Bảo hiểm Xã hội Việt Nam:

Hoàn thiện chính sách về bảo hiểm y tế để tăng tỷ lệ bao phủ

Huy An

Để tạo điều kiện cho người dân giảm bớt khó khăn, tiếp tục phát triển người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), hướng tới mục tiêu BHYT toàn dân, Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam đề xuất với cấp có thẩm quyền rà soát và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về BHYT để sửa đổi, bổ sung chính sách cho phù hợp với thực tiễn nhằm phát triển người tham gia BHYT.

BHXH Việt Nam đã phối hợp, tham gia cùng với Bộ Y tế xây dựng Thông tư định mức kinh tế - kỹ thuật của dịch vụ kỹ thuật khám chữa bệnh.
BHXH Việt Nam đã phối hợp, tham gia cùng với Bộ Y tế xây dựng Thông tư định mức kinh tế - kỹ thuật của dịch vụ kỹ thuật khám chữa bệnh.

Tỷ lệ bao phủ BHYT tăng dần qua các năm

Thời gian qua, triển khai thực hiện Luật BHYT, ngành BHXH đã tích cực triển khai, lập kịch bản phát triển đối tượng tham gia BHYT và đạt được nhiều kết quả tích cực.

Theo thống kê của BHXH Việt Nam, đến ngày 31/12/2021, số người tham gia BHYT là 88,837 triệu người, tăng 794 nghìn người (0,9%) so với năm 2020; đạt tỷ lệ khoảng 91,01% dân số tham gia BHYT, vượt 0,01% so với chỉ tiêu tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2021 của Chính phủ.

Số người tham gia BHYT từ năm 2017 đến năm 2020 hằng năm đều tăng khoảng trên 2 triệu người, bình quân tăng khoảng 3% một năm.

Tuy nhiên, từ năm 2021 do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và chính sách mua thẻ BHYT cho người dân sinh sống tại các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ và người dân sinh sống tại huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định số 353/2022/QĐ-TTg ngày 15/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ đã làm sụt giảm số người tham gia BHYT.

Có thể kể tới một số địa phương có số người tham gia BHYT giảm sâu như: Đắk Lắk giảm 225,5 nghìn người; Sóc Trăng giảm 309,5 nghìn người; Trà Vinh giảm 243,6 nghìn người; Sơn La giảm 180 nghìn đồng bào dân tộc thiểu số; Thanh Hóa giảm 183,3 nghìn đồng bào dân tộc thiểu số…

Để tạo điều kiện cho người dân giảm bớt khó khăn, duy trì chính sách BHYT bền vững, BHXH Việt Nam đã có văn bản gửi cấp có thẩm quyền nghiên cứu, xem xét có các chính sách hỗ trợ mức đóng BHYT đối với người dân thoát khỏi huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo giai đoạn 2021-2025 và người đồng bào dân tộc thiểu số thoát khỏi các xã khó khăn, đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021-2025 trên.

Với đề xuất này, Phó Thủ tướng Thường trực chính phủ Phạm Bình Minh chỉ đạo trong thông báo Kết luận số 251/TB-VPCP ngày 22/9/2021 của Văn phòng Chính phủ.

Tại Văn bản này, Phó Thủ tướng giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Ủy ban Dân tộc, Bộ Tài chính và cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất chính sách riêng để hỗ trợ cụ thể theo quy định của pháp luật về BHYT và quy định có liên quan, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định trong quý IV/2021.

Tiếp đó, tại Công văn số 1668/BHXH-TST ngày 21/6/2022 gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc cung cấp số liệu phục vụ tổng kết thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 18/01/2022 và Nghị quyết số 53-NQ/TW của Bộ Chính trị, BHXH Việt Nam đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Ban Cán sự Đảng Chính phủ có chính sách đóng, hỗ trợ mức đóng BHYT đối với người dân thoát khỏi huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo giai đoạn 2021-2025 và người đồng bào dân tộc thiểu số thoát khỏi các xã khó khăn, đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021-2025 trên.

Để tạo điều kiện cho người dân giảm bớt khó khăn, tiếp tục phát triển người tham gia BHYT, hướng tới mục tiêu BHYT toàn dân, BHXH Việt Nam đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, các bộ, ngành có liên quan rà soát và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về BHYT để ban hành, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, khắc phục bất cập trong tổ chức thực hiện nhằm phát triển người tham gia BHYT.

Theo đó, BHXH Việt Nam đề xuất bổ sung người tham gia BHYT bắt buộc đối với nhóm người lao động và người sử dụng lao động là người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương; chủ hộ kinh doanh cá thể; người lao động làm việc theo chế độ linh hoạt đồng bộ với đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.

Quy định việc tham gia BHYT đối với nhóm người lao động đang tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không hưởng lương; nhóm đối tượng người tham gia kháng chiến, nghệ nhân, nghèo đa chiều, dân quân tự vệ thường trực; người sinh sống ở xã ATK, vùng ATK cách mạng trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ; nạn nhân bom mìn vật nổ sau chiến tranh...; trẻ em dưới 6 tuổi có bố hoặc mẹ mang quốc tịch Việt Nam sinh ra ở nước ngoài sau đó được đưa về Việt Nam sinh sống lâu dài hoặc sinh ra trên lãnh thổ Việt Nam; người nước ngoài sinh sống, làm việc, học tập… trên lãnh thổ Việt Nam.

