Hoàn thiện chính sách thuế hướng tới sản xuất và tiêu dùng xanh

ThS. Phạm Thị Thu Hồng - Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Bộ Tài chính

Tại Việt Nam, trong thời gian qua, chính sách thuế đã được xây dựng, ban hành và triển khai một mặt nhằm hạn chế hành vi sản xuất và tiêu dùng sản phẩm, hàng hóa gây ô nhiễm môi trường, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên; mặt khác, nhằm thúc đẩy doanh nghiệp hướng tới sản xuất xanh, đầu tư xanh và người dân chuyển hướng sang tiêu dùng xanh (chủ yếu thông qua các ưu đãi thuế). Tuy nhiên, những hạn chế, vướng mắc vẫn tồn tại và phát sinh. Bài viết đánh giá thực trạng chính sách thuế nhằm điều tiết hành vi sản xuất của doanh nghiệp cũng như tiêu dùng của Việt Nam, qua đó kiến nghị giải pháp hoàn thiện.

Kết quả đạt được

Có thể khẳng định những kết quả đạt được từ chính sách thuế, phí xanh như:

Thứ nhất, góp phần hạn chế sản xuất và tiêu dùng sản phẩm, hàng hóa gây ô nhiễm môi trường, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên.

Thuế bảo vệ môi trường (BVMT) được ban hành và có hiệu lực từ 01/01/2012 đánh dấu sự thay đổi căn bản trong cách thức tiếp cận sử dụng các công cụ kinh tế cho mục tiêu BVMT. Nguyên tắc “người sử dụng sản phẩm gây ô nhiễm phải nộp thuế” được áp dụng khi xây dựng sắc thuế BVMT. Đối tượng chịu thuế là sản phẩm, hàng hóa khi được tiêu dùng có tác động tiêu cực tới môi trường, gồm 08 nhóm: (1) Xăng, dầu, mỡ nhờn; (2) Than đá; (3) Dung dịch hydro-chloro-fluoro-carbon (HCFC); (4) Túi ni lông; (5) Thuốc diệt cỏ; (6) Thuốc trừ mối; (7) Thuốc bảo quản lâm sản; (8) Thuốc khử trùng kho. Thuế suất thuế BVMT áp dụng theo khung gồm mức tối thiểu tuyệt đối và mức tối đa tuyệt đối, được xác định dựa trên cơ sở mức độ có hại đến môi trường và chi phí xử lý các hậu quả tiêu cực do việc sử dụng/tiêu thụ các hàng hóa được lựa chọn gây ra. Thuế BVMT áp dụng đối với việc sản xuất và nhập khẩu một số hàng hóa được xem là có hại với môi trường, đặc biệt là dầu hỏa và than đá. Sản phẩm xuất khẩu được miễn trừ khỏi thuế này.

Đối với nhóm xăng, dầu, mỡ nhờn thì mức thuế dao động từ 2.000 đồng/lít đến 4.000 đồng/lít tùy theo từng loại hàng hóa thuộc nhóm, riêng mỡ nhờn là 2.000 đồng/kg và nhiên liệu bay là 2.100 đồng/lít (từ 1/8/2020 đến hết 31/12/2020) và 3.000 đồng/lít (từ 1/1/2021). Đối với nhóm than đá, mức thuế dao động từ 15.000 đồng/tấn đến 30.000 đồng/tấn. Đối với dung dịch Hydro-chloro-fluoro-carbon (HCFC), bao gồm cả dung dịch HCFC có trong hỗn hợp chứa dung dịch HCFC thì mức thuế là 5.000 đồng/kg. Đối với túi ni lông thuộc diện chịu thuế thì mức thuế là 50.000 đồng/kg. Đối với thuốc diệt cỏ thuộc loại hạn chế sử dụng thì mức thuế là 500 đồng/kg. Đối với thuốc trừ mối thuộc loại hạn chế sử dụng thì mức thuế là 1.000 đồng/kg. Đối với thuốc bảo quản lâm sản thuộc loại hạn chế sử dụng thì mức thuế là 1.000 đồng/kg. Đối với thuốc khử trùng kho thuộc loại hạn chế sử dụng thì mức thuế là 1.000 đồng/kg.

