Hoa Kỳ tăng điều tra hàng hóa nhập khẩu, doanh nghiệp Việt làm gì?


Để giữ được lợi thế, hạn chế rủi ro từ các cuộc điều tra phòng vệ thương mại (PVTM) từ Hoa Kỳ, doanh nghiệp cần chuẩn bị “áo giáp” ứng phó tốt với các vụ kiện...

Hoa Kỳ vừa tiếp nhận Đơn đề nghị điều tra chống trợ cấp đối với tôm nước ấm đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam - Ảnh: TTXVN
Hoa Kỳ vừa tiếp nhận Đơn đề nghị điều tra chống trợ cấp đối với tôm nước ấm đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam - Ảnh: TTXVN

Đối với vấn đề PVTM, ngoài các cuộc điều tra truyền thống thì trong vòng 3 năm trở lại đây Hoa Kỳ có sự gia tăng rõ rệt trong hoạt động điều tra các biện pháp chống lẩn tránh thuế PVTM do Bộ Thương mại Hoa Kỳ thực hiện và điều tra gian lận nguồn gốc xuất xứ, chống sử dụng lao động cưỡng bức do Hải quan Hoa Kỳ thực hiện.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang khó khăn và có nguy cơ rơi vào suy thoái, doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam lại phải đối mặt với sự gia tăng của nhiều thủ đoạn lừa đảo, đặc biệt là các điều khoản thanh toán quốc tế…

Thông tin tại Diễn đàn trực tuyến “Những lưu ý khi xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ” do Vụ thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công thương) tổ chức mới đây, ông Nguyễn Thắng Vượng - Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho biết: "Hoa Kỳ là thị trường thực hiện nhiều biện pháp PVTM, chiếm 24% tổng số vụ việc PVTM của Việt Nam, với 55/231 vụ việc. Các mặt hàng đa dạng, từ những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn mà Việt Nam có thế mạnh (gỗ và sản phẩm gỗ, tấm pin mặt trời...), cho tới những mặt hàng kim ngạch xuất khẩu nhỏ (mật ong, túi giấy...)".

Theo ông Vượng, những diễn biến áp dụng các biện pháp phòng vệ từ thị trường này đòi hỏi phản ứng chính sách phù hợp, đem lại lợi ích cho doanh nghiệp, ngành hàng xuất khẩu.

Bên cạnh đó, số liệu của Tổng cục Thống kê 10 tháng 2023 cho thấy, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch 78,6 tỷ USD, giảm hơn 17% so với cùng kỳ. Riêng năm 2022, Hoa Kỳ đã khởi xướng điều tra mới 12 vụ việc, trong đó chủ yếu là điều tra chống lẩn tránh thuế PVTM (11 vụ). Các mặt hàng bị điều tra gồm các sản phẩm thép, pin năng lượng mặt trời, tủ gỗ, ghim dập, thép dây,...

Đồng thời, Hoa Kỳ cũng tiến hành rà soát một số biện pháp PVTM đã áp dụng trước đó, như rà soát hành chính thuế chống trợ cấp (CTC) với lốp xe, rà soát hành chính thuế CBPG với cá tra, cá basa.

Theo Luật sư Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó trưởng Văn phòng Công ty Luật ID Việt Nam, khó khăn tiềm ẩn với các doanh nghiệp Việt xuất khẩu sang Hoa Kỳ ngày càng nhiều, bên cạnh thách thức về xuất xứ, vệ sinh an toàn thực phẩm, các biện pháp phòng vệ được Hoa Kỳ sử dụng nhiều hơn, do PVTM được pháp luật cho phép.

"Nguyên nhân khiến hàng hóa Việt Nam đối mặt với PVTM là do lượng hàng hóa xuất khẩu tăng đột biến, tạo ra áp lực cạnh tranh với hàng nội địa do chi phí sản xuất tại Việt Nam thấp, hoặc do mặt hàng cùng loại của Trung Quốc đang bị áp thuế" - bà Nguyễn Thị Phương Thảo cho hay.

Hiện tại, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam, để làm ăn kinh doanh lâu dài, do vậy, các doanh nghiệp lưu ý tìm hiểu và cập nhật quy định pháp luật của Hoa Kỳ, đặc biệt các quy định có ảnh hưởng đáng kể đến việc tiếp cận thị trường như quy định về PVTM, vệ sinh phòng dịch, tiêu chuẩn kỹ thuật, nguồn gốc xuất xứ hoặc các quy định liên quan đến tiêu chuẩn sử dụng lao động...

