Khởi nghiệp thành công: Học thuật hay kinh nghiệm thực tiễn?
Nhiều ý kiến cho rằng khởi nghiệp cần kinh nghiệm hơn cần kiến thức học thuật nhưng các chuyên gia lại có ý kiến khác.
Dưới cái bóng quá lớn của Bill Gates của Microsoft Corporation và Mark Elliot Zuckerberg của Facebook, nhiều bạn trẻ đã nghĩ đến việc rời ghế nhà trường để khởi nghiệp từ sớm như các thần tượng của mình. Nhiều bạn trẻ thắc mắc có cần theo đuổi việc học để có được kiến thức học thuật trong khi để trở thành doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) thì phải trải nghiệm kinh doanh thực tế? Có vẻ như khi có ý tưởng mới để lao vào khởi nghiệp thì việc học trong nhà trường trở nên còn quan trọng nữa?
Nhà trường là nơi đào tạo nhân lực có chuyên môn
Ngoài hai ví dụ rất thành công dù không có bằng cấp nói trên thì nhiều tấm gương khởi nghiệp thành công trong những lĩnh vực trái với ngành họ đã học cũng đã khiến cho không ít bạn trẻ – sinh viên củng cố thêm niềm tin rằng cứ kinh doanh đi, việc học đại học không đóng góp cho thành công sau này.
Không chỉ sinh viên mà một số chuyên gia cũng quan tâm về câu hỏi trường học có là chứng chỉ để các doanh nghiệp khởi nghiệp và kinh doanh thành công? PGS.TS Nguyễn Anh Thi, Giám đốc Khu công nghệ phần mềm ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, ghi nhận những thắc mắc về hỗ trợ từ nhà trường cho các doanh nghiệp khởi nghiệp.
Theo ý kiến cá nhân của ông, môi trường đại học cung cấp các kiến thức chuyên môn, đào tạo nguồn lực có khả năng đổi mới sáng tạo nhưng không thể là bảo chứng cho việc một sinh viên khi ra trường sẽ khởi nghiệp thành công. Khi các trường đại học muốn hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp thì có thể kết hợp với các đơn vị kinh tế để xây dựng lên các trung tâm sáng tạo, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho các sinh viên kinh doanh khởi nghiệp.
Tương tự, Todd Lemley, Giám đốc điều hành của công ty đầu tư Pario Holdings và thành viên của quỹ đầu tư Angelus Funding, trong hội thảo ‘Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp: kinh nghiệm Boulder, Colorado’ tại Saigon Innovation Hub trong tháng 2 đã đưa ra ý kiến rằng nhà trường có thể đào tạo những kiến thức như công nghệ thông tin, kỹ sư nhưng doanh nghiệp thì không vì ý tưởng sáng tạo ra mỗi doanh nghiệp phải đến từ chính người sáng lập.
Ông Trương Công Hải, đồng sáng lập Công ty cổ phần MIDEAS, cho biết các giá trị học được trong nhà trường rất quan trọng. Việc học để trở thành Kỹ sư lập trình đã giúp ông rất nhiều đối với việc phát triển các sản phẩm tại doanh nghiệp do ông làm chủ, chẳng hạn như các ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Không những vậy, khi công nghệ ngày càng nâng cao thì việc cập nhật cũng dễ hơn với những ai đã có nền tảng kiến thức học thuật từ nhà trường.
Nhìn chung, không thể phủ nhận kinh nghiệm làm việc thực tế, tự kinh doanh rất quan trọng trong khởi nghiệp nhưng thiếu nền tảng kiến thức tại nhà trường là không được, nhất là đối với các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ.
Trong khi đó, ông Đỗ Nguyên Thanh Đồng, Chủ tịch HĐTV Công ty cổ phần công nghệ Acis, cũng đã chia sẻ câu chuyện khởi nghiệp của mình khi làm trái nghề rằng ông học ngành xây dựng 5 năm nhưng lại khởi nghiệp trong ngành công nghệ. Tất cả kiến thức từ nhà trường đều không hỗ trợ được công việc kinh doanh của ông.
