Hỗ trợ doanh nghiệp nhà nước tạo bước đột phá mới trong thoái vốn
(Tài chính) Vấn đề thoái vốn ngoài ngành trong doanh nghiệp nhà nước thời gian qua gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện; thiếu biện pháp quyết liệt và một lộ trình thực hiện rõ ràng theo nguyên tắc thị trường dẫn đến nhiều doanh nghiệp loay hoay, lúng túng với câu hỏi thoái vốn ra sao? Thoái vốn với những khoản đầu tư nào?
Để thể hiện rõ quyết tâm đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn ngoài ngành tại các doanh nghiệp Nhà nước; ngày 6/3/2014, Chính phủ ra Nghị quyết số 15/NQ-CP về một số giải pháp đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước trong doanh nghiệp. Ngay sau đó, thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 51/2014/QĐ-TTg về một số nội dung về thoái vốn, bán cổ phần và đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán của doanh nghiệp nhà nước; nhằm mục đích pháp quy hóa, hướng dẫn thực hiện Nghị quyết số 15/NQ-CP. Quyết định số 51/2014/QĐ-TTg có nhiều điểm mới nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong thoái vốn tại các DNNN.
Thứ nhất, cho phép thoái vốn dưới mệnh giá và dưới giá trị sổ sách
Đây là điểm mấu chốt “khai thông” cho quá trình thoái vốn ngoài ngành của doanh nghiệp nhà nước gây tranh cãi xôn xao thời gian gần đây. Các khoản vốn đầu tư được định giá dưới mức mệnh giá và dưới giá trị sổ sách trước khi Nghị quyết số 15/NQ-CP ra đời, gặp nhiều khó khăn trong quá trình thoái vốn; nay đã có cơ chế cho doanh nghiệp tìm phương án xử lý phù hợp và dễ dàng hơn.
Thứ hai, quy định giá khởi điểm và giảm giá bán tối đa
Cơ chế này mở “lối thoát” cho những doanh nghiệp gặp khó khăn trong tìm kiếm và thu hút các nhà đầu tư; quy định điều chỉnh giảm giá bán tối đa cũng giúp doanh nghiệp chủ động hơn trong quá trình thoái vốn, “nới rộng” khoản cắt lỗ lớn cho doanh nghiệp.
Thứ ba, lỗ lũy kế năm liền trước vẫn được chào bán cổ phần
Điểm mở của Quyết định số 51/2014/QĐ-TTg còn nằm ở việc cho phép đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước được thực hiện chuyển nhượng vốn nhà nước tại các công ty cổ phần có kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm liền trước năm đăng ký chào bán có lỗ và có lỗ lũy kế tính đến năm đăng ký chào bán; có lỗ nhưng không có lỗ lũy kế, có lãi nhưng có lỗ lũy kế tính đến năm đăng ký chào bán.
Thứ tư, ngân hàng Nhà nước và SCIC tham gia mua lại cổ phần
Ngân hàng Nhà nước và SCIC tham gia mua lại cổ phần trong các doanh nghiệp nhà nước có vốn đầu tư trong cả lĩnh vực bảo hiểm, ngân hàng và các lĩnh vực khác theo lộ trình và quy định chặt chẽ. Điều này thể hiện quyết tâm của toàn bộ hệ thống Chính trị và Tài chính Quốc gia trong giai đoạn cấp bách của quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước thời gian vừa qua.
Thứ năm, cổ phần hóa gắn với đăng ký giao dịch và niêm yết
Đối với các doanh nghiệp cổ phần hóa sau ngày 1/11/2014 trong thời hạn 90 ngày phải hoàn tất thủ tục đăng ký công ty đại chúng, đăng kí cổ phiếu và đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch Upcom. Đối với các doanh nghiệp đã chính thức chuyển thành công ty cổ phần trước ngày 1/11/2014 thì phải có trách nhiện hoàn tất việc thực hiện đăng ký giao dịch và niêm yết theo quy định trong thời hạn tối đa một năm kể từ ngày Quyết định số 51/2014/QĐ-TTg có hiệu lực. Quy định này thể hiện nỗ lực của nhà nước trong cải cách doanh nghiệp nhà nước theo xu thế kinh tế thị trường, minh bạch thông tin, tự nâng cao năng lực cạnh tranh để huy động các nguồn vốn đầu tư từ xã hội.
Có thể thấy được nỗ lực cũng như quyết tâm của toàn hệ thống chính trị để nâng cao sức khỏe doanh nghiệp, tăng năng lực cạnh tranh và làm lành mạnh hệ thống tài chính để phát triển bền vững.Hy vọng Quyết định số 51/2014/QĐ-TTg sẽ giúp DNNN tạo những bước đột phá mới trong thoái vốn đầu tư ngoài ngành./.