Ngoài các nội dung trên, BHXH Việt Nam cũng đề xuất nâng mức hỗ trợ đóng từ ngân sách nhà nước cho một số người tham gia như học sinh, sinh viên, hộ gia đình nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình từ 30% - 50% mức đóng BHYT.

Tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia BHYT, dễ tiếp cận khám chữa bệnh

Bên cạnh phát triển đối tượng tham gia BHYT, BHXH Việt Nam cũng phối hợp với cấp có thẩm quyền để hoàn thiện chính sách tạo thuận lợi cho người tham gia BHYT, dễ tiếp cận khám chữa bệnh tại cơ sở y tế.

Đến ngày 31/12/2021, số người tham gia BHYT là 88,837 triệu người, tăng 794 nghìn người (0,9%) so với năm 2020.
Đến ngày 31/12/2021, số người tham gia BHYT là 88,837 triệu người, tăng 794 nghìn người (0,9%) so với năm 2020.

Danh mục thuốc hóa dược, sinh phẩm thuốc phóng xạ và chất đánh dấu được ban hành kèm theo Thông tư số 30/2018/TT-BYT ngày 30/10/2018 của Bộ Y tế, ban hành Danh mục và tỷ lệ, điều kiện thanh toán đối với thuốc hóa dược, sinh phẩm, thuốc phóng xạ và chất đánh dấu thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT bao gồm 1.030 thuốc hóa dược, sinh phẩm và 59 thuốc phóng xạ và chất đánh dấu.

Trong đó, có 136 hoạt chất/thuốc được quy định điều kiện chỉ định ưu tiên trong một số trường hợp; 25 hoạt chất được quy định tỷ lệ thanh toán (30%, 50%, 60%, 70%) và 31 hoạt chất được quy định cả điều kiện chỉ định và tỷ lệ thanh toán.

Đây chủ yếu là các hoạt chất thuộc nhóm thuốc có giá thành cao, chi phí lớn hoặc thuốc thế hệ mới cần được sử dụng theo hướng dẫn chẩn đoán và điều trị để đảm bảo tính chi phí hiệu quản, mặt khác thuộc nhóm thuốc đã có nhiều hoạt chất khác có tác dụng tương tự được Quỹ BHYT thanh toán 100%.

Danh mục thuốc đông y, thuốc từ dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền được ban hành kèm theo Thông tư số 05/2015/TT-BYT ngày 17/3/2015 của Bộ Y tế ban hành Danh mục thuốc đông y, thuốc từ dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ BHYT, bao gồm 349 vị thuốc y học cổ truyền; 229 thuốc cổ truyền, thuốc từ dược liệu với khoảng trên 1.200 chế phẩm.

Theo các văn bản quy định về việc phân loại dịch vụ phẫu thuật, thủ thuật thì có khoảng trên 19.000 dịch vụ kỹ thuật được Bộ Y tế quy định cho phép thực hiện tại Việt Nam.

Tuy nhiên, hiện nay có 9.190 dịch vụ đủ điều kiện được thanh toán theo chế độ BHYT (trong có chỉ có 124 dịch vụ/nhóm dịch vụ được quy định điều kiện, tỷ lệ thanh toán), lý do trong 19.000 dịch vụ nêu trên có nhiều dịch vụ cùng tên hoặc khác tên nhưng cùng bản chất, cùng quy trình được sắp xếp tại nhiều chuyên khoa khác nhau dẫn đến trùng lặp; danh mục cũng bao gồm nhiều dịch vụ không thuộc phạm vi thanh toán của quỹ như dịch vụ thẩm mỹ, làm răng giả…

Danh mục dịch vụ kỹ thuật thuộc phạm vi chi trả của Quỹ BHYT có đầy đủ các dịch vụ kỹ thuật theo 28 chuyên khoa/chuyên ngành, bao gồm cả các kỹ thuật y học hiện đại và y học cổ truyền từ tuyến xã đến tuyến Trung ương.

Để đảm bảo tính ưu việt, tính toàn diện và dễ tiếp cận trong quá trình điều trị, tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia BHYT; đồng thời phù hợp với tình hình thực tế trong khám chữa bệnh, đặc biệt trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19, BHXH Việt Nam đã phối hợp, tham gia cùng với Bộ Y tế xây dựng Thông tư định mức kinh tế - kỹ thuật của dịch vụ kỹ thuật khám chữa bệnh, từ đó làm căn cứ xây dựng giá dịch vụ kỹ thuật khám chữa bệnh.

Xây dựng nguyên tắc, tiêu chí sửa đổi, bổ sung thuốc vào danh mục; Nguyên tắc, tiêu chí sửa đổi bổ sung thuốc hóa dược, sinh phẩm điều trị COVID-19 và các bệnh liên quan đến dịch bệnh vào Danh mục thuốc thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT; Sửa đổi, bổ sung Danh mục thuốc thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ BHYT.