Thuế tài nguyên có hiệu lực từ ngày 01/7/2010 áp dụng với khoáng sản kim loại; khoáng sản không kim loại; dầu thô; khí thiên nhiên, khí than… số thuế tài nguyên phải nộp được tính trên sản lượng tài nguyên tính thuế, giá tính thuế và thuế suất. Quy định về mức thuế suất đã đảm bảo nguyên tắc “tài nguyên không có khả năng tái tạo” áp dụng mức thuế suất cao, “tài nguyên có khả năng tái tạo” áp dụng mức thuế suất thấp.

Thuế tiêu thụ đặc biệt áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ mà Nhà nước không khuyến khích tiêu dùng do khi sử dụng gây tác hại xấu đến môi trường và sức khỏe (thuốc lá, xăng, ô tô cá nhân…) hoặc cần tiêu dùng tiết kiệm như xăng gốc hóa thạch. Chẳng hạn, đối với ô tô chở người, mức thuế suất dựa theo dung tích xi lanh và loại nhiên liệu sử dụng nhằm khuyến khích sử dụng nhiên liệu tiết kiệm, giảm ô nhiễm môi trường. Đối với xe chạy bằng nhiên liệu hóa thạch, mức thuế suất được quy định trong khoảng từ 10% đến 150% giá tính thuế, tùy theo loại xe và dung tích xi lanh. Trong đó, mức thuế suất 150% áp dụng cho xe chở người có dung tích xi lanh trên 6.000 cm3. Đối với xe mô tô 2 bánh, 3 bánh dung tích xi lanh trên 125 cm3 thì mức thuế suất là 20%. Đối với tàu bay, du thuyền, mức thuế suất là 30%. Đối với xăng các loại, mức thuế suất từ 7% đến 10%.

Thứ hai, thúc đẩy sản xuất xanh, đầu tư xanh và tiêu dùng xanh.

- Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN): Thu nhập của DN thực hiện dự án đầu tư mới thuộc lĩnh vực sản xuất năng lượng tái tạo (NLTT), năng lượng sạch sẽ được hưởng thuế suất ưu đãi 10% trong thời hạn 15 năm. Thời gian áp dụng được tính liên tục từ năm đầu tiên DN có doanh thu từ dự án đầu tư mới được hưởng ưu đãi thuế. Tuy nhiên, thời gian trên có thể được kéo dài nếu dự án đầu tư sản xuất NLTT có quy mô lớn và công nghệ cao hoặc mới, cần đặc biệt thu hút đầu tư. Nếu thỏa mãn các điều kiện trên, dự án sản xuất NLTT sẽ được kéo dài thời gian hưởng thuế suất ưu đãi, tuy nhiên thời gian kéo dài thêm không quá 15 năm. Căn cứ theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính, Thủ tướng Chính phủ quyết định kéo dài thêm thời gian áp dụng thuế suất ưu đãi quy định.

Bên cạnh ưu đãi về thuế suất, thu nhập từ dự án sản xuất NLTT, năng lượng sạch còn được ưu đãi theo hình thức miễn thuế tối đa 04 năm, giảm 50% số thuế phải nộp tối đa 09 năm tiếp theo. Thời gian miễn thuế, giảm thuế được tính liên tục từ năm đầu tiên DN có thu nhập chịu thuế từ dự án đầu tư mới được hưởng ưu đãi thuế. Đối với hình thức ưu đãi này, thời gian bắt đầu tính khi DN có phát sinh thu nhập chịu thuế. Trường hợp DN không có thu nhập chịu thuế trong 3 năm đầu, kể từ năm đầu tiên có doanh thu từ dự án đầu tư mới, thời gian miễn thuế, giảm thuế được tính từ năm thứ tư dự án đầu tư mới phát sinh doanh thu.

