Hoàn cảnh đặc biệt, cần giải pháp đặc biệt

Theo DATC

(Tài chính) Trong bối cảnh nợ xấu đang là “ung nhọt” lớn nhất của nền kinh tế, hoạt động mua bán nợ của các NHTM, các chủ nợ gắn với tái cấu trúc DN khách nợ mà Công ty Mua bán nợ Việt Nam (DATC) đang thực hiện là một hướng đi hữu hiệu gỡ khó cho DN. Tuy nhiên, ông Phạm Thanh Quang, Tổng giám đốc DATC cho rằng, dường như còn một bộ phận không nhỏ trong nền kinh tế chưa hiểu rõ về hoạt động này.

Bằng cớ, theo ông Quang là hiện đang có một nghịch lý lớn khi bản thân DATC được Chính phủ giao nhiệm vụ mua bán nợ và tái cấu trúc DN. Đáng lẽ DATC phải là đơn vị được tìm đến, được cung cấp đầy đủ thông tin về các khoản nợ và tài sản của các DN khách nợ vốn đầy rẫy trong nền kinh tế như hiện nay. “Nhưng trên thực tế, Công ty lại rất vất vả trong việc tìm đối tượng mua nợ và các NHTM cũng như nhiều chủ nợ khác chỉ khi hết cách, họ mới đồng ý ‘tiếp’ chúng tôi”, ông Quang nói.

Vậy, liệu có phải hoạt động mua bán nợ gắn với tái cơ cấu DN chưa chứng minh được hiệu quả nên nhiều người còn ngần ngại, thưa ông?

Tính đến hết năm 2012, DATC đã thực hiện 128 phương án mua bán nợ theo theo hình thức thỏa thuận và chỉ định của Thủ tướng Chính phủ để tái cơ cấu DN và thu hồi nợ. Giá trị sổ sách của các khoản nợ là 8.579,6 tỷ đồng, giá vốn mua nợ là 2.506,6 tỷ đồng, đã thu hồi được 2.670,2 tỷ đồng (bao gồm cả chuyển nợ thành vốn góp 519,6 tỷ đồng), đạt tỷ lệ thu hồi 106,5%.

Trong giai đoạn từ 2007 đến 2012, DATC đã mua nợ, xử lý tài chính, tái cơ cấu thành công 54 DN, trong đó: mua nợ, xử lý tài chính, tái cơ cấu, chuyển đổi 28 DNNN thành CTCP và tái cơ cấu 26 DN cổ phần, với giá trị các khoản nợ và tài sản theo sổ sách kế toán là 4.795,6 tỷ đồng, giá vốn mua nợ là 1.308,5 tỷ đồng, đã thu hồi được 1.529,7 tỷ đồng, đạt tỷ lệ thu hồi 115,9%.

Qua hoạt động mua bán nợ, DATC cũng đã thực hiện hỗ trợ khoảng 20 tổng công ty nhà nước cổ phần hóa theo lộ trình chung của Chính phủ. Năm 2012, mặc dù trong bối cảnh nền kinh tế vĩ mô gặp nhiều thách thức lớn, một số DN thành viên mà DATC nắm cổ phần chi phối, đều dự kiến chia cổ tức ở mức cao như CTCP Đường KonTum trả cổ tức tỷ lệ 60%, CTCP Sadico Cần Thơ 30%, CTCP Đường Sơn La 30%...

Xin hỏi ông với tư cách một chuyên gia trong ngành này, Việt Nam liệu đã có một thị trường mua bán nợ chuyên nghiệp?

Tôi có thể khẳng định là hiện nay chưa hình thành thị trường mua bán nợ chuyên nghiệp. Cho đến nay, trong danh mục ngành kinh tế quốc dân do Tổng cục Thống kê ban hành và các ngành nghề đăng ký kinh doanh của Bộ Kế hoạch và Đầu tư chưa có lĩnh vực mua, bán nợ, tái cấu trúc DN.

Hiện nay, mới chỉ có DATC triển khai công tác mua bán nợ cộng với sự phục hồi trở lại của một số công ty quản lý nợ của các NHTM. Tuy nhiên, do NHNN chưa có quy định ràng buộc trách nhiệm xử lý nợ xấu nên thực tế, các NHTM cũng chưa thực sự rốt ráo trong việc xử lý nợ xấu để làm lành mạnh hóa tình hình tài chính của chính họ. Mặt khác, cơ chế xử lý còn nhiều điểm không rõ ràng, nhất là chưa có hướng dẫn cụ thể về định giá các khoản nợ để bán. Điều này dẫn tới sự thiếu chuyên nghiệp và không có một “cây gậy” pháp lý nào để tựa vào trên con đường xử lý nợ.

Khó khăn lớn nhất của việc hình thành thị trường này là gì, thưa ông?

Như tôi đã nói, nguyên nhân lớn nhất là vấn đề cơ chế. Hiện chưa có những quyết định mang tính đột phá trong việc tạo hành lang pháp lý cơ bản cho công tác mua bán nợ. Vì lẽ đó, khối lượng nợ xấu mà DATC mua được trong 6 năm qua mới đạt khoảng gần 10.000 tỷ đồng - một con số rất ít so với thực tế và ít ngay cả với khả năng mua bán nợ của DATC.

