Hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp cho hộ cận nghèo tới 90%

PV

(Tài chính) Thủ tướng Chính phủ đã quyết định nâng mức hỗ trợ tham gia thí điểm bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) cho hộ nông dân, cá nhân cận nghèo sản xuất nông nghiệp lên mức 90%

Đã có hơn 149.000 hộ tham gia bảo hiểm cây lúa - Ảnh minh họa
Đã có hơn 149.000 hộ tham gia bảo hiểm cây lúa - Ảnh minh họa
Nâng mức hỗ trợ

Quyết định 358/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 315/QĐ-TTg ngày 1/3/2011 về việc thực hiện thí điểm BHNN giai đoạn 2011 - 2013 vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành, trong đó có quy định về nâng mức hỗ trợ phí BHNN  cho hộ  nông dân cận nghèo tham gia bảo hiểm, thay vì mức hỗ trợ từ 80% hiện nay sẽ được nâng lên 90% .

Hộ nông dân, cá nhân, tổ chức sản xuất nông nghiệp tham gia thí điểm bảo hiểm đối với vật nuôi thì vẫn được hưởng cơ chế, chính sách hỗ trợ theo Quyết định 719/QĐ-TTg ngày 5/6/2008 về chính sách hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm; Quyết định 1442/QĐ-TTg ngày 23/8/2011 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 719/QĐ-TTg; Quyết định 142/2009/QĐ-TTg ngày 31/12/2009 về cơ chế, chính sách hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh và Quyết định 49/2012/QĐ-TTg ngày 8/11/2012 về sửa đổi, bổ sung Điều 3 của Quyết định 142/2009/QĐ-TTg.

Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố thuộc địa bàn triển khai thí điểm sẽ căn cứ vào mức bồi thường bảo hiểm thực tế để quyết định  mức cụ thể sẽ hỗ trợ trực tiếp cho các hộ nông dân, cá nhân, tổ chức sản xuất nông nghiệp bảo đảm tổng mức bồi thường bảo hiểm và mức hỗ trợ trực tiếp đối với trường hợp vật nuôi bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh gây ra theo nguyên tắc không vượt quá giá trị kinh tế của vật nuôi tại thời điểm vật nuôi bị thiệt hại.

Trong Quyết định 358/QĐ-TTg đã quy định cụ thể về thời hạn ký kết các hợp đồng bảo hiểm:  các hợp đồng bảo hiểm được ký kết đến ngày 31/12/2013; việc tổng kết, đánh giá phải tiến hành trước ngày 30/6/2014.

Một số kết quả sau hơn 1 năm triển khai thí điểm BHNN 

Đến nay, việc thí điểm BHNN đã được triển khai ở 20 tỉnh, thành phố. Theo số liệu của Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính, qua hơn 1 năm triển khai thực hiện thí điểm BHNN theo Quyết định 315/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tính đến hết tháng 10/2012, đã có 160.787 hộ dân tham gia ký hợp đồng bảo hiểm (trong đó 85% hộ nghèo), tổng giá trị bảo hiểm cây trồng, vật nuôi, thủy sản là 1.845 tỷ đồng, phí bảo hiểm là 130.518 triệu đồng.

Các tỉnh Bắc Ninh, Đồng Nai, Nghệ An, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Bình Định, Hà Nội đã triển khai bảo hiểm vật nuôi, số liệu cụ thể:
- Tổng số vật nuôi tham gia bảo hiểm là: 3.700 con trâu, bò; 179.800 con lợn và 821.000 con gia cầm;
- Tổng số hộ tham gia bảo hiểm là 7.362 hộ;
- Tổng giá trị được bảo hiểm 186.378 triệu đồng;
- Tổng số phí bảo hiểm là 12.259 triệu đồng;
- Đã phát sinh bồi thường 23 triệu đồng.

Các tỉnh có thế mạnh về trồng lúa như Bình Thuận, Đồng Tháp, Nghệ An, Thái Bình, Hà Tĩnh, Nam Định, An Giang… đã triển khai thí điểm bảo hiểm cây lúa, số liệu cụ thể:
- Tổng diện tích trồng lúa đã tham gia bảo hiểm là 36.997 ha;
- Tổng số hộ tham gia bảo hiểm là 149.502 hộ;
- Tổng giá trị được bảo hiểm hơn 823.255 triệu đồng;
- Tổng số phí bảo hiểm là 35,9 tỷ đồng.

Kết quả này đã khuyến khích các doanh nghiệp tham gia thực hiện dịch vụ BHNN tăng cường triển khai các hoạt động tuyên truyền và vận động mạnh mẽ hơn. Hiệu quả và lợi ích của BHNN đã thúc đầy ngưòi nông dân tham gian ngày càng nhiều hơn vào loại hình dịch vụ ích nước, lợi nhà này.