Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp: Khó và dễ
Thống kê của Bộ Nội vụ và Trung tâm Phát triển thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cho thấy, hơn 40% thanh niên Việt Nam đang làm công việc không phù hợp với trình độ. Đối với thanh niên có trình độ từ đại học trở lên, 92% mong muốn có việc làm tay nghề cao, nhưng trên thực tế chỉ có 70% thực sự có việc làm; 30% còn lại thất nghiệp hoặc thiếu việc làm.
Theo thống kê, đa số thanh niên có việc làm được trả lương thấp hơn mức tiền lương hoặc thu nhập trung bình. Đáng lo hơn, trong tổng số gần 1,1 triệu người đang thất nghiệp trên phạm vi cả nước, lực lượng thanh niên chiếm khoảng 50%. Theo thống kê của OECD, tỷ lệ thanh niên thoái chí ở nước ta chiếm khoảng 10% và có xu hướng tiếp tục tăng. Trong thời gian đi học, gần 80% thanh niên không tích cực tìm việc, không chủ động sáng tạo, thậm chí nhiều người thụ động tiếp cận tri thức, công nghệ mới… phù hợp với yêu cầu của thị trường lao động.
Trong khi một bộ phận không nhỏ thanh niên đang “mắc kẹt” giữa những công việc chất lượng kém hoặc “ăn không ngồi rồi”, thì người sử dụng lao động lại rất khó tuyển được lao động trẻ đáp ứng tốt yêu cầu công việc. Sự bất hợp lý này vừa ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống, tương lai của mỗi thanh niên và gia đình họ, vừa ảnh hưởng tới chất lượng nguồn nhân lực trẻ - lực lượng lao động hạt nhân, nòng cốt phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội.
Phản hồi từ nhiều nhà tuyển dụng cũng chỉ ra một thực tế đó là việc thiếu kỹ năng mềm là nguyên nhân khiến thanh niên thất nghiệp. Theo nhiều nhà tuyển dụng, dù rất quan tâm đến bằng cấp nhưng vấn đề là “chất lượng” bằng cấp đó như thế nào, và quan trọng nữa là khả năng sáng tạo, thế nhưng phần lớn sinh viên ra trường hiện nay không đáp ứng được những yêu cầu đó của nhà tuyển dụng. Muốn sử dụng được lực lượng lao động, các doanh nghiệp phải chấp nhận đào tạo lại từ đầu, kể cả những sinh viên tốt nghiệp từ trường đại học hàng đầu.
Vì sao tỷ lệ thất nghiệp thanh niên, cử nhân ngày càng gia tăng, theo các chuyên gia, nguyên nhân là do nội dung chương trình giảng dạy ở Việt Nam thiên về giáo dục chính quy và cấp bằng đại học hơn là giáo dục không chính quy và đào tạo nghề.
Tại các cơ sở đào tạo nghề, nội dung chương trình giảng dạy còn lạc hậu; cơ sở vật chất, trang thiết bị chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới; sự kết nối giữa các cơ sở đào tạo với doanh nghiệp chưa chặt chẽ. Chính sách phúc lợi dành cho thanh niên có một số nội dung chưa thực sự phù hợp, chưa khuyến khích thanh niên phát huy hết năng lực, sở trường.
Khơi gợi sự sáng tạo
Để giải bài toán thanh niên, cử nhân thất nghiệp, việc nâng cao chất lượng giáo dục nói chung, chất lượng đào tạo nghề nói riêng theo hướng khuyến khích học sinh, sinh viên tích cực sáng tạo, chủ động khởi nghiệp là giải pháp trọng tâm, xuyên suốt nhằm cân đối cung - cầu thị trường lao động, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Với mục tiêu này, ngày 30/10/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1665/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp”.
Triển khai Quyết định 1665, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ, TB - XH) cho biết, các biện pháp hỗ trợ dự kiến triển khai là đào tạo khởi nghiệp; tạo môi trường cho sinh viên khởi nghiệp; hỗ trợ nguồn vốn cho các chương trình, dự án khởi nghiệp… Dù vậy, làm thế nào để triển khai Đề án hiệu quả không hề đơn giản bởi trên thực tế khởi nghiệp không phải bây giờ mới được triển khai mà đã được nhiều trường thực hiện, tuy nhiên, vẫn chưa thực sự hiệu quả bằng chứng là sinh viên ra trường vẫn khá lạ lẫm vì thiếu kỹ năng mềm, thiếu tự chủ…
“Để học sinh, sinh viên dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn đưa ra ý tưởng khởi nghiệp, trước hết đội ngũ cán bộ, giảng viên phải thay đổi tư duy, đổi mới phương pháp giảng dạy, phải truyền “lửa” đam mê nghề nghiệp đến người học.
Ngoài ra, các cơ sở đào tạo nghề cũng nên thay đổi cách thức hợp tác với doanh nghiệp trong quá trình đào tạo theo hướng “Mang doanh nghiệp đến nhà trường - Mang sinh viên đến doanh nghiệp”. Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế Cung Trọng Cường nói.
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, việc triển khai Đề án 1665 được xem là bước đột phá nhằm lấp khoảng trống về thiếu hụt kỹ năng cho thanh niên, sinh viên nhưng để khơi gợi sự sáng tạo của thanh niên, sinh viên thì không chỉ đơn thuần là hỗ trợ vốn mà còn phải đổi mới chương trình đào tạo, rút ngắn khoảng cách giữa lý thuyết và thực hành.