Đặc biệt, trong quá trình tìm hiểu thông tin về mua bán nợ xấu, các ngân hàng thường đưa ra giá bán nợ khá cao, không phù hợp với tính chất khoản nợ đem bán (DN thua lỗ lớn, tài sản đảm bảo cho khoản nợ không có tính thanh khoản, lĩnh vực kinh doanh khó...). Hiện NHNN chưa có chính sách đẩy mạnh công tác bán nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Mặt khác, cơ chế hướng dẫn bán nợ của ngân hàng chưa đồng bộ, đặc biệt là Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB). Trong khi việc mua bán nợ với các NHTM (nhà nước và cổ phần) đã được thực hiện trong nhiều năm, nhưng riêng với đặc thù của VDB, việc bán nợ phải được Bộ Tài chính thông qua và phê duyệt. Trong nhiều trường hợp, để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động tái cấu trúc DN, DATC đã phải chấp nhận mua nợ từ VDB với giá 100% giá trị nợ gốc, song quá trình phê duyệt bán nợ thường kéo dài, gây ảnh hưởng đến hiệu quả của phương án tái cấu trúc DN.

Nhưng thưa ông, theo logic thông thường thì những người mang công mắc nợ hoặc có khoản nợ khó đòi phải rất sốt ruột dứt bỏ khoản nợ ấy mới phải?

Bản thân chúng tôi cũng thấy đó là mâu thuẫn rất lớn. Có thể khẳng định, DATC là nhà mua bán nợ chuyên nghiệp nhất hiện nay, nhưng rào cản là không ít. Từ khi triển khai hoạt động mua bán nợ gắn với tái cơ cấu vào năm 2006 đến nay, DATC hầu như là người đến gõ cửa các ngân hàng để hỏi… mua nợ.

Ngay như trình tự, thủ tục mua bán, việc định giá các khoản nợ hoàn toàn do chuyên viên của DATC phối hợp với các chủ nợ và DN khách nợ triển khai. Nhưng khi đã định giá xong, đã có mức giá cụ thể, chủ nợ còn rao bán công khai. Nếu không ai mua mới bán cho DATC.

Có lẽ là chỉ đến đường cùng họ mới tìm đến DATC, đúng không ông?

Cũng gần như vậy. Và khi một DN đã bên bờ vực phá sản thì không chỉ tiềm lực tài chính, hoạt động kinh doanh mà công tác quản trị cũng rất yếu. Để khoanh nợ lại cho DN đó rất dễ, nhưng tái cơ cấu để họ hồi phục mới là việc khó và không thể một sớm, một chiều. Mặc dù đó là hướng đi đúng, nhưng cần kiên nhẫn. “Dục tốc bất đạt” là điều luôn cần tâm niệm khi triển khai mua bán nợ gắn với tái cơ cấu một DN dù lớn hay nhỏ.   

Được biết, thời gian qua, DATC có tìm hiểu mô hình của các định chế xử lý nợ trên thế giới. Theo ông, mô hình nào phù hợp với Việt Nam?

Tôi xin nói về hai ý. Thứ nhất, năm qua dù rất khó khăn nhưng doanh thu và lợi nhuận của DATC vẫn vượt kế hoạch. Tất cả các khoản thoái vốn của Công ty đều được thị trường đón nhận, không ảnh hưởng tới thị giá cổ phiếu của các công ty thành viên. Cuối năm, chúng tôi lại đón nhận tin vui khi DATC và hai DN thành viên là CTCP Đường Kontum (KTS) và CTCP Mía đường Sơn La (SLS) được vinh danh trong Bảng xếp hạng V1.000 DN nộp thuế thu nhập doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam.

Thứ hai, về mô hình hoạt động, chúng tôi đã nghiên cứu khá sâu một số định chế mua bán nợ như Công ty thu hồi xử lý nợ (RCC), Cơ quan tái thiết công nghiệp (IRCJ) của Nhật Bản, Kamco - công ty quản lý tài sản nợ thuộc Ngân hàng Phát triển Hàn Quốc, mô hình công ty xử lý nợ xấu của Indonesia, Đài Loan… Về cơ bản, có thể thấy là không có một mẫu số chung cho các định chế này.

Tuy nhiên, để áp dụng vào Việt Nam thì tôi thấy mô hình Kamco là tương đối phù hợp. Theo đó, đối mặt với số nợ xấu lên tới 18% tổng dư nợ (tương đương 27% GDP năm 1998), Hàn Quốc đã ra một đạo luật cải tiến lại chức năng và nhiệm vụ của Kamco để cho phép công ty này mua bán nợ xấu của toàn bộ hệ thống tín dụng. 

Kamco, do Nhà nước sở hữu chi phối và các định chế tư nhân tham gia, có nhiệm vụ điều hành một quỹ quản lý nợ xấu (NPA) có thời hạn hoạt động 5 năm để giải quyết nợ xấu. Quỹ này triển khai mua lại toàn bộ nợ xấu, phân loại, xử lý, trong đó có tái cơ cấu và dần thoái vốn khi mục đích tái cơ cấu hoàn thành. Đến năm 2003, Quỹ này bị lỗ hơn 1.700 tỷ won. Đó là chưa tính khoản nợ xấu chưa thanh lý hết vào thời điểm NPA được đóng, mà Kamco có trách nhiệm tiếp tục xử lý. Tuy nhiên, nó vẫn được coi là thành công lớn khi đưa nợ xấu tại Hàn Quốc xuống còn 2,3% tổng dư nợ vào cuối năm 2002 và đẩy mạnh việc hình thành thị trường mua bán nợ chuyên nghiệp tại Hàn Quốc.

Có thể nói, trong hoàn cảnh đặc biệt, Hàn Quốc đã áp dụng những giải pháp đặc biệt. Và đó cũng là điều chúng tôi muốn đề nghị đối với hành lang pháp lý trong công tác xử lý nợ tại Việt Nam hiện nay.