Bến Tre:
Hỗ trợ khách hàng có nợ đến hạn trong thời gian giãn cách
Trong thời gian giãn cách xã hội, nhiều người dân không thể đến ngân hàng để giao dịch. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam Chi nhánh tỉnh Bến Tre đã chỉ đạo các ngân hàng không bắt buộc khách hàng đến ngân hàng để thực hiện các giao dịch đến hạn. Đồng thời, ngân hàng cần xem xét, áp dụng các giải pháp hỗ trợ khách hàng có nợ đến hạn.
Cơ cấu lại thời hạn
Giãn cách xã hội khiến việc đi lại của người dân gặp khó khăn. Các giao dịch với ngân hàng không thể thực hiện được. Bức thiết nhất là các nhu cầu về trả nợ gốc, nợ lãi, rút tiền tiết kiệm đến hạn. Trước tình hình này, NHNN tỉnh đã ban hành một số văn bản chỉ đạo nhằm đảm bảo hoạt động ngân hàng trên địa bàn vừa đúng quy định pháp luật, không bị ách tắc, vừa an toàn, tuân thủ các quy định về phòng chống dịch.
Tại Công văn số 802/BTR-THNS ngày 29/7/2021 của NHNN tỉnh về triển khai hoạt động ngân hàng trên địa bàn bị cách ly, phong tỏa gửi các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn tỉnh, NHNN tỉnh đề nghị, các TCTD trên địa bàn quán triệt và nghiêm túc thực hiện Công điện số 01 ngày 18/7/2021 của NHNN Việt Nam về tăng cường công tác phòng chống dịch COVID-19 trong tình hình mới.
Trong đó, xem xét, áp dụng các giải pháp hỗ trợ khách hàng có nợ đến hạn (gốc, lãi) nhưng không đến được để trả nợ cho TCTD do thực hiện cách ly y tế hoặc trong khu vực bị phong tỏa, hạn chế đi lại giữa các địa phương trong tỉnh theo các quy định hiện hành. Đặc biệt, không yêu cầu khách hàng đến ngân hàng thực hiện các nghĩa vụ đến hạn về trả nợ, lãi vay… trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch COVID-19.
Các quy định hỗ trợ khách hàng gồm: Thông tư số 01/2020/TT-NHNN của NHNN Việt Nam quy định về TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch COVID-19; Thông tư số 03/2021/TT-NHNN của NHNN Việt Nam ngày 17/5/2021 sửa đổi, bổ sung Thông tư số 01/2021/TT-NHNN và chủ trương giảm lãi suất đối với dư nợ cho vay hiện hữu và cho vay mới đã được Hội sở TCTD đồng thuận.
Đối với các khách hàng tiền gửi đến hạn rút gốc và lãi tiền gửi, các TCTD có biện pháp thông tin, vận động khách hàng hạn chế trực tiếp đến giao dịch nếu không thực sự cần thiết. Trường hợp TCTD có chi nhánh, phòng giao dịch tạm dừng hoạt động theo quyết định của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch ở địa phương, thì đề nghị TCTD chỉ đạo chi nhánh, phòng giao dịch phối hợp với các cơ quan báo, đài địa phương thông tin đến khách hàng nắm và công bố số điện thoại đường dây nóng để khách hàng liên hệ khi cần thiết.
Hỗ trợ tháo gỡ khó khăn
Ngành ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã thực hiện các giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp. NHNN tỉnh đã chỉ đạo các TCTD trên địa bàn rà soát, đánh giá dư nợ bị ảnh hưởng và chủ động, tích cực triển khai các giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho khách hàng.
Đến nay, theo thống kê của các ngân hàng, có trên 22 ngàn tỷ đồng (gần 50%) dư nợ bị ảnh hưởng và đã được thực hiện các biện pháp hỗ trợ theo quy định như: cơ cấu lại, miễn, giảm lãi, cho vay mới phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Cụ thể, dư nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ 617 tỷ đồng; dư nợ miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ 446 tỷ đồng; dư nợ được hạ lãi suất thông thường 3.516 tỷ đồng; số tiền lãi đã được miễn giảm (lũy kế) 1,2 tỷ đồng, doanh số cho vay mới 17.922 tỷ đồng.
ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Chi nhánh tỉnh (Agribank Bến Tre) có số lượng khách hàng hầu hết ở nông thôn với trên 90% dư nợ cho vay ở lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Trong tình hình giãn cách xã hội, việc đi lại của người dân nông thôn đến các thị trấn, thị tứ nơi có các điểm giao dịch ngân hàng gặp nhiều khó khăn.
Ông Phan Minh Châu - Phó giám đốc Agribank Bến Tre cho biết: “Để hỗ trợ người dân, khách hàng, Agribank đã triển khai nhiều chính sách ưu đãi như miễn, giảm phí chuyển tiền, cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ, không thu lãi quá hạn trong thời gian khách hàng bị cách ly, trong khu phong tỏa; cho vay mới phục hồi sản xuất, kinh doanh với lãi suất ưu đãi, giảm lãi suất đối với dư nợ hiện tại...
Gần 100% khách hàng có nợ đến hạn đều được hỗ trợ, trừ những khách hàng nợ xấu. Cụ thể, Agribank Bến Tre đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ khoảng 400 tỷ đồng cho 230 khách hàng. Dư nợ được miễn giảm lãi đối với 350 tỷ đồng cho 74 khách hàng. Dư nợ cho vay mới phục hồi sản xuất, kinh doanh 850 tỷ đồng, với 220 khách hàng.
Agribank Bến Tre chủ động giảm tiếp (lần 5) lãi suất cho vay đối với khách hàng cá nhân và tổ chức vay vốn bằng Việt Nam đồng tại Agribank. Cụ thể, đối với các khoản vay còn dư nợ đến ngày 15/7/2021, Agribank giảm tiếp 10% so với lãi suất cho vay đang áp dụng đối với dư nợ cho vay ngắn hạn có lãi suất từ 5%/năm trở lên và dư nợ cho vay trung, dài hạn có lãi suất từ 7%/năm trở lên (không áp dụng đối với các khoản cho vay đã được ưu đãi lãi suất, miễn, giảm lãi) và một số hỗ trợ khác, với thời gian áp dụng lãi suất cho vay điều chỉnh giảm từ ngày 15/7 đến hết ngày 31/12/2021. Tổng số tiền lãi dự kiến giảm tại Chi nhánh Bến Tre 88,5 tỷ đồng.
Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh Bến Tre Lê Công Thành
“Trong quản lý, NHNN tỉnh đã tổ chức các đợt thanh tra, kiểm tra đột xuất việc thực hiện các chính sách hỗ trợ khách hàng của các ngân hàng, bảo đảm chính sách được triển khai thực hiện đúng thực chất, không hình thức. Để hỗ trợ công tác phòng chống dịch của tỉnh, toàn ngành ngân hàng trên địa bàn đã vận động, ủng hộ gồm tiền và hiện vật, với tổng giá trị trên 17 tỷ đồng, bao gồm ủng hộ của Hội sở ngân hàng hơn 14 tỷ đồng.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh yêu cầu các tổ chức tín dụng tăng cường triển khai dịch vụ ngân hàng trực tuyến để giao dịch. Vận động khách hàng tiền gửi tái tục thêm kỳ hạn gửi tiền, hoặc thực hiện chi trả tiền gửi qua tài khoản của khách hàng, nhằm hạn chế việc người dân đến ngân hàng giao dịch trực tiếp”.