- Thuế nhập khẩu: Chính sách thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu hiện hành được thực hiện theo quy định tại Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13 được Quốc hội thông qua ngày 06/4/2016, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/9/2016. Trong đó, có những chính sách khuyến khích nhập khẩu nguyên liệu, vật liệu, ưu tiên những loại mà trong nước chưa đáp ứng được nhu cầu; chú trọng phát triển lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ nguồn, tiết kiệm năng lượng, BVMT. Cụ thể, quy định miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để BVMT, trong đó có sản xuất năng lượng tái tạo.

- Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB): Mức thuế suất TTĐB đối với các sản phẩm ít gây hại đến môi trường như xe ô tô chạy bằng năng lượng điện, năng lượng sinh học áp dụng chỉ bằng 50% và 70% so với mức thuế suất thuế TTĐB áp dụng với xe ô tô cùng loại chạy bằng xăng. Đối với mặt hàng xăng, mức thuế suất áp dụng là 10%, riêng các loại xăng sinh học (ví dụ xăng E5 hay E10), được áp dụng mức thuế suất thấp hơn.

Tồn tại, hạn chế và nguyên nhân

Thực tế cho thấy, nhiều loại sản phẩm, hàng hóa sử dụng gây hại cho môi trường vẫn chưa bị đánh thuế. Ví dụ: thuế BVMT hiện nay mới thu vào 8 nhóm mặt hàng chịu thuế. Tuy nhiên, trên thực tế, còn những sản phẩm như: các chất tẩy rửa trong công nghiệp, ắc quy, lốp xe, hóa chất tẩy rửa, sản xuất giấy, chế biến thực phẩm, phân bón hóa học… gây ô nhiễm môi trường cần đưa vào đối tượng chịu thuế BVMT.

Mức thuế suất đối với nhiều loại sản phẩm, hàng hóa có hại cho môi trường vẫn còn khá thấp. Khung tính thuế và mức thuế suất tuyệt đối của thuế BVMT vẫn được giữ nguyên trong nhiều năm, trong khi cần phải thay đổi linh hoạt để phù hợp với thực tiễn và dựa trên mức độ thiệt hại do việc tiêu thụ các hàng hóa gây ra đối với môi trường.

Thực tiễn hàng hóa gây ô nhiễm môi trường vẫn được tiêu dùng với khối lượng lớn. Nhóm hàng xăng, dầu được sử dụng với mức độ tăng lên nhanh chóng, trong khi số thu thuế BVMT đối với xăng dầu vẫn còn khiêm tốn do mức thuế suất thuế BVMT đánh vào nhóm hàng xăng, dầu chưa đủ cao để tạo ra các động lực thúc đẩy sản xuất xanh và tiêu dùng xanh. Theo nghiên cứu của Nguyễn Thị Hải Bình (2023), giai đoạn 2012-2021, trung bình khoảng 05 triệu lít xăng được tiêu thụ, 289 triệu lít nhiên liệu bay được sử dụng. Lượng xăng tăng từ 1,4 triệu lít năm 2012 lên 7,5 triệu lít năm 2021 và lượng nhiên liệu bay tăng từ 101 triệu lít năm 2021 lên 490 triệu lít năm 2021.

Một số giải pháp, kiến nghị

Với thực tế nêu trên, tác giả đề xuất một số giải pháp gồm:

Thứ nhất, hoàn thiện chính sách thuế nhằm hạn chế sản xuất và tiêu dùng sản phẩm, hàng hóa gây ô nhiễm môi trường, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên.