Lấn sân vào lãnh vực giải pháp cho điều khiển điện thông minh và nông nghiệp, ông đã đưa ra nhiều ý tưởng sản phẩm kinh doanh mới nhưng đã thất bại, khiến phải vay mượn nhiều lần trong nhiều năm mới có thể gầy dựng được thành công trong hôm nay. Theo ông quan sát, ngay cả kinh nghiệm làm việc và kinh doanh cũng chưa bảo đảm cho một doanh nhân khởi nghiệp thành công.
Cho nên, điều quan trọng là cần xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp vững chắc. Hệ sinh thái này sẽ bao gồm các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, các trường đại học, những tổ chức nghiên cứu, các quỹ đầu tư, mạng lưới liên kết… Tất cả cùng chung mục tiêu hỗ trợ cho các sinh viên khởi nghiệp với chất lượng tốt hơn.
Lý tưởng và thực tế
Các ý tưởng sáng tạo của các doanh nghiệp khởi nghiệp phải thực tế vì không tránh khỏi những người trẻ tuổi thường có nhiệt huyết nhưng cũng có thể có những ảo tưởng. Các chuyên gia khuyên các sinh viên trẻ cần nhận thức được rằng con đường khởi nghiệp không phải chỉ có thành công, mà ngay cả khi thành công rồi cũng phải trải qua nhiều giai đoạn rất khó khăn.
Để có tiền nuôi dưỡng các dự án trong vòng nhiều năm, nhiều người phải đi làm thêm hoặc vay mượn từ nhiều nguồn nhưng nếu phải trả nợ với lãi suất cao thì áp lực rất lớn. Ngoài ra, trong khoảng thời gian đầu, các công ty khởi nghiệp thường sẽ phải đánh đổi nhiều thứ để tối thiểu hóa các chi tiêu nhằm dành ưu tiên cho lập nghiệp đồng thời lại tối đa hóa thời gian cho doanh nghiệp. Chưa kể việc niềm tin của họ cũng có thể sẽ lung lay khi người thân và bạn bè nghi ngờ các ý tưởng sáng tạo mới.
Thậm chí, khách hàng cũng nghi ngờ các sản phẩm mới lạ. Ông Todd Lemley kể rằng ông đã thấy điều này ở Mỹ khi các start up mang ý tưởng kiến tạo về nghề nông thì không nhận được sự quan tâm, vì người làm nông không muốn bỏ tiền ra đầu tư để thay đổi những việc họ đang làm trong rất nhiều năm. Ông cho rằng vấn đề nằm ở các start up với các ý tưởng tốt nhưng lại không tìm đến nói chuyện với khách hàng tương lai để hiểu nhu cầu thực tế. Các bạn trẻ khi khởi nghiệp cũng nên hiểu các rủi ro này trước khi chọn khởi nghiệp kinh doanh và rời ghế nhà trường.
Khi gặp rủi ro như thị trường không chấp nhận sản phẩm của mình, các “startup” nên nhìn thấy thực tế và dám dũng cảm từ bỏ hết ý tưởng và công sức trước đó để làm lại một doanh nghiệp mới, sản phẩm mới. Thực tế cho thấy hiếm có doanh nghiệp khởi nghiệp nào gặt hái thành công ngay chỉ với một lần khởi nghiệp.
Có thể kể ra trong quá khứ, không chỉ các “startup” nhỏ mới phải vướng vào vấn đề tương tự, mà ngay cả hãng Honda của Nhật khi xâm nhập thị trường Mỹ vào những năm 60-70 với ý tưởng chỉ sản xuất xe mô tô loại lớn, nhưng trong vòng 2 năm đã không bán được xe vì thị trường không đón nhận. Điều này buộc Honda phải thay đổi sản phẩm của mình thành xe hơi, xe máy loại nhỏ và xe thể thao như ngày nay.
Hiện tinh thần khởi nghiệp tại Việt Nam đang hừng hực với sự hỗ trợ của chính phủ qua Đề án ‘Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025’ để kết nối thu hút đầu tư. Nguồn vốn dồi dào từ nước ngoài đang đổ vào Việt Nam, nhưng như vậy đã đủ chưa? Theo ông Todd Lemley, những hỗ trợ từ bên ngoài có thể giúp đào tạo kiến thức và tài chính cho các “startup” nhưng chỉ có họ mới tự tạo ra đam mê, kiên nhẫn để khởi nghiệp thành công.