Hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập

Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính

(Tài chính) Bộ Tài chính đang tổ chức lấy ý kiến dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập để trình Chính phủ ban hành. Nghị định quy định cụ thể về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập, hình thức xử phạt, các biện pháp khắc phục hậu quả, mức phạt, thẩm quyền xử phạt.

Hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập
Ảnh minh hoạ. Nguồn Internet

Giả mạo, khai man chứng từ kế toán phạt từ 20- 30 triệu đồng

Dự thảo Nghị định quy định rõ các hành vi vi phạm, hình thức xử phạt và mức xử phạt trong lĩnh vực kế toán. Theo đó, phạt tiền từ 200.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: Lập chứng từ kế toán không đầy đủ các nội dung chủ yếu theo quy định của pháp luật về kế toán; Tẩy xoá, sửa chữa chứng từ kế toán; Ký chứng từ kế toán không đúng với quy định về bố trí chữ ký của các chức danh đối với từng loại chứng từ kế toán.

Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: Giả mạo, khai man chứng từ kế toán; Thoả thuận hoặc ép buộc người khác giả mạo, khai man chứng từ kế toán; Lập chứng từ kế toán có nội dung các liên không giống nhau trong trường hợp phải lập chứng từ kế toán có nhiều liên cho một nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh… Phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với hành vi bán hàng không lập hoá đơn bán hàng theo quy định.

Không có Giấy chứng nhận kinh doanh dịch vụ kiểm toán độc lập có thể bị phạt 100 triệu đồng

Đối với hành vi vi phạm quy định về hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

Hành vi vi phạm quy định về quản lý, sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán: Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với tổ chức kiểm toán thực hiện một trong các hành vi vi phạm như không nộp trả Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán cho cơ quan có thẩm quyền khi có quyết định thu hồi, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác; Không làm thủ tục điều chỉnh Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán khi có thay đổi phải điều chỉnh theo quy định; hoặc làm mất, làm hỏng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán nhưng không thực hiện thủ tục đề nghị cấp lại theo quy định.

Hành vi giả mạo, sửa chữa, tẩy xóa Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán; Cho thuê, cho mượn, cầm cố Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000.

Có thể phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với tổ chức kiểm toán vẫn tiếp tục kinh doanh các dịch vụ theo quy định tại khoản 1 Điều 40 Luật Kiểm toán độc lập khi đã bị thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán.

Đối với hoạt động của DN kiểm toán, chi nhánh DN kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam nếu có hành vi vi phạm có thể bị phạt từ 20 triệu đồng đến 80 triệu đồng.

Phải có nghĩa vụ thông báo, báo cáo về Bộ Tài chính

Dự thảo Nghị định quy định: Cảnh cáo đối với doanh nghiệp kiểm toán không thông báo bằng văn bản kèm theo bản sao tài liệu cho Bộ Tài chính về việc thành lập hoặc chấm dứt hoạt động của cơ sở của doanh nghiệp kiểm toán ở nước ngoài.

Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán thực hiện thông báo cho Bộ Tài chính chậm trên 15 ngày so với quy định khi có thay đổi về: Danh sách kiểm toán viên hành nghề; Tên, địa điểm đặt trụ sở chính của doanh nghiệp; Tên, địa điểm đặt trụ sở chi nhánh kinh doanh dịch vụ kiểm toán; Tạm ngừng kinh doanh dịch vụ kiểm toán; Chấm dứt hoạt động của chi nhánh kinh doanh dịch vụ kiểm toán; Báo cáo tình hình hoạt động hàng năm và báo cáo đột xuất theo yêu cầu của Bộ Tài chính.

Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán không thực hiện thông báo cho Bộ Tài chính khi có thay đổi về: Danh sách kiểm toán viên hành nghề; Tên, địa điểm đặt trụ sở chính của doanh nghiệp; Tên, địa điểm đặt trụ sở chi nhánh kinh doanh dịch vụ kiểm toán; Tạm ngừng kinh doanh dịch vụ kiểm toán; Chấm dứt hoạt động của chi nhánh kinh doanh dịch vụ kiểm toán; Báo cáo tình hình hoạt động hàng năm và báo cáo đột xuất theo yêu cầu của Bộ Tài chính.

Trong trường hợp doanh nghiệp có thay đổi về Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc, người đại diện theo pháp luật, tỷ lệ vốn góp của các thành viên; hoặc thực hiện việc chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, chuyển đổi, giải thể không thực hiện thông báo cho Bộ Tài chính có thể bị phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000.

Chánh thanh tra Bộ Tài chính có quyền phạt cảnh cáo, phạt tiền đến mức cao nhất quy định tại Nghị định này.

Thanh tra viên thanh tra Bộ Tài chính có quyền: Phạt cảnh cáo; Phạt tiền tối đa đến 500.000 đồng đối với cá nhân vi phạm hành chính, 1.000.000 đồng đối với tổ chức vi phạm hành chính.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là cấp tỉnh) có quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập: Phạt cảnh cáo; Phạt tiền mức cao nhất quy định tại Nghị định này; Áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Nghị định này.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (gọi chung là cấp huyện) có quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán: Phạt cảnh cáo; Phạt tiền đến 25.000.000 đồng đối với cá nhân vi phạm hành chính, 50.000.000 đồng đối với tổ chức vi phạm hành chính; Áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Nghị định này.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã) có quyền xử phạt trong lĩnh vực kế toán: Phạt cảnh cáo; Phạt tiền đến 5.000.000 đồng đối với cá nhân vi phạm hành chính, 10.000.000 đồng đối với tổ chức vi phạm hành chính.