Song song với đó, để giảm thiểu rủi ro trong quá trình xuất khẩu sang thị trường này, trong quá trình giao thương với Hoa Kỳ, doanh nghiệp cần thận trọng việc tìm kiếm đối tác, đàm phán hợp đồng; cần sử dụng dịch vụ tư vấn pháp lý để có những thông tin chất lượng nhằm đánh giá được tình hình tài chính, mức độ tin cậy của các đối tác Hoa Kỳ; hạn chế thanh toán bên thứ 3 (bên môi giới)... Dù hàng hóa xuất khẩu bị khởi kiện ngày càng nhiều tại Hoa Kỳ, nhưng nhờ sự phối hợp, cung cấp thông tin kịp thời, trong không ít vụ việc, doanh nghiệp Việt đã thoát bị áp dụng các biện pháp phòng vệ.

Chẳng hạn, nhờ nỗ lực của các doanh nghiệp, sự hỗ trợ của Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan, trong vụ việc điều tra chống lẩn tránh thuế với pin năng lượng mặt trời, có tới 98% kim ngạch xuất khẩu pin năng lượng mặt trời từ Việt Nam không bị áp thuế hoặc có thể sử dụng cơ chế tự xác nhận để được miễn áp thuế.

Hay đối với vụ việc điều tra chống lẩn tránh với thép dây không gì, Hoa Kỳ sơ bộ kết luận Việt Nam không lẩn tránh thuế; Vụ việc rà soát hành chính thuế chống bán phá giá cá tra, cá basa: Khoảng 10 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra, cá basa của Việt Nam không bị áp thuế CBPG, trong đó có một số doanh nghiệp xuất khẩu lớn như: Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn, Công ty Cổ phần Nam Việt, Công ty Cổ phần Thủy sản Nha Trang.

Từ thành công của các vụ việc này, Bộ Công Thương lưu ý, doanh nghiệp cần phối hợp chặt chẽ với Cục PVTM, hiệp hội ngành hàng, trong việc theo dõi, cập nhật cũng như chia sẻ thông tin và chuẩn bị các bước trong quá trình ứng phó. Đồng thời, Hệ thống cảnh báo sớm thu thập và phân tích thông tin về tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu và thị phần của Việt Nam tại thị trường nhập khẩu, từ đó đánh giá nguy cơ bị điều tra, áp dụng biện pháp PVTM đang được cập nhật liên tục để thông tin tới các doanh nghiệp xuất khẩu.

Đối với vấn đề PVTM, ngoài các cuộc điều tra truyền thống thì trong vòng 3 năm trở lại đây Hoa Kỳ có sự gia tăng rõ rệt trong hoạt động điều tra các biện pháp chống lẩn tránh do Bộ Thương mại Hoa Kỳ thực hiện và điều tra gian lận nguồn gốc xuất xứ, chống sử dụng lao động cưỡng bức do Hải quan Hoa Kỳ thực hiện.

Cùng với đó, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang khó khăn và có nguy cơ rơi vào suy thoái, doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam lại phải đối mặt với sự gia tăng của nhiều thủ đoạn lừa đảo, đặc biệt là các điều khoản thanh toán quốc tế… Vì vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam cần lưu ý tìm hiểu và cập nhật quy định pháp luật của Hoa Kỳ, đặc biệt các quy định có ảnh hưởng đáng kể đến việc tiếp cận thị trường như quy định về PVTM, vệ sinh phòng dịch, tiêu chuẩn kỹ thuật, nguồn gốc xuất xứ hoặc các quy định liên quan đến tiêu chuẩn sử dụng lao động...

Đối với các vụ việc phá sản nói riêng, các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động tiến hành tìm hiểu thông tin vụ việc sớm qua các kênh thông tin sẵn có cũng như tìm kiếm và đàm phán với luật sư để tránh rơi vào thế bị động, còn ít thời gian chuẩn bị cho vụ kiện và ảnh hưởng tới kết quả cuối cùng.

Cục PVTM (Bộ Công Thương) cho biết, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) tiếp nhận đơn đề nghị điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với sản phẩm tôm nước ấm đông lạnh nhập khẩu từ Ecuador, Ấn Độ, Indonesia và Việt Nam thuộc mã: HS 0306.17, 1605.21 và 1605.29. Trong số đó, Việt Nam chỉ bị điều tra chống trợ cấp do mặt hàng tôm của Việt Nam đang bị Mỹ áp thuế chống bán phá giá từ năm 2004 đến nay.

Theo Báo Công Thương