- Thời gian qua, tài nguyên thiên nhiên của Việt Nam đã bị khai thác và sử dụng quá mức, một số loại tài nguyên không có khả năng tái tạo đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt, đe dọa cuộc sống của người dân Việt Nam trong tương lai. Vì vậy, để góp phần bảo vệ, khai thác tài nguyên hợp lý, tiết kiệm, có hiệu quả, phù hợp với từng giai đoạn phát triển của nền kinh tế Việt Nam, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống của con người, cần tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện chính sách thuế tài nguyên theo hướng nên xem xét điều chỉnh tăng thuế suất đối với các loại tài nguyên không tái tạo như xăng, than, dầu thô, khí thiên nhiên, khí than, nhiên liệu bay.

- Để hạn chế phát thải khí CO2 và BVMT, đồng thời đảm bảo các khoản thu từ thuế BVMT đủ để đáp ứng cho các khoản chi BVMT, trong thời gian tới Việt Nam nên điều chỉnh một số nội dung của chính sách thuế BVMT theo hướng bổ sung một số mặt hàng vào danh mục đối tượng chịu thuế, bao gồm: phân bón hóa học, chất tẩy rửa, khí than, khí thiên nhiên và thuốc lá vào đối tượng chịu thuế BVMT. Lý do vì phân bón hoá học là sản phẩm đầu vào thiết yếu của ngành sản xuất nông nghiệp. Sử dụng phân bón sẽ để lại một lượng không nhỏ dư lượng do không được cây trồng hấp thụ, sẽ có tác động tiêu cực đến chính hệ sinh thái nông nghiệp cũng như làm ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm đất và có thể gây đột biến gen đối với một số loại cây trồng. Với chất tẩy rửa: Trong các loại chất tẩy rửa đều có chứa các hóa chất tổng hợp và các hóa chất này đều có thể gây hại cho sức khỏe con người cũng như gây ô nhiễm không khí khi được sử dụng. Mức độ gây hại nhiều hay ít tùy theo hàm lượng nồng độ của hóa chất có trong chất tẩy rửa. Hàm lượng, nồng độ của chất tẩy rửa càng cao thì mức độ gây hại đến sức khỏe con người cũng như môi trường càng nguy hiểm. Khí than: có nguồn gốc từ than đá. Thành phần chủ yếu trong khí than là khí metan (CH4), thường chiếm khoảng 94-95%, phần còn lại gồm etan, propan, butan, pentan, nitơ, cacbonđioxit, một ít lưu huỳnh (hoặc có thể không chứa lưu huỳnh). Các chất khí này khi phát tán ra môi trường sẽ gây ô nhiễm môi trường và nếu tiếp xúc ở nồng độ cao sẽ khiến con người bị ngộ độc. Khí thiên nhiên/nhiên liệu hóa thạch: là hỗn hợp chất khí cháy được, bao gồm phần lớn là các hydrocarbon (hợp chất hóa học chứa cacbon và hyđrô). Các chất có trong khí thiên nhiên/nhiên liệu hóa thạch đều gây tác hại đến môi trường và sức khỏe con người. Căn cứ vào mức độ độc hại, căn cứ vào các sản phẩm thay thế có trên thị trường, căn cứ khung thuế suất thuế BVMT hiện hành và thực trạng KT-XH của Việt Nam, bài viết đề xuất cần tăng mức thuế suất thuế BVMT để có tác dụng khuyến khích người gây ô nhiễm môi trường giảm lượng chất thải ra môi trường theo nguyên tắc: Người gây ô nhiễm phải trả tiền và người sử dụng phải trả tiền.

