UBND tỉnh Bạc Liêu chỉ đạo trong quý II/2022 tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp khắc phục khó khăn về vốn tín dụng, nhất là người vay bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, hạn hán và các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các lĩnh vực sản xuất lưu thông hàng hóa thiết yếu, các lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh tập trung tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng phục vụ phát triển SX-KD. Tiếp tục thực hiện Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp và triển khai các chương trình gắn kết tín dụng ngân hàng với chính sách kinh tế, chuyển dịch cơ cấu tín dụng theo hướng tập trung vốn cho vay đối với các chương trình, chính sách tín dụng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ…