Hóa giải thách thức cho ngành Da giày

Theo kinhtevadubao.vn

Dù đang trong quá trình hội nhập sâu rộng, nhưng ngành da giày vẫn thiếu chủ động nguồn nguyên liệu, lép vế trước các doanh nghiệp (DN) FDI, bỏ quên thị trường nội địa...

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thách thức đặt ra

Theo Bộ Công Thương, 6 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu của ngành da giày đạt 7,94 tỷ USD, chỉ tăng xấp xỉ 7%. Theo đánh giá, đây là mức tăng trưởng thấp nhất trong vòng 4 năm trở lại đây, trong khi ngành da giày hiện chiếm 8%-10% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng năm cả nước.

Việt Nam đang là nước sản xuất giày dép đứng thứ 3 châu Á sau Trung Quốc, Ấn Độ và đứng thứ 4 thế giới. Hiện Việt Nam đang sản xuất khoảng 920 triệu đôi giày mỗi năm, xuất khẩu hơn 800 triệu đôi tới hơn 50 thị trường trên thế giới, trong đó Liên minh châu Âu (EU) chiếm tỷ lệ lớn nhất. Sản phẩm túi xách cũng được xuất khẩu sang 40 nước, trong đó thị trường Mỹ chiếm tỷ lệ cao nhất với 41,6%.

Với 12 hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết với các nước và khu vực trên thế giới, xuất khẩu da giày của Việt Nam sẽ được hưởng ưu đãi lớn khi mức thuế xuất giảm mạnh từ 3,5%-57,4% xuống 0%, mở ra cơ hội tăng trưởng xuất khẩu lớn cho ngành da giày.

Tuy nhiên, khi các hàng rào thuế quan được hạ xuống thì các hàng rào kỹ thuật và phi thuế quan lại được dựng lên. Đây là thách thức cho các DN sản xuất da giày vừa và nhỏ trong nước. Hơn nữa, một số nước, như: Campuchia, Myanmar, Bangladesh... đang sản xuất những dòng giày dép cơ bản và có khả năng được hưởng thuế nhập khẩu ưu đãi từ Liên minh châu Âu, Mỹ và sẽ là đối thủ cạnh tranh trực tiếp của Việt Nam.

Bên cạnh đó, dù da giày là một trong những ngành có kim ngạch xuất khẩu cao nhất của Việt Nam, nhưng “phần bánh” xuất khẩu lại hầu hết đang nằm trong tay các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Theo Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso), ở Việt Nam hiện nay có khoảng 800 DN FDI, mặc dù chiếm chưa đến 25% số lượng DN hoạt động trong ngành, nhưng đang quyết định tới 77% giá trị xuất khẩu, trong đó nhiều DN FDI đang giữ vai trò dẫn dắt thị trường.

Chẳng hạn Pouchen với hệ thống dày đặc các công ty con, đã đem về doanh số lên tới trên 30.000 tỷ đồng trong năm 2014 (tương đương 17% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành da giày của Việt Nam).

Các DN FDI đã rất chủ động trong chuỗi cung ứng do hệ thống của họ cung ứng từ nguyên phụ liệu, sản xuất đến phân phối. Trong các chuỗi cung ứng toàn cầu của các thương hiệu sản xuất giày dép lớn trên thế giới, như: Nike, Adidas… DN Việt ở thế bị động do ở vị thế làm gia công, sản xuất phụ thuộc vào sự chỉ định của nhà nhập khẩu.

Những yếu kém nội tại của DN trong nước

Theo Lefaso, hiện nay tỷ lệ nội địa hóa của ngành mới chỉ chiếm 40%-45%, trong đó chủ yếu gồm hai mặt hàng thứ yếu là đế giày và chỉ khâu. Nguyên liệu quan trọng nhất để sản xuất giày dép là da thuộc và da nhân tạo vẫn đang phải nhập khẩu.Mỗi năm Việt Nam phải nhập khẩu từ 1,1-1,5 tỷ USD da thuộc cho sản xuất hàng xuất khẩu.

DN trong nước cũng chỉ cung ứng được vải cho sản xuất loại giày vải cấp thấp, còn các chủng loại vải cao cấp đều phải nhập khẩu. Ngay cả các loại máy móc để phục vụ sản xuất trong ngành hiện nay cũng đều phải nhập. Tất cả những yếu tố này đẩy giá thành sản phẩm của DN Việt Nam lên cao và làm giảm tính cạnh tranh của mặt hàng này trên thị trường thế giới.

Một bất lợi khác, do mải mê “mang chuông đi đánh xứ người” nên các DN da giày trong nước bao năm nay gần như lãng quên sân nhà. Tại thị trường nội địa, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm giày dép khoảng 150 triệu đôi/năm, nhưng 60% thị phần do các DN ngoại nắm giữ, trong đó phần lớn là các mặt hàng thuộc phân khúc thấp đến trung cấp là từ Trung Quốc, còn phân khúc cao cấp thì rơi vào tay các thương hiệu nước ngoài.

Dẫn lời ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ tịchLefaso trên Báo điện tử Diễn đàn doanh nghiệp thì: “Khi chúng ta được hưởng thuế suất 0%, thì ngược lại chúng ta cũng phải giảm thuế nhập khẩu về 0% và nguy cơ sân nhà bị chiếm lĩnh bởi các DN ngoại là rất lớn”.

Ông Diệp Thành Kiệt cũng chỉ ra những những điểm yếu cơ bản của ngành da giày đó là: (i) thiếu vốn; (ii) thiếu công nghệ; (iii) thiếu đội ngũ nhân sự cao cấp; (iv) thiếu năng lực quản trị và năng suất lao động thấp. Năng suất bình quân của lao động tại các nhà máy da giày Việt Nam hiện nay chỉ bằng 60%-70% năng suất của các DN FDI đang hoạt động tại Việt Nam.

Cũng theo ông Kiệt, khó khăn của DN da giày trong nước sẽ còn tăng lên khi chi phí sản xuất được dự báo sẽ tăng lên trong những năm tới, đặc biệt là do ảnh hưởng của các quy định mới đây của Chính phủ về mức lương tối thiểu.

Hóa giải những khó khăn, thách thức

Để góp phần giảm thiểu những bất lợi hiện nay của ngành da giày trong nước, đầu tháng 08/2016, Trung tâm dịch vụ Lefaso đã ra đời gồm 3 nhóm chức năng chính hỗ trợ các DN nhỏ và vừa trong ngành, đó là:

Thứ nhất, là nơi liên kết về nguyên phụ liệu, sản phẩm… để từ đó dần hình thành nên chuỗi liên kết nội địa bao gồm các nhãn hàng, các nhà sản xuất, các nhà cung ứng nguyên phụ liệu trong nước, tạo thế cạnh tranh ở ngay thị trường nội địa và xuất khẩu.

Thứ hai, là nơi tập trung việc đào tạo nguồn nhân lực cho ngành da giày và túi xách Việt Nam. Thứ ba, đưa vào hoạt động bộ phận nghiên cứu, phân tích về môi trường, tiêu chuẩn hóa chất.

Trong năm 2016, ngành da giày đặt mục tiêu xuất khẩu là 17,4 tỷ USD và đến năm 2030 sẽ nâng kim ngạch xuất khẩu lên con số 54 tỷ USD. Vì vậy, để tận dụng được lợi thế từ các FTA cũng như nâng cao khả năng cạnh tranh với các DN da giày ngoại, các DN trong nước buộc phải tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu và phải tiến dần vào việc sản xuất những dòng sản phẩm có giá trị cao, không thể chỉ tiếp tục sản xuất những dòng sản phẩm cơ bản như hiện tại.

Đồng thời, để giải quyết khó khăn về tỷ lệ nguồn cung ứng nguyên, vật liệu nội địa thấp, tỷ lệ nội địa hóa của sản phẩm được sản xuất bởi các doanh nghiệp Việt Nam phải được nâng lên mức 60% để đáp ứng được điều kiện về quy tắc xuất xứ trong các FTA mà Việt Nam đã tham gia, giúp giảm các chi phí về logistics và nâng cao sự chủ động của DN Việt.

Ngoài ra, cần khuyến khích các DN liên kết và chuyển giao công nghệ, hình thành các mạng lưới liên kết cung ứng sản phẩm, dịch vụ giữa các DN tập đoàn lớn với các DN nhỏ và vừa theo chuỗi cung ứng thích ứng.

Và trong khi các hiệp định, như: EVFTA, TPP vẫn đang chờ thực thi, Việt Nam cần hoàn thiện hành lang pháp lý, cụ thể hóa các chính sách hơn nữa để thu hút các DN trong và ngoài nước.