- Mục tiêu của Nhà nước khi ban hành chính sách thuế TTĐB là nhằm hạn chế hoạt động sản xuất, tiêu dùng một số hàng hóa, dịch vụ có tác động xấu môi trường, có hại cho sức khỏe của con người làm ảnh hưởng tới sự phát triển của quốc gia về chính trị, xã hội. Mục tiêu cuối cùng của phát triển bền vững luôn là nâng cao chất lượng và sự bền vững cho đời sống của con người. Do đó, cần hoàn thiện chính sách thuế TTĐB theo hướng bổ sung đồ nhựa vào danh mục chịu thuế TTĐB vì đây là mặt hàng có lượng tiêu thụ rất lớn và có tác động mạnh đến ô nhiễm môi trường tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, từng bước tăng thuế suất thuế TTĐB đối với thuốc lá, rượu, bia, xe ô tô dưới 09 chỗ ngồi dùng cho mục đích tiêu dùng cá nhân. Trước hết, phương tiện giao thông là đối tượng gây phát thải lớn nhất Việt Nam hiện nay, vì vậy, việc hạn chế xe ô tô tiêu dùng cá nhân sẽ giúp giảm bớt một lượng lớn khí thải CO2 ra môi trường. Mặt khác, do cơ sở hạ tầng của Việt Nam chưa đáp ứng kịp với lượng xe ô tô đang ngày càng tăng cao, do đó, nên có chính sách hạn chế tiêu dùng và khuyến khích người dân sử dụng các phương tiện công cộng, vừa giúp tiết kiệm chi phí, vừa góp phần vào công cuộc BVMT, xây dựng nền kinh tế xanh ở Việt Nam. Tuỳ theo dung tích xi-lanh, mức độ xả thải và loại năng lượng sử dụng để Nhà nước đưa ra mức thuế suất phù hợp với từng loại xe ô tô, trên cơ sở xe ô tô có lượng khí thải thấp, sử dụng nhiên liệu thân thiện với môi trường thì thuế suất sẽ thấp hơn và ngược lại.

Thứ hai, hoàn thiện chính sách ưu đãi thuế, phí khuyến khích sản xuất và tiêu dùng các sản phẩm, hàng hóa xanh.

- Các quốc gia thường điều chỉnh thuế suất thuế TNDN một cách hợp lý và ban hành các ưu đãi về thuế TNDN trong đầu tư để tạo ra cơ chế tác động đối với các quyết định đầu tư mới hay mở rộng sản xuất kinh doanh của các DN. Về phía các DN, trước khi đưa ra các quyết định đầu tư, điều mà họ quan tâm nhất là các quy định của chính sách thuế TNDN - loại thuế tác động trực tiếp đến chi phí, lợi nhuận của DN. Trên cơ sở đó, để khuyến khích DN ứng dụng công nghệ tân tiến - thân thiện với môi trường thì việc hoàn thiện chính sách thuế TNDN là vô cùng cần thiết. Vì vậy, ưu đãi thuế TNDN nên được hoàn thiện theo hướng:

+ Mở rộng chế độ ưu đãi thuế TNDN đối với các DN có sử dụng các biện pháp hạn chế ô nhiễm môi trường, sử dụng các nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu sạch trong sản xuất sản phẩm... Cụ thể, có thể áp dụng các biện pháp như: Khuyến khích các DN xử lý chất thải bằng cách cho tăng gấp đôi chi phí xử lý chất thải khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN. Tuy nhiên, để giải pháp này phát huy được tác dụng như mong muốn, cần quy định rõ một số vấn đề như: những hoạt động nào là hoạt động xử lý chất thải và gắn với nó, những chi phí nào sẽ được tính trừ.

Đối với các DN hoạt động trong lĩnh vực khai thác nguồn năng lượng sạch như năng lượng mặt trời, năng lượng gió... nên được áp dụng cơ chế ưu đãi đặc biệt là miễn thuế trong thời hạn dài 10 năm để DN có thời gian đầu tư vào cơ sở vật chất và ổn định thị trường tiêu thụ sản phẩm; đồng thời, sau thời gian miễn thuế Nhà nước nên cho phép áp dụng mức thuế suất thấp như đối với DN hoạt động trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, y tế, môi trường - đó là mức thuế suất thuế TNDN 10%. Các chi phí liên quan đến việc tìm kiếm và sử dụng nguồn năng lượng sạch cũng cho phép được tính gấp đôi khi xác định thuế TNDN. Những ưu đãi này sẽ tạo động lực cho các DN tăng cường đầu tư nhiều hơn vào lĩnh vực khai thác và sử dụng nguồn năng lượng sạch.

