Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa
(Tài chính) Sau quá trình phấn đấu quyết liệt, lạm phát đã được kiềm chế, kinh tế vĩ mô ổn định, đang lấy lại đà tăng trưởng, hướng tới mục tiêu GDP tăng 5,8% trong năm nay. Từ tín hiệu hồi phục của kinh tế thế giới và trong nước, lúc này rất cần cộng đồng doanh nghiệp nỗ lực nắm bắt thời cơ, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, tiêu thụ và xuất khẩu hàng hóa.
Trong nỗ lực chung đó, lực lượng các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) có vai trò hết sức quan trọng. DNNVV chiếm gần 97% trong tổng số doanh nghiệp (DN) của cả nước, bao gồm đủ các ngành, nghề, có mặt ở khắp mọi nơi ,từ đô thị đến vùng sâu, vùng xa, đồng bằng, miền núi, đóng góp khoảng 40% GDP, giải quyết việc làm cho mấy chục triệu người... DNNVV có ưu thế là linh hoạt, dễ thích ứng với thời cuộc, dễ đi đầu tạo sự chuyển biến nhanh trong những tình huống như hiện nay; tuy nhiên, cũng còn nhiều nhược điểm và chịu sự thiệt thòi, như: vốn tự có ít lại khó tiếp cận các nguồn tín dụng ngân hàng; năng lực quản trị và kỹ thuật, công nghệ chưa cao; sự quan tâm của các cấp, các ngành chưa tương xứng...
Bởi vậy, nhiều ý kiến đáng quan tâm, trong đó có ý kiến của Hiệp hội DNNVV Việt Nam cho rằng, vấn đề vừa có tính thời sự, vừa có tính chiến lược lâu dài là hỗ trợ các DNNVV nhiều hơn và nhanh hơn, hiệu quả hơn theo hướng:
Một là, các bộ, ngành chức năng như công thương, tài nguyên - môi trường, tài chính, thuế tiếp tục sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách, đồng thời tích cực hướng dẫn, giúp đỡ để mấy trăm nghìn DNNVV nâng cao vị thế, thương hiệu, vững vàng tham gia có hiệu quả chuỗi tiêu thụ sản phẩm và phân phối lợi ích trên thị trường trong nước và thế giới. Nhất là chính sách thuế, cần có sự ưu tiên nhiều hơn nữa đối với những DN tạo ra được nhiều việc làm và những DN gắn bó với nông nghiệp, nông dân, nông thôn, trong đó đặc biệt ưu tiên những DN và hộ ngư dân gắn sản xuất, đánh bắt hải sản với bảo vệ ngư trường, bảo vệ chủ quyền biển và hải đảo của Tổ quốc.
Hai là, nâng cao chất lượng và tính thực tế của tín dụng ngân hàng đối với các DNNVV. Trong đó, cần nới lỏng thủ tục về thế chấp, bảo lãnh (nhưng vẫn bảo đảm chặt chẽ), cơ cấu lại nợ, gia hạn nợ, áp dụng mức lãi suất hiện nay cho các khoản nợ cũ đối với những khách hàng làm ăn nghiêm túc nhưng bị khó khăn tạm thời do khách quan... Ðồng thời, các ngân hàng chính sách (như Ngân hàng Phát triển Việt Nam) tăng tỷ trọng cho vay đối với các DNNVV. Mặt khác, huy động, khai thác và sử dụng nhiều nguồn vốn hơn để hỗ trợ khu vực DNNVV ở nước ta, kể cả vốn trong nước và vốn nước ngoài, vốn ủy thác cho vay, vốn tài trợ dự án của các tổ chức tài chính quốc tế.
Ba là, các cấp chính quyền địa phương quan tâm hơn nữa đối với DNNVV, như: trong phạm vi quyền hạn theo luật định, có thể miễn, giảm tiền thuê đất và một số thuế, phí, lệ phí; hỗ trợ đổi mới công nghệ, hỗ trợ thông tin, xúc tiến mở rộng thị trường...
Các biện pháp nêu trên cùng với nỗ lực của Hiệp hội DNNVV Việt Nam và cộng đồng DN được kỳ vọng sẽ tạo nên sức bật mới, góp phần nhanh chóng lấy lại đà tăng trưởng kinh tế nước ta trong giai đoạn phát triển mới.