Hoàn thiện môi trường thể chế hướng tới 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020


Để đạt mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020, Việt Nam cần cắt giảm thực chất điều kiện kinh doanh; tiếp tục hoàn thiện thủ tục hành chính trong mọi lĩnh vực từ thủ tục đăng ký kinh doanh, thủ tục xuất nhập khẩu…, tạo môi trường thông thoáng cho các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn.

Để đạt mục tiêu 1 triệu DN vào năm 2020, Việt Nam cần cắt giảm thực chất điều kiện kinh doanh.
Để đạt mục tiêu 1 triệu DN vào năm 2020, Việt Nam cần cắt giảm thực chất điều kiện kinh doanh.

Tạo môi trường kinh doanh bình đẳng cho doanh nghiệp

Theo NCS. Lê Thị Hồng Thúy - Học viện Tài chính, sau hơn 30 năm đổi mới, sự thay đổi trong thể chế chính trị và thể chế kinh tế đã dẫn đến những thay đổi rõ rệt trong phát triển kinh tế. Hiện nay, Nhà nước tiếp tục đổi mới thể chế bằng các hành động cụ thể, đó là nhấn mạnh vai trò của kinh tế tư nhân; Tạo môi trường kinh doanh bình đẳng cho các DN tư nhân tốt hơn bằng cách xóa bỏ các điều kiện kinh doanh của các ngành nghề khác nhau.

Chính phủ Việt Nam đã khẳng định được đáng kể sự thay đổi của mình trong việc hoạch định chính sách, cũng như sự đổi mới của bộ máy nhà nước. Chỉ số quản trị toàn cầu của Việt Nam thuộc hàng tốt nhất trong nhóm các nước có thu nhập trung bình thấp.

Đặc biệt, Nhà nước đã ban hành một loạt nghị quyết nhằm cải cách thủ tục hành chính. Cụ thể như: Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ ngày 01/01/2017 yêu cầu các bộ, ngành, chính quyền địa phương lập kế hoạch chi tiết để cải thiện tất cả các lĩnh vực PCI có liên quan đến các quy định và thủ tục hành chính”. Hay như Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP của Chính phủ yêu cầu các tỉnh, thành phố nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh quốc gia...

Nhờ đẩy mạnh công tác cải cách thể chế, môi trường kinh doanh của Việt Nam được cải thiện đáng kể. Theo báo cáo môi trường kinh doanh năm 2018 được Ngân hàng Thế giới công bố mới đây, Việt Nam đứng vị trí 68/190 nền kinh tế, tăng 14 bậc so với năm 2017.

Bức tranh kinh tế Việt Nam đang phát triển tốt với số lượng DN tăng nhanh. Thời gian qua, số lượng DN đăng ký thành lập mới trong cả nước tăng nhanh với tổng vốn đăng ký bình quân một DN đạt 10,2 tỷ đồng. Khu vực DN, với vai trò đóng góp lớn nhất vào quy mô phát triển của nền kinh tế, chiếm trên 60% trong GDP...

Tuy nhiên, NCS. Lê Thị Hồng Thúy cho rằng, môi trường thể chế của Việt Nam vẫn còn bộc lộ một số hạn chế sau: Việc tiếp cận đất đai vẫn còn sự phân biệt đối xử giữa các khu vực DN, khả năng tiếp cận đất đai vẫn còn rất hạn chế, do quỹ đất có hạn, ngay cả khi có đất rồi thì DN cũng phải đối mặt với rủi ro lớn trong quá trình sử dụng đất.

Cùng với đó, việc tiếp cận thị trường của DN chưa được đảm bảo bằng luật, văn bản dưới luật dẫn đến quyền kinh doanh của người dân và nhà đầu tư bị hạn chế. Chẳng hạn như: Thủ tục đăng ký kinh doanh vẫn còn mất nhiều thời gian và thủ tục hành chính vẫn chưa thực sự tối giản mặc dù đã có sự cải thiện đáng kể…

Cắt giảm thực chất điều kiện kinh doanh

Đưa ra giải pháp hướng tới mục tiêu 1 triệu DN vào năm 2020, NCS. Lê Thị Hồng Thúy cho rằng, Việt Nam cần cắt giảm thực chất điều kiện kinh doanh; tiếp tục hoàn thiện thủ tục hành chính trong mọi lĩnh vực từ thủ tục đăng ký kinh doanh, thủ tục xuất nhập khẩu…, tạo môi trường thông thoáng cho các DN hoạt động hiệu quả hơn.

Bên cạnh đó, cần tổ chức các cuộc đối thoại giúp DN nắm rõ về quyền và nghĩa vụ của mình, cũng như nắm bắt được tâm tư nguyện vọng, những vướng mắc trong hành động để đưa ra những giải pháp hợp lý, hiệu quả hơn;  Đẩy mạnh việc hỗ trợ DN, tổ chức nhiều hội chợ thương mại để thúc đẩy, hỗ trợ DN mở rộng hợp tác đầu tư, tìm kiếm thị trường mới.

Đồng thời, cần đảm bảo một môi trường pháp lý an toàn hơn, tạo niềm tin cho DN về hệ thống tư pháp để mạnh dạn đầu tư sản xuất kinh doanh, không e ngại rủi ro xảy ra mà không được giải quyết, hay bảo vệ quyền lợi của DN; Thúc đẩy hơn hiệu quả sáng tạo của lãnh đạo tỉnh, nghiêm túc xem xét quá trình hoạt động của lãnh đạo địa phương trong việc đảm bảo thực hiện kế hoạch đúng định hướng để nâng cao chất lượng thể chế tại địa phương.