+ Cho phép khấu trừ gấp đôi hoặc gấp 1,5 lần các chi phí mà DN chi ra cho hoạt động nghiên cứu và phát triển khoa học và công nghệ khi xác định chi phí được trừ để tính thu nhập chịu thuế TNDN. Với cách này, chi phí được trừ sẽ tăng lên và số thuế phải nộp vì vậy cũng được giảm đi với tỷ lệ 20% trên chi phí nghiên cứu và phát triển khoa học và công nghệ. Áp dụng phương án này sẽ khuyến khích DN tích cực trong việc nghiên cứu và phát triển khoa học và công nghệ.

- Với vai trò là chính sách thuế tiêu dùng, thuế giá trị gia tăng (GTGT) cấu thành nên giá thành và ảnh hưởng đến giá bán hàng hóa, dịch vụ và gián tiếp ảnh hưởng đến doanh thu của nhà sản xuất. Mặc dù hiện nay dịch vụ duy trì vườn thú, vườn hoa, công viên, cây xanh đường phố; vận chuyển hành khách công cộng bằng xe buýt, xe điện thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT, song quy định này khiến cho nhà cung cấp dịch vụ không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào đối với hàng hóa dịch vụ là đầu vào của dịch vụ duy trì vườn thú, vườn hoa, công viên, cây xanh đường phố; vận chuyển hành khách công cộng bằng xe buýt, xe điện. Trong khi đó, dịch vụ duy trì vườn thú, vườn hoa, công viên, cây xanh đường phố; vận chuyển hành khách công cộng bằng xe buýt, xe điện là hàng hóa, dịch vụ công ích, phù hợp với mục tiêu tăng trưởng xanh, được Nhà nước hỗ trợ, khuyến khích song cũng quản lý về giá. Vì vậy, nếu không đảm bảo mức lợi nhuận hợp lý thì rất khó có thể khuyến khích phát triển các dịch vụ này. Theo đó, để khuyến khích khu vực tư nhân tham gia cung cấp dịch vụ, cần sửa đổi chính sách thuế GTGT theo hướng quy định mức thuế suất 0% đối với dịch vụ duy trì vườn thú, vườn hoa, công viên, cây xanh đường phố; vận chuyển hành khách công cộng bằng xe buýt, xe điện. Theo đó, DN sẽ được khấu trừ thuế GTGT đầu vào, vừa đảm bảo tính liên hoàn của thuế GTGT.

Tài liệu tham khảo:

  1. Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc tế Phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam của Trường Đại học Thương mại tháng 5 -2023, NXB Hà Nội;
  2. Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc gia “Việt Nam hướng tới phát thải ròng bằng 0 vì mục tiêu phát triển bền vững” của Trường Đại học ngoại thương, Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội và Viện Kinh tế Việt Nam. NXB Lao động tháng 6-2023;
  3. UNDP (2020), “Cơ hội và động cơ giảm nhẹ phát thải khí nhà kính lâu dài tại Việt Nam: Đáp ứng các mục tiêu cụ thể của thỏa thuận Paris và đẩy nhanh tiến độ hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững SDGs”;
  4. World Bank (2022), “Hướng tới một Lộ trình quốc gia về nhựa dùng một lần tại Việt Nam: Các lựa chọn chiến lược để giảm thiểu nhựa dùng một lần cầnưu tiên”.
  5. Trần Mạnh Tiến (2022), “Chính sách tài chính đối với phát triển xanh ở một số quốc gia và bài học kinh nghiệm đối với Việt Nam”;
  6. Nguyễn Thị Hải Bình (2023), “Chính sách thuế xanh nhằm phát triển bền vững”.https://tapchitaichinh.vn/chinh-sach-thue-xanh-nham-phat-trien-ben-vung.html

 

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 3/2024